Thủ đô Hà Nội đang trong những ngày thu lịch sử kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) thật đặc biệt. Khắp phố phường tràn ngập không khí lễ hội và những cảm xúc tự hào, lòng người hân hoan còn những vị khách phương xa không khỏi đắm say, yêu Hà thành ngay từ lần đầu gặp gỡ.
Sau 70 năm hoàn toàn giải phóng, “Thủ đô anh hùng”, “Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo” mang tên Hà Nội vẫn là nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai, giữa Đông và Tây, giữa bề dày văn hiến và sự năng động phát triển thấm đẫm hơi thở thời đại. Hà Nội hôm nay vẫn căng tràn sức sống, có lắng đọng, có hân hoan, náo nức, có “chất riêng” và một “tâm hồn” khác biệt, dung dị, quyến rũ, đài các, mê động lòng người chính là nhờ công lớn của những người vẫn miệt mài, bền bỉ giữ những sắc màu truyền thống, giữ hồn cốt, giữ tinh hoa văn hóa ngàn đời cho mảnh đất Tràng An này.
Đó là nhà nhiếp ảnh Quang Phùng, 92 tuổi vẫn chống gậy batoong ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của Hà Nội. Đó là cô Vương Thị Nhung cần mẫn lưu giữ sợi chỉ vàng thêu cờ Tổ quốc. Đó là bà Lê Thị Quyến, 84 tuổi vẫn miệt mài với từng đường kim, mũi chỉ để may nên những chiếc áo dài truyền thống đậm chất Trạch Xá, làm đẹp cho đời. Đó là nghệ nhân Tạ Thị Thu Hương giữ hồn Việt trong trong từng chiếc nón. Đó là nghệ nhân Nguyễn Chí Thành cần mẫn với nghề chế tác bạc thủ công gia truyền. Đó là nghệ nhân Phạm Anh Đạo, người duy nhất ở Bát Tràng còn làm gốm vuốt tay hoàn toàn. Đó là bà Đỗ Thị Khà, nghệ nhân giữ hương cốm Vòng. Đó là nghệ nhân lưu giữ ẩm thực chốn kinh kỳ Ánh Tuyết. Đó là hoạ sĩ Trần Văn Thịnh hơn 50 năm phát triển nghề vẽ tranh truyền thần. Đó là CEO Tân Mỹ Design Nguyễn Thuỳ Linh, thế hệ thứ 3 trong gia đình bốn thế hệ giữ nghề thêu và lụa phố cổ Hà Nội.
Đó là 10 nhân vật nghệ nhân, thợ giỏi tiêu biểu, đã và đang âm thầm giữ lửa cho các nghề truyền thống, nối tiếp dòng chảy di sản mà cha ông truyền lại từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước. Họ là những “người kể chuyện” không lời, dùng đôi bàn tay tài hoa và tâm hồn yêu nghề để dệt nên từng mảnh ký ức, từng giá trị quý báu của lịch sử. Từng bức ảnh, tấm chân dung, sản phẩm thêu thùa, đan lát, hay gốm sứ… đều chất chứa tinh hoa văn hóa ngàn đời và thấm đẫm cả hơi thở thời đại, nơi chốn kinh kỳ và cốt cách dân tộc đã đọng lại.
Trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, những con người tài hoa ấy vẫn luôn kiên định với sứ mệnh giữ lửa truyền thống, không ngừng sáng tạo và đưa nghề thủ công vươn xa, gắn liền với thương hiệu Hà Nội, nơi tinh hoa hội tụ.
Mỗi người một vẻ, như những đoá sen thanh cao giữa hồ Tây tĩnh lặng, mang trong mình nét đẹp thanh lịch và tao nhã đến lạ thường hay tựa như những chiếc bình gốm sứ tinh xảo, bên ngoài giản đơn, nhưng bên trong chứa đựng cả một kho tàng văn hóa, đạo lý và phẩm hạnh. Như những dòng sông âm thầm chảy, lặng lẽ mà kiên định, họ luôn sống chậm rãi, cẩn trọng và chu đáo đến từng chi tiết nhỏ nhất trong nghề nghiệp và cuộc sống.
Với lòng yêu thương, sự chân thành và tinh thần trách nhiệm, trong họ luôn tràn đầy sự quan tâm tinh tế, như những bông hoa cúc nở rộ giữa trời thu Hà Nội, chẳng phô trương, nhưng lại rực rỡ trong chiều sâu của nét đẹp tinh thần; như cơn mưa xuân nhẹ nhàng tưới mát cỏ cây, làm hồi sinh cả không gian, nhưng chẳng bao giờ ồn ào, vội vã.
Từ lòng yêu nước, yêu Hà Nội, đến tình yêu nghề và hiếu khách, họ luôn sống vì cộng đồng, âm thầm làm những điều tốt đẹp mà không cầu danh tiếng, giữ trọn vẹn cái chất thanh cao, nhẹ nhàng mà sâu lắng như tiếng chuông chùa Trấn Quốc vang vọng giữa lòng Thủ đô.
Chính họ đã hóa thân, tạo nên mạch sống Hà Nội mãi mãi trường tồn với thời gian, nơi mà vẻ đẹp thanh lịch của người Tràng An không thể nào phai nhòa trong tâm trí bao người. Họ chính là những ngọn lửa nhỏ, lặng lẽ, nhưng bền bỉ, cháy rực trong cơn bão mặt trái của hiện đại hóa, để giữ cho những giá trị ngàn đời luôn tỏa sáng trong lòng mỗi người con đất Việt.
Hà Nội luôn có những nghệ sĩ cống hiến hết mình để kể những câu chuyện văn hóa, lịch sử một cách thân thương, gần gũi, có hồn nhất. Đó là nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng, suốt 7 thập kỷ đã dùng ống kính của mình để ghi lại những khoảnh khắc đời thường dung dị, quyến rũ, đài các và chân thật nhất của Hà thành.
Dù ở tuổi 92, ông vẫn không ngừng đam mê sáng tác, trở thành biểu tượng cho tình yêu Hà Nội sâu sắc và đậm đà. Trong khi đó, họa sĩ truyền thần Trần Văn Thịnh, với gần 60 năm gắn bó cùng cây bút, ông không chỉ vẽ nên những bức tranh truyền thần đầy khí chất, mà còn lưu giữ dấu thời gian cùng những con người qua từng nét vẽ.
Như một nhà lữ hành "vượt thời gian" để lưu giữ lại từng ký ức về Hà Nội vắt qua hai thế kỷ, ở tuổi 92, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng vẫn từng ngày cần mẫn viết nên những câu chuyện bằng hình ảnh ở mảnh đất kinh kỳ một cách say sưa và chân thành. Bảy thập kỷ qua, ông miệt mài sáng tác, lặng lẽ ghi vào ống kính những khoảnh khắc Hà thành đẹp nhất, đời thường nhất và bình dị nhất. Tình yêu của ông dành cho Thủ đô cũng chính là biểu tượng về tình yêu thiết tha, đậm sâu, nồng nàn của người Hà Nội.
Từng có cơ duyên phỏng vấn nhà nhiếp ảnh Nguyễn Quang Phùng hơn 10 năm trước, từ đó đến nay, mỗi lần đi qua khu vực hồ Gươm hoặc hồ Thiền Quang vào buổi sáng, tôi sẽ bất giác tìm kiếm “ông tiên” tóc trắng toát búi tó gọn gàng, dáng người thấp đậm, nét mặt hóm hỉnh, tay chống batoong, cổ đeo lủng lẳng chiếc máy ảnh. Nhưng gần đây không thấy hình bóng thân thuộc ấy, đoán ông tuổi cao, có khi sức yếu rồi nên thu xếp vào tận nhà thăm ông. Thật mừng khi thấy ông đang ngồi bên hiên, tay phe phẩy chiếc lá bàng màu đỏ cam rất đẹp vừa mới nhặt được ngoài ngõ.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Phùng sinh năm 1932, tại Hà Đông, bố là tri phủ Hoài Đức, mẹ là thục nữ nức tiếng Hà thành, bán giấy mực ở phố Hàng Gai. Năm 1948, ông tham gia hoạt động nội thành Việt Minh. Suốt trong những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, ông đã đi đầu đoàn học sinh, sinh viên, biểu tình phản đối chế độ thực dân Pháp ở Hà Nội. Năm 1954, cả gia đình ông di cư vào Nam, riêng ông ở lại.
Sau ngày giải phóng Thủ đô, vì giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, biết chụp ảnh, đánh máy chữ, ông tham gia hoạt động giúp Ủy ban Quốc tế giám sát Hiệp định đình chiến Geneve trong 15 năm. Sau đó được Việt Minh tin tưởng giao nhiệm vụ chụp ảnh các trại lính của Pháp trước khi bộ đội ta vào tiếp quản Thủ đô.
Đến với nhiếp ảnh như một cái duyên, chính ông cũng không ngờ cả đời mình lại gắn bó với những thước phim, với thứ ngôn ngữ không lời một cách mật thiết đến như vậy. “Tôi đến với nhiếp ảnh là một sự tình cờ, bởi có một ông anh khi di cư vào Nam đã để lại cho tôi cái máy ảnh. Không biết là ông ta quên hay cố ý để lại, và thế là tôi đã dùng nó để bắt đầu chụp ảnh. Lúc bấy giờ là năm 1954, tôi ở trong hội thanh niên - học sinh - sinh viên tham gia biểu tình chống Pháp. Trong tay tôi, cái máy ảnh khi ấy hoạt động tích cực lắm”, ông Phùng hoài niệm.
Không phải là dân chuyên nghiệp, cũng chẳng được học một cách bài bản về nhiếp ảnh, đơn giản xuất phát từ niềm yêu thích và cái duyên với nhiếp ảnh, cùng tài trí thông minh vượt trội, ông đã tự mình mày mò, học hỏi. Ngay từ những năm tháng công tác ở Bộ Ngoại giao, ông đã có nhiều bức ảnh chụp đáng quý. Đến khi về hưu, ông dành sự quan tâm nhiều hơn tới những chủ đề liên quan đến cuộc sống thường nhật.
Nhiếp ảnh, với nghệ sĩ Quang Phùng, đó là công việc, một công việc ông yêu thích, đam mê và dấn thân. Công việc đó lúc mang lại cho ông niềm vui, lúc lại khiến ông suy nghĩ, thậm chí buồn. Suốt từ năm 22 tuổi đến nay, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng có thể thay đổi nhiều phương tiện chụp ảnh, lúc chụp máy phim, lúc chụp máy số to kềnh càng, giờ là “con” Leica nhỏ xíu trong lòng bàn tay, nhưng có một điều ông không thay đổi suy nghĩ: Cái cốt lõi của nhiếp ảnh là tài liệu, là hiện thực cuộc sống đúng như nó đang diễn ra. Một đề tài mà ông lúc nào cũng đam mê, đó là “những câu chuyện ảnh về Hà Nội”. Điều đặc biệt, ông dành tình yêu sâu sắc với cảnh quan xung quanh hồ Hoàn Kiếm, những hàng cây ven hồ với ông là nhân chứng của đất và người Hà Nội.
“Khi mới lên 5, tôi đã trốn nhà ra Hồ Gươm chơi. Ngày gia đình di cư vào Nam, tôi vẫn chọn ở lại đây, bởi tình yêu mảnh đất này quá lớn. Nhớ thời còn làm việc bên Lào, mỗi lần được về Thủ đô, tôi cũng lang thang ra Bờ Hồ. Bởi đến đó, tôi cảm giác như được sạc đầy năng lượng và cũng níu giữ tôi. Hà Nội đã thay da đổi thịt từng ngày, đời sống đủ đầy, văn minh, hiện đại, nhưng vẫn có những thứ chưa ổn mà tôi kiên trì phản ánh cũng chỉ mong Hà Nội ngày càng đẹp hơn. Tôi chụp cảnh và người Hà Nội để nhiều thế hệ người yêu Hà Nội có thể ngắm nhìn mảnh đất, con người nơi đây đã thay đổi, phát triển ra sao qua biến thiên thời cuộc. Vì tình yêu Hà Nội, tôi sẽ không tiếc sức mình và vẫn sẽ chụp ảnh Hà Nội đến hơi thở cuối cùng”, ông Phùng trải lòng.
Trong không gian sống chưa đầy 10 m2 tại xóm Hạ Hồi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) giống như một phòng trưng bày thu nhỏ của người nghệ sĩ già. Hàng ngày, bên cạnh việc đi chụp ảnh, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng cần mẫn ghi chép vào sổ tay những quan sát, kinh nghiệm thu được trong lúc chụp ảnh, đêm về lại lụi hụi cho ảnh vào sổ đóng tập, viết lời bình. Hàng chục cuốn sách ảnh, thẻ nhớ chứa đầy ảnh và còn rất nhiều bộ ảnh hiếm chưa từng công bố.
Ngày trước, khi sức khỏe còn cho phép, bất kể trời Hà Nội mưa hay nắng, người ta vẫn thường hay bắt gặp ông cụ cổ đeo máy ảnh lững thững chống gậy đi dọc những con phố và “gặp gì chụp nấy”. Tới giờ không còn đi được xa, ông lại quanh quẩn trong khoảng sân trước nhà, trong con ngõ nhỏ của xóm Hạ Hồi. Với lão nghệ sĩ, chẳng có ngày nào là ngày thôi kể chuyện - những câu chuyện về Hà Nội mà người đương thời đã lướt qua: “Ngày nào còn khỏe thì ngày đó tôi vẫn sẽ còn đi”.
Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng là một trong số ít phóng viên Việt Nam có những khuôn hình sống động về đoàn quân “trùng trùng tiến về giải phóng Thủ đô” trong thời khắc lịch sử. 70 năm kể từ Ngày Giải phóng, Hà Nội xưa và nay đã có nhiều đổi khác, nhưng ký ức về Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 không thể nào quên.
“Ngày ấy, tôi là một chàng trai 22 tuổi. Tôi thạo tiếng Anh, Pháp và cả nhiếp ảnh nên được chọn vào công tác cho Ban liên hiệp đình chiến. Ngày 8 và 9/10/1954, tôi được giao 10 cuộn phim với nhiệm vụ đi chụp tất cả các điểm có quân Pháp trú đóng ở Hà Nội. Cả hôm ấy, tôi lang thang khắp nơi và chụp hết sạch 10 cuộn phim, về nộp lại cho cấp trên như những bằng chứng cho thấy quân Pháp không còn biểu hiện kháng cự.
Nhiệm vụ đã xong, ngày 10/10/1954, tôi cho phép mình lang thang. Tôi gặp và chơi rất lâu với một đám trẻ con đang chơi trò “nhảy ngựa”, trong 7 đứa trẻ đang leo trên cành phượng mà tôi chụp, có đến 3 em mất bố. Ba người bố ấy là những chiến sĩ đã ngã xuống trước Ngày Giải phóng Thủ đô.
Trong buổi sáng đó, tôi còn chụp ảnh một đôi vợ chồng trẻ. Người chồng trẻ có được chiếc xe đạp cuộc - một thứ đáng giá thời ấy, anh chở cô vợ trẻ mang thai đi dạo trong ngày vui của Thủ đô. Mệt, họ cùng nghỉ trên chiếc ghế ven hồ. Hà Nội hôm ấy rất vui. Hồ Gươm rất đẹp. Lại có thêm trẻ con, có tình yêu đôi lứa. Đời tôi không biết đã bao nhiêu ngàn lần dạo hồ Gươm, nhưng cuộc dạo quanh hồ Gươm sáng 10/10/1954 là đẹp nhất”, lão nghệ sĩ hồi nhớ.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Phùng cũng là một trong số ít các nhà nhiếp ảnh chụp các phóng sự ảnh nữ tài tử Jane Fonda, ngôi sao điện ảnh Mỹ, khi bà thăm Hà Nội vào tháng 7/1972. Khi Jane Fonda đi thăm một nhà trẻ ở Nguyễn Du, còi báo động máy bay hú vang, mọi người tản đi và một em bé đã đưa chiếc mũ rơm của mình cho nữ diễn viên. Jane Fonda đã cảm động bật khóc và nhà nhiếp ảnh đã chớp ngay khoảnh khắc trời cho ấy. Và sau này, trong hành trang gọn nhẹ của Jane Fonda khi rời Việt Nam có chiếc mũ rơm ấy…
Bước ngoặt xảy ra với nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Phùng vào năm 1990, khi bức “Tóc mây’’ (là bức ảnh đánh dấu tín hiệu đổi mới vì cô gái trong ảnh là một con lai của Pháp - một hàng binh Pháp) của ông đạt giải nhất Cuộc thi Ảnh nghệ thuật toàn quốc. Tuy nhiên, với Quang Phùng, thành công như vậy chỉ khiến ông suy nghĩ. Đó có phải là cốt lõi về nhiếp ảnh như ông mong muốn không? Tự đặt ra câu hỏi và ông tự trả lời. Ông từ bỏ hẳn dòng ảnh “nghệ thuật vị nghệ thuật” để tập trung vào dòng ảnh phản ánh hiện thực cuộc sống.
Vì thế mà Hà Nội đã mấy trăm bức “Gánh hàng rong”, mấy trăm bức “Cây cầu và những cuộc sống ven sông”, rồi rất nhiều bức trong “Hà Nội băm sáu phố phường”, “Hoa rơi mặt hồ” hay những bức gai người về tệ nạn ma túy quanh hồ Thuyền Quang... để lưu lại cho đời sau hiện thực một thời.
Những bức ảnh mà Quang Phùng phải dầm mưa đến nỗi về ốm cả tuần, hay đứng giữa đường bị xe lao sầm sập như chèn vào người, bị té nước lên ướt hết quần áo, không quản ngại khó khăn để có những khoảnh khắc, những hình ảnh đẹp và chân thực nhất về thành phố này.
Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng đã nhận được giải “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”, giải thưởng khiến cho ông rất vui vì tình yêu của mình với Hà Nội yêu dấu được ghi nhận. Đó cũng là một động lực để ông tiếp tục kiên trì theo đuổi con đường mình đã chọn.
Nếu trong thời chiến, ông Phùng nổi tiếng với các bộ ảnh “độc nhất vô nhị” về “Bộ đội vào tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954”, “Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước; khoảnh khắc chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân Thủ đô tháng 12/1972, thì đến thời bình, cuốn sách ảnh “Dạo quanh Hồ Gươm”, bộ ảnh “Ma túy lộng hành giữa Thủ đô”, triển lãm “Hoa rơi mặt hồ”; “gánh hàng rong”… đã truyền tải những câu chuyện thời đại bằng hình ảnh mà không một sách vở nào có thể thay thế được.
Có một quy tắc trong nghề, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng quan niệm: “Chụp ảnh tài liệu” nên chưa khi nào muốn trở thành một người chỉ ngợi ca những gì “đẹp” của cuộc sống bằng những tấm ảnh. Đằng sau mỗi tấm ảnh luôn là dấu hỏi đầy trăn trở. Nhiếp ảnh với ông là ghi lại khoảnh khắc gần gũi, thiết thực. Giá trị của bức ảnh chính là tác động mang tính phản biện xã hội.
Tuổi 92, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng mủm mỉm cười bảo rằng, ông sống thật với chính mình, không màu mè. Bởi cái nghề mà ông đi theo suốt hơn nửa thế kỷ nay là nhiếp ảnh đòi hỏi thế. Nhiếp ảnh là phải thật, không được diễn. Phim, kịch, sân khấu thì cứ diễn thoải mái, nhưng nhiếp ảnh thì không. Đặc biệt với ông, ảnh trong file chưa gọi là ảnh. Mà ảnh thì phải được in tráng, rửa ra và cũng phải đúng kích thước “chuẩn” 20 x 30 cm. Chưa in ra, chưa đúng khổ ảnh ấy, ông không coi đó là một bức ảnh của người làm nghề chuyên nghiệp.
Sống cùng thời đại và cùng nhau cống hiến cho đất nước trong những năm tháng bom rơi đạn lạc, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng là bạn tâm giao của những vĩ nhân xưa như danh họa Bùi Xuân Phái, nhạc sĩ Văn Cao hay nhà văn Nguyễn Tuân. Họ có một điểm chung là đều dành cho Hà Nội một tình cảm đặc biệt. Không ồn ào, phô trương, họ lặng lẽ biểu đạt tình yêu dành cho Hà Nội bằng những sáng tác quý báu để lại cho đời.
Sinh, lão, bệnh, tử, dù không muốn, nhưng chẳng ai có thể tránh được quy luật tất yếu của cuộc đời. “Những người muôn năm cũ” của ông đều đã lần lượt về với trời. Không ngoa khi nói rằng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng chính là “biểu tượng sống” hiếm hoi còn sót lại của lớp văn nghệ sĩ vang bóng một thời về tình yêu dành cho Hà Nội.
Một đời cống hiến cho cả nhiếp ảnh nghệ thuật lẫn nhiếp ảnh báo chí, những tác phẩm của Quang Phùng đều đã và đang để lại những giá trị sâu sắc về ý nghĩa lịch sử và trở thành những tư liệu vô cùng quý báu. Mỗi bức ảnh của ông đều hội tụ đủ tính “Chân - Thiện - Mỹ”, vừa chân thật, vừa đẹp đẽ, vừa mang tính hàm sâu triết học và ẩn chứa trong nó thật nhiều ý nghĩa sâu xa.
Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng đã được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (năm 2013); Huy chương Vì sự nghiệp An ninh Tổ quốc (năm 1995); Huy chương Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam (năm 1996); Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (năm 1999); Huy chương Vì sự phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam (năm 2002); Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hà Nội 1991-1995; Giải nhất Liên hoan ảnh Việt Nam lần thứ XVI năm 1990… Dịp 10/10/2022, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng vinh dự đón nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022 do UBND TP. Hà Nội trao tặng.
Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến, không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử và ẩm thực phong phú, mà còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó có nghệ thuật vẽ truyền thần. Nghề vẽ truyền thần, với sự kết hợp giữa hội họa và ký họa, đã trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa của người dân chốn Hà thành.
Ở lứa tuổi thất thập cổ lai hy, với gần 60 năm cầm bút vẽ, họa sỹ truyền thần Trần Văn Thịnh vẫn đang miệt mài từng ngày thổi hồn vào những bức ảnh mang màu thời gian để khắc họa hồn người qua bảng màu, nét vẽ.
Vẽ truyền thần không chỉ đơn thuần là việc phác họa chân dung. Đó là một nghệ thuật đòi hỏi sự tinh tế, khả năng quan sát và cảm nhận sâu sắc. Nghệ nhân vẽ truyền thần thường sử dụng bút và mực để tạo nên những bức tranh sống động, phản ánh tính cách, tâm hồn của nhân vật. Mỗi bức tranh không chỉ là một hình ảnh, mà còn là một câu chuyện, một phần ký ức.
Sinh ra, lớn lên trong một gia đình có truyền thống hội họa, tuổi thơ của họa sỹ Trần Văn Thịnh sống cùng bột màu, bút vẽ và những khuôn mặt sống động như bước ra từ đời thật trong các bức tranh của người cha đáng kính. 10 tuổi đã cầm bút vẽ bức tranh truyền thần đầu tiên, đến nay, nghệ nhân Trần Văn Thịnh vẫn luôn miệt mài, đam mê với việc thổi hồn vào những bức tranh.
Họa sỹ kể rằng, từ khi có nhận thức, ông đã hàng ngày, hàng giờ chứng kiến bố cặm cụi bên giá vẽ, với những đêm dài thức trắng trên con phố Hàng Đường yên tĩnh của mảnh đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến. Nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán cha những trưa hè, hay những ngày đông giá lạnh, bàn tay cầm bút run lên theo những cơn gió Bắc rét đến cắt da, cắt thịt, suy nghĩ của một cậu bé khi ấy chỉ mông lung rằng, sao cha mình có thể ngồi im lâu như vậy, trong khi bản thân cậu chỉ muốn chạy nhảy khắp nơi.
Nhưng như một lẽ tự nhiên, năm tháng dài rộng trôi qua, hình ảnh người cha họa sỹ cần mẫn đã in đậm trong tâm trí, để rồi từ đó, vẽ truyền thần đã thấm vào từng tế bào của cậu bé Trần Văn Thịnh.
Dù không học hành bài bản từ cha, nhưng những ngày cắp sách đến trường, khi được thầy cô giáo giao các bài tập về vẽ, cậu bé Thịnh đều bộc lộ năng khiếu hội họa vượt trội về phác thảo và nhào nặn các nét vẽ. Lớn hơn, những bức vẽ về bản đồ, cảnh vật, con người được thầy cô tấm tắc khen ngợi như thầm khẳng định một năng khiếu trời phú của chàng học sinh nơi con phố nhỏ.
Bức tranh truyền thần đầu tiên đến với họa sỹ Trần Văn Thịnh như một sự tự nhiên, khi ông nhìn thấy trong tủ đồ của cha bức ảnh đẹp của một người phụ nữ. Cậu bé 10 tuổi khi ấy đã say mê với khuôn mặt, nụ cười phúc hậu đó và đã xuất thần những nét vẽ tự nhiên, tràn đầy năng lượng.
Tác phẩm đầu tiên của họa sỹ khi ấy đã nhận được sự hài lòng từ đôi mắt khó tính của người cha và từ chính người mẫu của bức ảnh. Sau giây phút ấy, nhận thấy tiềm năng của con trai nên người cha đã quyết tâm dạy con một cách bài bản về vẽ truyền thần, để con có thể nối nghiệp truyền thống gia đình.
Sự hài lòng của khách hàng với bức vẽ đầu tiên như một liều thuốc tinh thần giúp cậu bé Thịnh tràn đầy hứng khởi, tự tin tỏa sáng trong nét vẽ để thổi hồn vào những bức tranh. Đến giờ, khi đã trải qua hơn nửa thập kỷ, nhìn lại quãng thời gian qua ông mỉm cười mãn nguyện, hạnh phúc vì mình đã sống và thỏa mãn đam mê.
Giải thích về tranh truyền thần, họa sỹ Thịnh nói rằng, đây được định nghĩa là một thể loại hội họa mà người họa sỹ truyền lại cái “thần” của người được vẽ, có nghĩa là truyền đạt được cảm xúc, thần thái thông qua tác phẩm. Có hai loại truyền thần, một là vẽ lại từ một bức ảnh và vẽ theo sự mô tả của người đặt hàng.
Dù là ở thể loại nào thì cũng đều đòi hỏi người họa sỹ phải vô cùng kiên trì, cần mẫn, trải qua nhiều bước như vẽ phác họa, vẽ chi tiết... để truyền được thần thái của người được vẽ, mà quan trọng nhất là nghệ thuật điểm nhãn. Đây là nét độc đáo trong các bức tranh truyền thần mà không một loại tranh nào khác có được.
Để vẽ lại một bức tranh đòi hỏi người họa sỹ phải có ý chí kiên trì, tỉ mỉ, tập trung cao độ, bức tranh sau khi hoàn thành không chỉ giống với ảnh được chụp, mà còn phải truyền được thần thái, cảm xúc của con người đó. Chỉ cần sai một chút có thể làm khuôn mặt khác đi rất nhiều so với ảnh gốc. Và khi không lột tả được thần thái và cảm xúc của bức ảnh thì truyền thần đã mất đi giá trị tinh túy vốn có.
Người vẽ truyền thần phải có khả năng quan sát tinh tế để nắm bắt những chi tiết nhỏ nhất về đặc điểm hình thức và biểu cảm của nhân vật. Họ có thể nhìn thấy và thể hiện được tính cách, tâm tư và cảm xúc thông qua từng đường nét trên khuôn mặt.
Ngoài việc phác họa hình ảnh, nghệ nhân vẽ truyền thần còn có khả năng truyền tải cảm xúc sâu sắc. Họ biết cách làm nổi bật những khoảnh khắc đặc biệt, từ niềm vui đến nỗi buồn, tạo ra sự kết nối giữa bức tranh và người xem. Vậy nên, mỗi tác phẩm không chỉ là một bức tranh, mà còn là một phần của cuộc đời, là ký ức và câu chuyện riêng của từng người. Nghệ nhân có khả năng cá nhân hóa tác phẩm theo yêu cầu và mong muốn của khách hàng, tạo ra giá trị riêng biệt cho mỗi bức tranh.
Nguyên liệu vẽ tranh cũng yêu cầu cao về độ chính xác, với họa sỹ Trần Văn Thịnh thì ông dùng loại giấy của Pháp. Đây là loại giấy thượng hạng. Bột vẽ phải là bột đen hoặc muội khói dầu hỏa. Điểm đặc biệt trong vẽ tranh truyền thần là ở chiếc bút. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để tạo lên những nét vẽ mềm mại. Bút sẽ được họa sỹ tự làm thủ công như dùng đũa tre vót nhọn rồi dùng miếng vải tự nhiên cuốn quanh đầu bút.
Quan sát góc làm việc của họa sỹ, phóng viên thấy ở đó là sự đơn giản như chính công việc và cuộc đời bình lặng vốn có của ông khi chỉ có một giá vẽ, ngăn đựng dụng cụ và bức hình đang làm dang dở. Đâu đó trong căn phòng nhỏ là những bức vẽ truyền thần sống động đến kỳ lạ với vô vàn sắc thái tình cảm khác nhau.
Nhìn những tác phẩm của ông, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi nó chỉ là một bức vẽ đen trắng, nhưng rất có hồn, khiến người xem không thể rời mắt. Thậm chí, có những tranh chỉ vẽ theo lời kể và trí tưởng tượng cũng giống nhân vật đến kỳ lạ khiến người thân của họ xúc động nghẹn lời.
Để làm được điều đó, người họa sỹ phải tỉ mỉ, cẩn thận trong từng đường nét. Bởi ông cho rằng, nếu cẩu thả trong một bước nào đấy, bức tranh sẽ không thể trở nên cuốn hút được.
Khi được hỏi về việc ông có thể làm nghề đến bao giờ, nghệ nhân bộc bạch: “Khi nào còn đủ sức khỏe thì tôi vẫn tiếp tục vẽ, bởi ngọn lửa yêu nghề trong tim tôi vẫn luôn bùng cháy”.
Truyền thần là nghề không làm cho con người ta giàu sang hơn, mà làm cho cốt cách con người thêm ôn hòa, kiên trì, nhẫn nại, dù việc khó tới đâu cũng làm được. Cũng như cha ông ta thường nói nghề chọn người, ông nghĩ rằng nghề đã chọn ông để cho ra đời những bức tranh hồn cốt sống động, nhưng lại chân thực, lưu giữ lại ký ức mang màu thời gian của mỗi người ở bất kỳ thời đại và hoàn cảnh nào.
Nhớ lại những năm tháng khi đất nước còn chìm trong chiến tranh, Hà Nội nơi ông sinh ra và lớn lên chìm trong khắc nghiệt do bom đạn, thì ông vẫn ngồi đó, nơi con phố hàng Đường trầm mặc để sống cùng các bức vẽ. Những bức ảnh của các liệt sỹ được ông tái hiện lại khiến gia đình, người thân, bạn bè của họ không cầm được những giọt nước mắt xúc động. Họ như thấy được khuôn mặt, nụ cười và ánh mắt chứa chan yêu thương của người con, người chồng, người cha của mình.
Có những gia đình chỉ còn lưu lại được một tấm ảnh bé xíu đã bị hoen ố, hoặc chụp chung với nhiều người khác, khuôn mặt không rõ ràng. Công việc vẽ tranh truyền thần lúc đó là một công việc thiêng liêng đến nỗi, ông Thịnh cùng cha và vợ của mình không dám lơi là dù chỉ một khắc, cố gắng hoàn thành bức vẽ chỉn chu, có hồn trong thời gian ngắn nhất. Có tâm với nghề thì nghề không bạc. Có lẽ mang tâm niệm như thế nên nghệ nhân Trần Văn Thịnh đã vững tay cọ dù trải qua bao thăng trầm, biến đổi. Ông cười hiền nói rằng, một ngày không được cầm bút vẽ thì trong người cảm thấy khó chịu và bứt rứt.
Nói một chút về dòng tranh truyền thần, nghệ nhân cho biết, dòng tranh này ra đời ở Việt Nam từ thế kỷ XIX, khi mà nhiếp ảnh vẫn còn một thứ gì đó xa xỉ. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, nghề vẽ truyền thần ở khu phố cổ Hà Nội phát triển cực thịnh với hàng trăm cửa hàng vẽ truyền thần ở dọc các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào và Hàng Đường.
Thế rồi, chiến tranh cũng lùi vào những trang sử cũ. Đó cũng là khi nhiếp ảnh trở nên phổ biến. Từ những năm 80, 90, đất nước sang trang, bước vào đời sống mới, nhu cầu mới mở ra. Các tiệm vẽ truyền thần trên phố cổ Hà Nội giảm từ 40 - 50 tiệm xuống còn một nửa, rồi tiếp tục giảm đến mức chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, những người theo nghề giờ còn lác đác và đã ở lứa tuổi xưa nay hiếm.
Trong xã hội hiện đại, khi mà công nghệ photoshop, ảnh kỹ thuật số phát triển như vũ bão thì nghề truyền thần càng trở nên vắng bóng. Nhiều người trẻ ngày nay có xu hướng chọn những hình thức nghệ thuật hiện đại hơn, khiến nghề truyền thần có nguy cơ mai một.
Tuy nhiên, với họa sỹ, dù cuộc sống có biến đổi ra sao thì ông vẫn kiên trì với các nét vẽ của mình, với tâm niệm khi nào con người còn muốn lưu giữ kỷ niệm, khi ấy ông còn vẽ, truyền thần còn đất sống.
Khách hàng của họa sỹ Trần Văn Thịnh rất đa dạng, từ các bạn trẻ đến những gia đình, và cả những nghệ sỹ, người nổi tiếng. Nhiều người tìm đến ông để có những bức tranh chân dung độc đáo, mang tính cá nhân cao.
Minh chứng là giờ đây trong hằng hà vô số những bức ảnh kỹ thuật số hiện đại, vẫn có nhiều người tìm về với họa sỹ để mong có được những bức truyền thần ưng ý. Sau một thời gian bị lãng quên, gần đây, những người chọn truyền thần thay vì phục chế ảnh trên máy tính đã ngày một nhiều lên. Họ nhận ra rằng, làm trên máy tính ảnh thiếu đi phần hồn, không phục dựng được thần thái như truyền thần. Cũng bởi đa phần các kỹ thuật viên photoshop không phải là họa sỹ, họ rất thạo công nghệ, nhưng thiếu đi mặt nghệ sỹ.
Có bức vẽ do gia đình chỉ còn lưu lại được những bức ảnh mờ cũ, không rõ mặt, người nghệ sỹ truyền thần phải dùng trí tưởng tượng của mình cộng thêm các miêu tả của người thân để hoàn thiện nét vẽ. Có những bức tranh khi số lượng người lớn thì việc vẽ lại vô cùng khó khăn và tiêu tốn nhiều công sức.
Ông Thịnh kể về một bức vẽ truyền thần ấn tượng đặc biệt khi có tới 36 khuôn mặt mang nhiều sắc thái khác nhau trong cùng một bức vẽ. Mỗi khuôn mặt trong bức vẽ đều khiến ông phải dồn hết tâm sức để nhào nặn, bởi chỉ cần một sơ sót nhỏ sẽ phá hủy bức tranh tổng thể.
Cả tháng trời miệt mài bên giá vẽ để hoàn thiện từng đường nét của tác phẩm, với những đau đáu trong nghề, ông đã nhận được nụ cười hài lòng của những người khách kỹ tính. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến của người nghệ sỹ khi mang cái đẹp đến cho đời.
Hay một bức tranh truyền thần khác cũng được họa sỹ Trần Văn Thịnh nhắc đến là bức ảnh có 17 chiến sỹ đứng trước một căn nhà rơm trong thời chiến tranh. Khi đồng đội cầm bức ảnh đến với mong muốn phục dựng lại bằng truyền thần họ không kìm được xúc động vì trong số ấy đã có người nằm lại mãi mãi nơi chiến trường ác liệt, có người trở về cuộc sống thường nhật với cơ thể không lành lặn và những người còn lại đang sống với hoài niệm về quá khứ và nhớ thương đồng đội.
Nhận bức ảnh ấy trong tim người nghệ nhân trào dâng sự xúc động bởi điều người cựu chiến binh kia gửi gắm cho ông không chỉ là một bức vẽ mà đó là tâm tư, tình cảm, tình yêu vĩ đại của người lính. Nhận lấy bức ảnh, ông trân trọng, nâng niu trong từng nét vẽ, cố gắng để những khuôn mặt chiến sỹ ấy sẽ trở thành nguồn an ủi, động viên cho những người ở lại.
Với đôi mắt trầm buồn, họa sỹ Trần Văn Thịnh xúc động nhớ lại những kỷ niệm đã gắn bó trong cuộc đời cầm cọ vẽ của mình, và dù trong hoàn cảnh nào thì đôi tay cầm cọ vẽ cùng trái tim ấm áp, chân thành của người nghệ sỹ vẫn đeo đẳng ông ngay cả trong giấc mơ để thổi hồn vào những bức ảnh nhuốm màu thời gian.
Khi thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tạ thế, cũng như nhiều người dân đất Việt, người nghệ sỹ có chung tâm trạng tiếc thương, tưởng nhớ và ngay lập tức chuẩn bị giấy bút để vẽ lại hình ảnh một lãnh tụ giản dị vì dân, vì nước. Với tâm thế của người dân biết ơn người đứng đầu đất nước, bức vẽ Tổng Bí thư hoàn thiện với khuôn mặt bừng sáng và nụ cười hiền hậu khiến bất kỳ ai nhìn vào cũng có chung cảm xúc được an ủi như Tổng Bí thư vẫn còn đó, chưa hề chia xa.
Trước đó, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, ông cũng dành nhiều tâm huyết để vẽ bức tranh Đại tướng như một lời cảm ơn người đã dành cả cuộc đời vì dân, vì nước. Ngoài việc đem bức tranh do chính tay mình vẽ viếng Đại tướng, ông còn mang bức tranh ấy đi đấu giá để quyên góp cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ năm 2013.
Từ nghệ thuật, ông đã hướng tới cuộc sống, như cách các văn sỹ thường nói rằng, nghệ thuật vị nhân sinh chứ không đơn thuần chỉ là vị nghệ thuật. Người con Hà Nội, người họa sỹ dân gian lưu giữ hồn cốt văn hóa Hà Nội là những mỹ từ mà nhiều người đã từng đặt cho họa sỹ Trần Văn Thịnh, nhưng với tôi, khi tiếp xúc và trò chuyện với ông về nghề tôi chỉ đơn giản gọi ông bằng cái tên trìu mến - người vẽ lại ký ức.
Ký ức ấy với mỗi người là một thứ gì đó bình dị, nhưng lại cao đẹp, mỗi người dù ở hoàn cảnh, môi trường, vị thế nào đều không thể quên đi ký ức của mình, ký ức lấp đầy tâm hồn mỗi người trong hiện tại và là bệ đỡ để họ tiến xa hơn trong tương lai.
Theo triết lý của người Ai Cập cổ đại, “tạo nên một tác phẩm trong nghệ thuật tức là cho nó sự vĩnh cửu”, nên mỗi khi cầm cọ vẽ, nghệ nhân Trần Văn Thịnh ngoài chú trọng đến từng chi tiết của cái đẹp, còn hướng tới sự sinh động, bền bỉ theo thời gian trong bức tranh. Nghệ nhân đã đặt cái tâm của mình vào từng nét vẽ, thổi hồn vào tranh bằng tình yêu nghệ thuật, cùng sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, không ngừng sáng tạo để làm ra những tác phẩm tồn tại mãi với thời gian.
Vẽ truyền thần ở Hà Nội không chỉ là một nghề, mà còn là một phần văn hóa, thể hiện cái đẹp trong từng khoảnh khắc cuộc sống. Qua những bức tranh, nghệ nhân không chỉ ghi lại hình ảnh, mà còn lưu giữ những kỷ niệm, cảm xúc và câu chuyện của mỗi con người. Nghệ thuật này cần được bảo tồn và phát triển, để không chỉ những thế hệ hiện tại, mà cả tương lai có thể hiểu và trân trọng giá trị của nó.
Phố cổ Hà Nội giờ là địa điểm du lịch ưa thích của người nước ngoài, nên nghề vẽ truyền thần trở thành một bộ môn nghệ thuật mới lạ dành cho du khách trong và ngoài nước. Khi rảo bước trên khu phố này, nhiều du khách nước ngoài đều tỏ ra rất thích thú trước những bức tranh truyền thần có hồn như thế. Những dịp lễ, Tết, nhiều Việt kiều về nước cũng tìm đến ông Thịnh, thậm chí gửi email ảnh nhờ ông vẽ giúp. Nhiều người sành chơi tranh ở đất Hà thành vẫn còn mê đắm với những nét vẽ truyền thần.
Ông nhớ như in một vị lãnh đạo của nước bạn Lào thuở hàn vi khi học ở Việt Nam, trong một lần dạo chơi phố cổ Hà thành đã đặt ông vẽ một bức tranh truyền thần. Khi nhận được bức vẽ, vị khách người Lào đã xúc động và thích thú vô cùng. Để rồi đến hơn chục năm sau, khi đã là lãnh đạo đất nước, ông đã trở lại con phố nhỏ hàng Đường để thăm lại người họa sỹ già đã vẽ mình khi còn trẻ.
Họa sỹ và cố nhân gặp lại nhau với cảm giác xúc động trào dâng. Nhớ lại giây phút ấy, họa sỹ Trần Văn Thịnh nói rằng, ông tự hào vì công việc, nghề nghiệp của mình đã mang đến cho ông những người bạn phương xa đầy ân tình.
Trong mạch ký ức, người họa sỹ già cũng nhớ tới một lần vẽ truyền thần cho Thủ tướng Mahathir Mohamad do Đại sứ quán Malaysia đặt để mang về nước làm quà cho lãnh đạo của mình. Trong căn phòng nơi họa sỹ Trần Văn Thịnh ngày ngày ngồi làm việc, còn có nhiều khuôn mặt, từ những vĩ nhân đến những người bình thường. Những sản phẩm tinh thần ấy đã minh chứng cho tình yêu với tranh truyền thần của người nghệ nhân đã có gần 60 năm theo nghiệp vẽ mà chưa lúc nào trong đầu ông có ý định bỏ nghề.
Văn hóa của người Hà Nội được lan tỏa với du khách quốc tế từ những bức vẽ truyền thần của họa sỹ Trần Văn Thịnh. Trong nước, nhiều du khách cũng tìm đến ông để gửi gắm lại niềm ký ức. Vậy nên, họa sỹ không sợ cái nghề này mai một, dẫu cho cái gì sinh ra rồi tự nó sẽ mất đi, và rồi lại phục hồi và được tôn vinh, bởi đó là quy luật, vòng tròn khép kín. Giữa những sản phẩm của công nghệ với sự hào nhoáng, rồi sẽ có lúc làm người ta cảm thấy nhàm chán và đó là lý do để những thứ truyền thống, giản dị như là nghề vẽ truyền thần tồn tại.
(CÒN NỮA)