Sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống quân nhân, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương có tình cảm đặc biệt với người lính từ thuở thơ ấu và khát khao gia nhập lực lượng mũ nồi xanh từ những ngày đầu Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Gác lại vai trò làm vợ, làm mẹ, cùng sự hậu thuẫn từ chồng và gia đình, chị đã vượt qua tất cả gian khó để trở thành nữ Quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam tại UNMISS.

 

Thời thơ ấu, Nguyễn Thị Minh Phương lớn lên trong khu gia binh của trường Sĩ quan Lục quân I (Sơn Tây, Hà Nội). Ông ngoại chị, giảng viên bộ môn chiến thuật là người truyền cảm hứng để cháu gái trở thành quân nhân.

“Mỗi lần ông đi dạy về, tôi thường rón rén lấy mũ kêpi, rủ em trai và các bạn trong khu tập thể chơi điều lệnh. Tình cảm gắn bó với người lính cứ thế đến tự nhiên và ngấm vào máu lúc nào không hay”, Trung tá Minh Phương kể.

Sau này, khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chị vượt qua nhiều vòng tuyển chọn đầu vào và trở thành giáo viên tiếng Anh của Trường Sĩ quan Lục quân 1.

Cuộc sống của nữ quân nhân cứ thế trôi trong êm đềm, lấy chồng, lần lượt sinh con trai, rồi con gái, đi dạy, thăng quân hàm…

Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương và Thượng tá Lê Ngọc Sơn ngày nhận vụ làm Quan sát viên quân sự tại Phái bộ Nam Sudan. 

Rồi năm 2014, khi Việt Nam cử 2 sĩ quan đầu tiên lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, chị Minh Phương đã có những ấn tượng rất sâu sắc đối với nhiệm vụ này và cảm phục những chiến sĩ mũ nồi xanh tiên phong của Việt Nam.

“Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại các Phái bộ của Liên hợp quốc là một trong những nhiệm vụ mới của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bởi thế, tôi rất tích cực, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các nội dung về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng như chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đối với nhiệm vụ này”, chị Minh Phương kể.

Tuy nhiên, mong muốn được khoác lên mình bộ quân phục gìn giữ hòa bình chỉ thực sự bùng cháy mạnh mẽ khi chị tham gia một khóa bồi dưỡng về chuyên môn ở Australia năm 2016.

Tại đây, chị được gặp gỡ, chia sẻ trực tiếp với một số sĩ quan từng đi làm nhiệm vụ ở Phái bộ đang tham gia tập huấn gìn giữ hòa bình và được biết lực lượng này đang rất cần những người phụ nữ có chuyên môn, am hiểu về công tác đối ngoại quốc phòng.

Tuy nhiên, lúc ấy, Việt Nam chưa có nữ sĩ quan tham gia lực lượng, cũng chưa hiểu cặn kẽ công việc nên chị đành gác lại nguyện vọng. Quãng thời gian 2017 – 2018, chị Minh Phương vừa hoàn thành khóa học thạc sĩ, sinh con gái thứ hai. Trong lòng chị vẫn ấp ủ một ngày mình sẽ gia nhập lực lượng mũ nồi xanh.

Đôi mắt chị ánh lên niềm tự hào khi kể lại: “Năm 2018, khi Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam thông báo tuyển nữ quân nhân, tôi nghĩ, đây chính là thời điểm vô cùng thuận lợi để có thể đạt được nguyện vọng. Và tôi đã trở thành người lính mũ nồi xanh, là nữ Quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam tại UNMISS như thế”.

Nữ Quan sát viên quân sự xinh đẹp làm nhiệm vụ tại Nam Sudan.

“Hầu hết bạn bè, đồng nghiệp đều rất bất ngờ và không ủng hộ khi biết mong muốn này của tôi. Bởi, mọi người cho rằng, tôi đang có một cuộc sống ổn định, yên bình và lý tưởng với một người phụ nữ khi đang đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Bộ môn ngoại ngữ của một nhà trường quân đội, một gia đình hạnh phúc với hai con nhỏ đang độ tuổi đến trường”, chị tâm sự.

Về phía gia đình, chị Minh Phương may mắn khi có được sự ủng hộ hết lòng của anh Dương Huy Hiệp, chồng chị. Anh còn là người đồng nghiệp, một giảng viên ngoại ngữ am hiểu về công tác đối ngoại quốc phòng và có quan điểm cởi mở về việc phụ nữ tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Anh Hiệp không phải thuộc mẫu người lãng mạn, hay nói những lời hoa mỹ. Những lúc chị cần chia sẻ và quan tâm, anh luôn động viên vợ bằng câu nói mạnh mẽ, rắn rỏi đúng phong cách nhà binh: “Hãy sinh ra để làm một việc gì đó có ích cho xã hội trước khi rời xa cuộc đời này (Born to shine before we die)”.

Gia đình tiễn Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Ngược lại, khi chị chia sẻ với bố mẹ, những người lính bộ đội Cụ Hồ đã có nhiều năm trải qua khó khăn, gian khổ của chiến tranh lại lo lắng, băn khoăn khi cô con gái duy nhất của mình xông pha ở vùng đất bất ổn.

Tuy nhiên, sự lo lắng đó cũng nhanh chóng được gác lại, nhường chỗ cho niềm tin, niềm tự hào khi thấy được ý chí quyết tâm mạnh mẽ của Trung tá Minh Phương, nhất là khi bố mẹ chị nghe con gái kể về các sĩ quan đi trước, trong đó có nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc- Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga.

“Bố mẹ nhận thấy, cô con gái mà họ luôn coi là bé bỏng, luôn yêu chiều hết mực đã thực sự trưởng thành và bản lĩnh”, chị Phương cười tươi như muốn khẳng định, chị cũng thật tự hào về gia đình mình.

Còn ở đơn vị, lúc đó, chị Minh Phương đang phụ trách cuộc thi Olympic tiếng Anh của trường. "Sau cuộc thi mà vẫn còn cơ hội, thì hãy để em được tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Vì đó là mơ ước của em", chị giãi bày với thủ trưởng đơn vị và được đồng ý.

Hậu phương vững chắc với sự ủng hộ, động viên và tạo điều kiện tốt nhất của gia đình, bố mẹ hai bên, đặc biệt là từ người chồng và hai con nhỏ là nguồn động lực lớn lao để chị quyết tâm lên đường.

Và quan trọng hơn cả, gia đình chị cũng luôn tin tưởng rằng, với ý chí, nghị lực, bản lĩnh của người phụ nữ được sinh ra trong gia đình có truyền thống phục vụ trong quân đội, được tôi luyện, rèn rũa hàng chục năm, nhất là trong những năm tháng công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, chị sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó.

Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương là nữ sĩ quan thứ 3 của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Đầu năm 2019, Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương (chị được thăng quân hàm Trung tá tháng 5/2020) chính thức gia nhập lực lượng mũ nồi xanh. Để trở thành một người lính mũ nồi xanh nói chung, quan sát viên quân sự nói riêng, chị phải đảm bảo rất nhiều yêu cầu, tiêu chí khắt khe và một quá trình tuyển chọn, huấn luyện, sát hạch hết sức bài bản, nghiêm túc.

Các tiêu chí chung phải đảm bảo tốt gồm sức khỏe, ngoại ngữ, kiến thức quân sự, kiến thức về gìn giữ hòa bình, kiến thức về Liên hợp quốc cùng các kỹ năng lái xe số sàn, sinh tồn, sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc, khả năng hoạt động độc lập trong môi trường tác chiến đa quốc gia, đa văn hóa, năng lực thích ứng với mọi điều kiện sinh hoạt công tác…

Sau khi được tuyển chọn, các cá nhân sẽ được bồi dưỡng, huấn luyện, tập huấn chuyên môn thông qua các khóa học trong hoặc ngoài nước và phải đảm bảo hoàn thành tốt các nội dung này sau mỗi khóa học. Đây là nội dung đào tạo và sát hạch ở cấp độ các nước cử quân.

Tuy nhiên, đặt chân đến Phái bộ chưa phải là tất cả. Nữ sĩ quan cho biết: “Ngay ngày thứ 2 hoặc thứ 3 sau khi có mặt ở Phái bộ, chúng tôi sẽ phải thực hiện nội dung kiểm tra đánh giá trình độ Tiếng Anh, kiến thức quân sự, thi lái xe theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc và trả lời phỏng vấn theo yêu cầu của Chỉ huy Phái bộ. Nếu một trong các nội dung này không đạt yêu cầu thì ngay lập tức sẽ tiến hành các thủ tục trục xuất về nước".

Được biết, đây là nội dung đánh giá đầu vào ở cấp độ Phái bộ và được coi là một trong những thách thức lớn nhất của các cá nhân khi mới được triển khai tại địa bàn.

Trong quá trình công tác, lực lượng “mũ nồi xanh” cũng thường xuyên phải tham gia các khóa huấn luyện và các nội dung đánh giá năng lực do Phòng đào tạo của Phái bộ, của Phân khu hoặc của đơn vị cơ sở tổ chức.

Kỹ năng lái xe số sàn tốt là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các chiến sĩ mũ nồi xanh.

Chưa kể trước đó, Thiếu tá Minh Phương đã trải qua các khóa đào tạo ở Cục Gìn giữ hoà bình Việt Nam, ở Australia, Hàn Quốc, với nhiều kiến thức chung cũng như công tác cụ thể trong phái bộ.

"Hai tháng huấn luyện ở Hàn Quốc là thời gian tôi cảm nhận sâu sắc nhất nhiệm vụ của một quan sát viên quân sự", chị Minh Phương chia sẻ.

Chị nhớ lại tình huống giả định, phiến quân bắt cóc nhóm trinh sát khi họ đang đi tuần tra. Ba người, gồm hai nam quân nhân Hàn Quốc và một nữ sĩ quan Việt Nam bị bịt mắt, trói tay chân, giam giữ tại một khu nhà hoang. Sĩ quan nam bị bắt cởi bỏ quân phục, chỉ được mặc đồ mỏng ở trong. Sĩ quan nữ phải tháo giày, giao nộp điện thoại, giấy tờ.

Nhiệm vụ của các "con tin" là tìm cách thương thuyết với phiến quân để được trả tự do. Những đồng nghiệp của chị trong vai nhóm bắt cóc diễn rất chân thật, khi tát chị một cú xây xẩm mặt mày, xước chân tay vì bị trói.

Tình huống "giả mà như thật" cho nữ quân nhân bài học sâu sắc, rằng sự bình tĩnh là chìa khóa lớn nhất hóa giải mọi nguy nan. Không hoảng loạn, không tỏ ra sợ sệt thì mới có cơ hội thương thuyết với đối phương.

Nữ quân nhân cũng tin, mười năm công tác tại trường Lục quân I cũng cho chị đủ trải nghiệm để có thể đối mặt với bất cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào. Chị cười, xòe đôi bàn tay có những ngón thon dài ra và bảo "mình không phải tiểu thư đâu".

Trước khi trở thành nữ Quan sát viên, sĩ quan Nguyễn Thị Minh Phương đã trải qua các khóa đào tại ở Cục Gìn giữ hoàn bình Việt Nam, ở Australia, Hàn Quốc với nhiều kiến thức chung cũng như công tác cụ thể trong Phái bộ. 

Trên cương vị là Quan sát viên quân sự, “tai, mắt của Phái bộ”, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương thường xuyên phải thực hiện các cuộc tuần tra ngắn ngày và dài ngày cùng với các cơ quan, tổ chức, lực lượng của Liên hợp quốc bằng đường bộ và đường không trong địa bàn đảm nhiệm.

Chị cũng thường xuyên phải điều đình, thương thảo với chỉ huy của cả Quân Chính phủ, Quân đối lập hoặc các phe nhóm vũ trang tại các chốt, trạm kiểm soát nhằm thông báo sự hiện diện và các hoạt động của đoàn, đảm bảo quyền tự do đi lại cũng như bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho đoàn công tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, nữ Quan sát viên còn phải tiến hành các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo chính quyền, nhân dân địa phương nhằm nắm bắt tình hình an ninh, chính trị, nhân đạo.

Đặc biệt, chị Minh Phương phải đánh giá việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn giữ các phe nhóm và báo cáo về Sở Chỉ huy theo quy định, làm cơ sở để các cơ quan chuyên môn của Phái bộ phân tích, tổng hợp, đề xuất các quyết sách phù hợp và triển khai kế hoạch hành động tiếp theo…

Chị cho hay: “Trước khi lên đường, tôi đã dự kiến các tình huống, sự cố xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và hoạch định các biện pháp xử trí. Đây cũng là một trong các nội dung quan trọng trong Báo cáo Kế hoạch nhiệm kỳ mà tôi cũng như bất kỳ cá nhân nào trước khi được triển khai sang địa bàn phải chuẩn bị chu đáo. Các tình huống xấu nhất có thể xảy ra như bắt cóc, giam giữ, hãm hiếp, đe dọa tính mạng đều được tôi nghiên cứu một các nghiêm túc và kỹ lưỡng”.

Nữ Quan sát viên khẳng định: “Bản thân tôi chưa bao giờ cảm thấy lung lay khi quyết định tham gia lực lượng. Ngày lên đường, điều tôi lo lắng nhất là liệu mình có thể nhanh chóng bắt nhịp được với môi trường làm việc mới và áp dụng được những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đã được trau dồi, chuẩn bị trong thời gian tiền triển khai vào quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn hay không. Và, liệu rằng mình có làm tròn nhiệm vụ, trọng trách cao cả của “người mở đường” cho lực lượng nữ sĩ quan Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trên cương vị là Quan sát viên quân sự hay không”.

Việc sĩ quan Nguyễn Thị Minh Phương trở thành nữ Quan sát viên đầu tiên của Việt Nam tại UNMISS, trước hết mang ý nghĩa gia tăng tỉ lệ nữ nhằm thực hiện chủ trương bình đẳng giới, cân bằng giới trong tất cả các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nhất là hoạt động của Quan sát viên quân sự.

Bởi, theo lý giải của nữ quân nhân, nhiều nước cử quân đã tuyệt đối không triển khai bất cứ nữ sĩ quan nào tham gia lực lượng quan sát viên quân sự vì theo họ đây là một nhiệm vụ quá nguy hiểm, khó khăn, vất vả đối với nữ.

Mặt khác, đối với Quan sát viên quân sự, nữ giới đóng vai trò vô cùng quan trọng. Với thế mạnh của giới là khéo léo, mềm mỏng, tâm lý cẩn thận, tỉ mỉ, nữ Quan sát viên quân sự thể hiện tốt vai trò của mình trong việc đàm phán, điều đình với các phe nhóm vũ trang hoặc các chốt kiểm soát, đồng thời trong tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn, chuyện trò, kết nối với người dân bản địa, nhất là phụ nữ và trẻ em để nắm bắt tình hình.

Thế nên, nhiều người ví lực lượng nữ chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam ở UNMISS là những “cô Tấm”, những “bông hồng thép”, mềm mại, dịu dàng nhưng vẫn rắn rỏi, mạnh mẽ.

Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương sinh năm 1983, trong một gia đình có truyền thống phục vụ trong quân đội. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chị trở thành giảng viên, rồi đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Bộ môn ngoại ngữ tại trường Sĩ quan Lục quân I. Chị là nữ sĩ quan thứ ba của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Trên cương vị là Quan sát viên quân sự, “tai, mắt của Phái bộ”, Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương phải đánh giá việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn giữ các phe nhóm và báo cáo về Sở Chỉ huy theo quy định, làm cơ sở để các cơ quan chuyên môn của Phái bộ phân tích, tổng hợp, đề xuất các quyết sách phù hợp và triển khai kế hoạch hành động tiếp theo…

 

 

 

Hồ Hạ 30/06/2021 14:43
Back To Top