Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Metro củng cố hệ thống sau phát triển nóng
Bảo Giang - 07/05/2013 06:11
 
Thông tin Auchan - Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Pháp mạnh tay rót vốn, "thổi lửa" vào thị trường bán lẻ Việt Nam được các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước rất quan tâm. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Philippe Bacac, Tổng giám đốc Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam cho rằng, Công ty có lối đi và hướng phát triển riêng và sau thời gian phát triển “nóng”, Metro Cash & Carry đang củng cố lại hế thống, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt Nam.  
Ông Philippe Bacac, Tổng Giám đốc, Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam

Ông có thể chia sẻ đánh giá của mình về tiềm năng của thị trường phân phối tại Việt Nam?

Theo một số thống kê, dân số Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 16 triệu người từ năm 2000 đến năm 2020.

Nhìn vào sự phát triển này và thương mại hiện đại có thể nhận ra mức độ thâm nhập của thương mại hiện đại tại Việt Nam chỉ khoảng 30%, trong khi con số này là khoảng trên 70% tại một số nước châu Âu như Pháp hoặc Đức.

Điều đó cho thấy, có nhiều cơ hội cho phát triển thương mại hiện đại tại Việt Nam.

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Năm 2008, mức độ hấp dẫn của thương mại hiện đại tại Việt Nam đứng đầu thế giới, trên cả Ấn Độ, Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây, thứ hạng của Việt Nam liên tục bị sụt giảm. Năm 2012, Việt Nam không nằm trong danh sách Top 30 thị trường hấp dẫn - theo đánh giá của Tập đoàn Tư vấn A.T Kearney.

Dù vậy, chúng tôi vẫn đánh giá đây là một thị trường nhiều tiềm năng. Nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm chất lượng cao và an toàn, cũng như thu nhập cao hơn và sự phát triển của lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, dịch vụ sẽ vẫn tiếp tục với nền kinh tế hơn 90 triệu dân này. Đây cũng là triển vọng tốt cho hoạt động kinh doanh của Metro Cash & Carry (Metro) tại Việt Nam.

Cách đây 2 năm, Metro đã công bố kế hoạch sẽ mở 30 - 35 trung tâm trong vòng 3 - 5 năm tới, kế hoạch này hiện nay triển khai đến đâu thưa ông?

Bắt đầu hoạt động tại Việt Nam năm 2002, hiện nay Metro có 19 trung tâm phân phối trên toàn quốc và gần 4.000 nhân viên. Bên cạnh các trung tâm phân phối, Metro cũng đã có những thành công trong việc xây dựng chuỗi cung ứng hiện đại, đảm bảo an toàn thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn.

Metro đang vận hành trạm trung chuyển cá tại Cần Thơ và trạm trung chuyển rau hoa quả tại Đà Lạt. Với thành công từ mô hình quản lý này, Metro đã đạt hai giải thưởng cao nhất về thực hiện Chuỗi cung ứng bền vững năm 2011 và 2012.

Năm vừa qua cũng là một năm nhiều thách thức đối với Metro nhưng chúng tôi tin tưởng công ty đang đi trên con đường đúng đắn để duy trì sự phát triển kinh doanh.

Trong năm 2013, Metro tiếp tục tập trung vào việc tăng cường hoạt động của các trung tâm phân phối hiện có và định hướng kinh doanh theo hướng đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng chuyên nghiệp, nâng cao doanh thu và lợi nhuận. Chúng tôi tiếp tục đầu tư phát triển chuỗi cung ứng bền vững, tổ chức các khoá học cho nông dân và nâng cao chất lượng nhà sản xuất địa phương

Có nhiều ý kiến cho rằng, Metro đang thực hiện “bán lẻ với giá sỉ”, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Metro Cash & Carry là công ty bán sỉ quốc tế, tập trung vào các nhóm khách hàng chuyên nghiệp như khách sạn, nhà hàng, các công ty dịch vụ và cung cấp suất ăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, văn phòng và công sở.

Cũng giống như 29 quốc gia Metro đang hoạt động, Metro Cash & Carry Việt Nam thực hiện mô hình kinh doanh doanh nghiệp, cung cấp tất cả các chủng loại mặt hàng tại một địa điểm, nhằm phục vụ tốt nhất các doanh nghiệp độc lập. Metro tập trung đáp ứng nhu cầu cụ thể của các nhóm khách hàng mục tiêu, gồm quán ăn Việt Nam, nhà hàng, các cửa tiệm tạp hóa nhỏ, bếp ăn tập thể, văn phòng và nhà máy.

Công ty tiếp tục cung cấp tới khách hàng nhiều chủng loại thực phẩm và phi thực phẩm đa dạng với nhiều sự lựa chọn. Bên cạnh đó Metro cũng triển khai các dịch vụ mới như giao hàng và tư vấn cho các cửa hàng bán lẻ nhỏ nhằm tăng cường tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh cho các khách hàng.

Metro có kiến nghị gì về cơ chế chính sách hiện nay để mở rộng hoạt động kinh doanh đầu tư của mình?

Năm vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng, đặc biệt là trong kiềm chế lạm phát. Đầu năm nay, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn và phát triển sản xuất - kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước. Metro duy trì đánh giá tích cực về sự phát triển trung hạn của Việt Nam.

Trong lĩnh vực phân phối, chúng tôi mong muốn luôn có sự thống nhất và đồng bộ trong việc thực hiện các quy định, văn bản pháp luật giữa các cấp và các ban, ngành.

Gần đây đã xuất hiện thêm một “ông lớn” ngành bán lẻ mới vào Việt Nam là Auchan (Pháp). Vậy Metro có lo ngại về đối thủ này? Metro xác định lợi thế khác biệt của mình trong kinh doanh là gì?

Metro là doanh nghiệp quốc tế bán sỉ. Mô hình kinh doanh của Metro tương đối khác biệt đối với các công ty bán sỉ trong nước và các công ty có mặt trên thị trường phân phối.

Chúng tôi cung cấp một nguồn cung ứng ổn định cho các khách hàng chuyên nghiệp với các sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và cung cấp một giải pháp toàn diện về mua sắm cho các nhóm khách hàng này.

Bình thường, đây là một thị trường ngách, không tạo ra sự cạnh tranh và cũng không cạnh tranh trực tiếp với các công ty bán sỉ khác trên thị trường. Thực tế, sự tham gia của Metro vào thị trường có ảnh hưởng tích cực tới các hoạt động phân phối hàng hóa thực phẩm và phi thực phẩm, được ghi nhận bởi chất lượng sản phẩm cao hơn và giá cả thấp hơn.

Metro đã thực hiện thành công mô hình này và tạo được sự khác biệt trong suốt gần 50 năm tại 29 quốc gia trên toàn thế giới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư