Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Miền Nam sắp đối mặt với nguy cơ thiếu điện triền miên
Thanh Hương - 08/06/2019 12:06
 
Nếu không có các giải pháp mạnh tay và quyết liệt, các tỉnh miền Nam có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện ngay trong năm 2020

Thiếu điện ngay từ năm 2020

Trong Báo cáo số 58/BC-BTC (ngày 4/6/2019) về tình hình thực hiện các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng gửi tới Bộ trưởng Bộ Công thương đồng thời là Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Điện lực cũng như gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính đã cho thấy thực trạng u ám và căng thẳng trong việc đảm bảo cấp điện ổn định cho nền kinh tế, đặc biệt là các tỉnh miền Nam những năm tới, nếu không có những giải pháp mạnh tay và quyết liệt.

Không có nhiều Dự án nguồn điện lớn như Trung tâm Điện lực Phú Mỹ được đưa vào vận hành thời gian gần đây tại miền Nam
Không có nhiều dự án nguồn điện lớn như Trung tâm Điện lực Phú Mỹ được đưa vào vận hành thời gian gần đây tại miền Nam

Cụ thể, các năm 2019 - 2020, dự kiến đưa vào vận hành khoảng 6.900 MW, trong đó các nhà máy nhiệt điện than là 2.488 MW, các nhà máy thủy điện (trên 30 MW) là 592 MW, còn lại là các dự án năng lượng tái tạo với khoảng 3.800 MW (điện mặt trời khoảng 2.500 MW, điện gió 350 MW). Tuy nhiên, hệ thống cũng sẽ phải huy động nhiệt điện chạy dầu giá cao với sản lượng tương ứng từ 1,7 tỳ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỷ kWh năm 2020.

“Trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, có thể đổi mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020”, Báo cáo nhận xét.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, nhưng hệ thống điện cũng được cảnh báo là không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam. Mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỷ kWh (năm 2022), mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ năm 2025.

Dù Báo cáo cho thấy, tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành cả giai đoạn 15 năm (2016 - 2030) là khoảng 80.500MW, thấp hơn so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15.200MW, thì con số này xem ra cũng không đủ cho việc đảm bảo cấp điện ổn định. Trong đó, chủ yếu thiếu hụt trong các năm từ 2018-2022 (với tổng công suất trên 17.000MW) bởi nhiều dự án nguồn điện của giai đoạn này bị chậm sang giai đoạn 2026-2030. Đây cũng hầu hết là dự án nhiệt điện tại miền Nam.

Thực tế này dẫn đến tình trạng hệ thống điện từ có dự phòng về nguồn điện 20-30% trong các năm 2015-2016, đến năm 2018- 2019 hầu như không còn dự phòng và sang giai đoạn 2021-2025 xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cấp điện.

Nguồn chậm  

Vẫn theo Báo cáo số 58/BCT-BC, nguyên nhân chính dẫn tới việc thiếu điện tại miền Nam tăng cao hơn so với các tính toán trước đây là do tiến độ các Dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh đều chậm so kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm; Dự án nhiệt điện Kiên Giang 1 và 2 không đáp ứng tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, thậm chí lùi sau năm 2030 hay Dự án ô Môn III lùi tiến độ đến năm 2025.

Trường hợp Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 không đáp ứng tiến độ hoàn thành năm 2023, tình trạng thiếu điện tại miền Nam trong các năm 2024 - 2025 sẽ trầm trọng hơn.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 trên toàn hệ thống là 21.650MW, trong đó: các nguồn điện do EVN đầu tư là 7.185MW (chiếm 33,2%), các nguồn điện do các doanh nghiệp khác đầu tư là 14.465MW (chiếm 66,8%).

với 15 Dự án có vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức BOT thì chỉ có 3 Dự án đạt tiến độ (trong đó Dự án Vĩnh Tân I đã phát điện sớm tiến độ 6 tháng
Trong 15 dự án điện BOT chỉ có 3 dự án đạt tiến độ , trong đó Dự án Vĩnh Tân I đã phát điện sớm tiến độ 6 tháng

Tuy nhiên thực tế của 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW trong giai đoạn này cho thấy, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ, hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Cụ thể, với 15 dự án có vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức BOT thì chỉ có 3 dự án đạt tiến độ (trong đó Dự án Vĩnh Tân I đã phát điện sớm tiến độ 6 tháng), còn lại 12 dự án chậm tiến độ, hoặc chưa thể xác định tiến độ do còn vướng mắc trong đàm phán.

Với 8 dự án với tổng công suất 7.390 MW được đầu tư theo hình thức Nhà máy điện độc lập (IPP) do tư nhân triển khai thì chỉ có duy nhất Nhiệt điện Thăng Long hoàn thành và đóng điện đúng tiến độ. Hai dự án khác được cho là có khả năng đạt tiến độ giai đoạn 2016-2020, còn lại đều bị chậm, thậm chí không thể xác định được thời gian hoàn thành như Nhiệt điện đồng phát Hải Hà, Quỳnh Lập 2.

Lưới tắc

Cho tới nay, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung quy hoạch 130 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 10.600MWp (khoảng hơn 8.500MW) và các dự án điện gió với tổng công suất khoảng 2.000MW.

Tuy nhiên do các dự án điện gió, điện mặt trời phát triển tập trung ờ các khu vực nhu cầu phụ tải tại chỗ rất thấp, trong khi công suất phát điện lại lớn nên phải thực hiện thu gom, đấu nối lên lưới điện truyền tải và đưa đến các khu vục có nhu cầu phụ tải lớn. Đáng nói là hạ tầng lưới điện 110-500kV tại các khu vực này, mặc dù đã được đầu tư nâng cấp trong các năm qua, nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu truyền tải công suất từ các dự án mới được bổ sung quy hoạch.

Thi công vị trí móng cột thuộc đường dây 500 kV mạch 3 tại địa bàn huyện Quảng Ninh (Quảng Trị)
Thi công vị trí móng cột thuộc đường dây 500 kV mạch 3 tại địa bàn huyện Quảng Ninh (Quảng Trị)

Việc bổ sung các dự án lưới truyền tải ở cấp 220 kV và 500 kV khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận để giải tỏa công suất các dự án điện từ năng lượng tái tạo tuy đã được tính toán nhưng để có đường dây hiện hữu cũng đòi hỏi từ 3-5 năm nữa.

Ở quy mô rộng hơn, đường dây 500 kV mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc sỏi - Pleiku2) để tăng cường khả năng truyền tải Bắc - Nam, hiện đã bị chậm tiến độ gần 1 năm, nếu không thể hoàn thành đường dây này đầu năm 2020 sẽ có nguy cơ thiếu điện miền Nam.

Ngoài ra sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch phát triển điện lực với quy hoạch các lĩnh vực hạ tầng khác (như quy hoạch giao thông, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị) dẫn tới việc xác định vị trí trạm biến áp, hướng tuyến đường dây gặp nhiều khó khăn, bị chống lấn quy hoạch, thậm chí một số dự án phải điều chỉnh nhiều lần.

Đó là chưa kể hầu hết các dự án điện gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, thậm chí nhiều công trình đường dây không thể thỏa thuận được hướng tuyến do đi qua nhiều địa phương.

Lỗ hổng an ninh năng lượng - Bài 2: Mòn mỏi dự án dầu khí
Trong 3 năm trở lại đây, đầu tư cho ngành năng lượng, gồm điện - than - dầu khí, suy giảm đã tạo ra khoảng trống, gây áp lực lớn lên an ninh năng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư