Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Mở biên đón du khách quốc tế: Chậm chân là mất thị trường
Hồ Hạ - 12/03/2021 08:43
 
Thái Lan, Singapore, Indonesia… đã thông báo đón khách quốc tế sở hữu “hộ chiếu vắc-xin”, nên Việt Nam cũng cần chuẩn bị những điều kiện cần thiết để có thể mở biên đón khách.
.
Việc mở cửa thị trường quốc tế có thể vấp phải sự phản đối của số đông, nhưng cần phải chuẩn bị sẵn kế hoạch nếu không muốn tụt hậu.. Ảnh: Chí Cường

Đề xuất đón du khách quốc tế từ tháng 7

Trước tình trạng hàng ngàn khách sạn phải đóng cửa; hàng triệu lao động ngành du lịch không có việc làm; 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động từ đầu năm 2020 đến nay, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, ngành du lịch cần có những giải pháp mới, chủ động hơn để thoát khỏi cơn khủng hoảng trầm trọng hiện nay. Cùng với đẩy mạnh thị trường nội địa, Việt Nam cần nghiên cứu, chuẩn bị mọi điều kiện cần và đủ để mở cửa thị trường quốc tế vào tháng 7.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, Tổng cục Du lịch đang nghiên cứu phương án mở cửa đón du khách quốc tế để tham mưu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình Chính phủ xem xét.

Du lịch quốc tế không thể mở ồ ạt, nhưng cũng không thể chậm vì sẽ lỡ nhịp với các nước trong khu vực. Có thể chọn những thị trường nguồn, đông khách, đi theo tour trọn gói, chọn điểm đến thuận tiện về hàng không, chọn khu du lịch nghỉ dưỡng có tính độc lập để đón khách quốc tế. Tuy nhiên, một trong những vấn đề khó khăn nhất hiện nay là nhiều địa phương rất muốn phát triển du lịch, đón khách quốc tế và nội địa, nhưng lại e dè với dịch bệnh, chưa mạnh dạn tiên phong đón khách quốc tế, bà Hương nói.

“Mở cửa thị trường quốc tế là giải pháp duy nhất giúp vực dậy ngành kinh tế xanh - khu vực đóng góp tới 9,2% tổng GDP, gián tiếp và lan tỏa khoảng 18% GDP trong năm 2019”, ông Thọ nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phân tích, hiện có nhiều sản phẩm du lịch không được sử dụng bởi thị trường nội địa và mở cửa thị trường quốc tế đồng nghĩa với việc đón các nhà đầu tư đang nóng lòng muốn vào Việt Nam. Phòng, chống Covid-19 hiệu quả chính là lợi thế để ngành du lịch mở cửa thị trường quốc tế vào đầu quý III/2021. Hiện, các quốc gia làm du lịch hàng đầu trong khu vực đã có kế hoạch mở biên đón khách quốc tế trở lại.

Cụ thể, Thái Lan thông báo mở lại thị trường du lịch quốc tế từ tháng 7/2021; Singapore đón khách quốc tế có chứng nhận xét nghiệm âm tính với Covid-19; Indonesia sẽ mở cửa Bali với “Hành lang không Covid-19”. Trong khi đó, Liên minh châu Âu đang lên kế hoạch cung cấp “hộ chiếu vắc-xin”, “giấy thông hành xanh” giúp người dân tự do đi lại, tìm lối thoát cho ngành du lịch và hàng không đang gặp khó khăn.

Không nên chậm chân

TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) cho rằng, vắc-xin là biện pháp chống dịch căn cơ, triệt để nhất, là cách duy nhất để thế giới và mỗi nước thoát khỏi Covid-19. Số dân cư được tiêm vắc-xin trở thành một cộng đồng an toàn. Nhóm này đã có khoảng 200 triệu người và đang tăng rất nhanh, đặc biệt ở các nước phát triển.

“Hộ chiếu vắc-xin là công cụ cho người sở hữu nó di chuyển tự do trong nội địa và quốc tế mà không cần cách ly. Nếu còn yêu cầu cách ly, không ai muốn đi du lịch cả. Những người đã tiêm vắc-xin cần được miễn cách ly cả dưới góc độ quyền con người và nhu cầu khai thác du lịch. Khi đó, mở cửa thị trường du lịch quốc tế sẽ khả thi”, ông Nam nói.

Một cuộc khảo sát trên nền tảng tìm kiếm khách sạn Trivago gần đây cho thấy, 81% người Mỹ nhận xét, việc không được đi du lịch là điều tệ nhất trong đại dịch.

“Nhu cầu bị dồn nén quá lâu khiến nhiều du khách bắt đầu nghĩ tới việc tìm điểm đến thú vị sau khi đã tiêm vắc-xin. Đó là cơ hội tốt cho Việt Nam. Chúng ta cần chuyển hóa việc chống dịch tốt thành lợi thế cạnh tranh trong phát triển kinh tế, phục hồi và phát triển dịch vụ du lịch, hàng không. Không nên chờ hết dịch hoàn toàn mới tính phương án mở lại du lịch quốc tế, mà cần bắt đầu ngay từ những người đã tiêm vắc-xin”, ông Nam nhấn mạnh.

Trên thực tế, việc mở cửa đón khách quốc tế có thể vướng sự phản đối của nhiều người, khi Việt Nam đang sống trong một môi trường tương đối an toàn so với nhiều nước khác. Tuy nhiên, ông Nam nhấn mạnh, trước khi có vắc-xin, vùng an toàn là nơi ít dịch

như Việt Nam, song từ khi có vắc-xin, vùng an toàn lại là nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao như Israel hay sắp tới là Mỹ, châu Âu. Nếu tiến độ tiêm vắc-xin chậm trễ, một số quốc gia vốn là vùng an toàn sẽ trở nên không an toàn và ngược lại. Vì thế, Việt Nam không nên chậm chân đón khách đến từ vùng an toàn cũng như đưa người Việt đi đến các vùng an toàn.

Đồng quan điểm, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: “Việc mở cửa thị trường quốc tế có thể vấp phải sự phản đối của số đông, nhưng cần phải chuẩn bị sẵn kế hoạch nếu không muốn tụt hậu. Người thông minh là người đi trước. Khi cả thế giới công nhận ‘hộ chiếu vắc-xin’, nếu chúng ta không hành động, thì sẽ tự đánh mất thị trường quan trọng này. Tới đây, Hiệp hội sẽ có đề án trình Chính phủ, để thí điểm đón khách quốc tế trở lại từ quý III hoặc quý IV/2021”.

Không thể tuột tay cơ hội phục hồi du lịch
Đợt Covid-19 lần 3 khiến phần lớn doanh nghiệp du lịch Việt Nam kiệt sức. Bởi thế, ngành du lịch không thể để tuột tay cơ hội phục hồi thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư