Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Mỏ vàng Bồng Miêu “đóng cửa”… trên giấy: “Tắc nghẽn” ở đâu?
Nhiệt Băng - 25/11/2021 09:00
 
Việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu đang rất cấp bách, vì chậm ngày nào là ngày đó, tỉnh này phải chi một khoản kinh phí không đáng có để truy quét “vàng tặc”.
Mỏ vàng Bồng Miêu vẫn đang bị khai thác trái phép
Mỏ vàng Bồng Miêu vẫn đang bị khai thác trái phép

Khoản chi chưa có hướng dẫn

Mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Kế hoạch Triển khai nhiệm vụ đóng cửa mỏ và giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì thực hiện (thay Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu đã phá sản) từ năm 2017. Đề án Đóng cửa mỏ đã được đơn vị tư vấn báo cáo trước Hội đồng Thẩm định, với tổng mức kinh phí đóng cửa mỏ gần 19,1 tỷ đồng.

Tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 32 (ngày 29/11/2019) thống nhất bố trí từ ngân sách tỉnh hơn 12,6 tỷ đồng để bổ sung cùng với số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường do Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu đã nộp ký quỹ (6,4 tỷ đồng) để thực hiện Đề án.

Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Tài chính tại Công văn số 4515 (ngày 14/4/2020), hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình cấp phát kinh phí từ ngân sách tỉnh (12,6 tỷ đồng) về Trung ương (Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư) để tổ chức thực hiện Đề án.

Ngày 28/5/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 2862 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giao UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì việc tổ chức thực hiện Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu sau khi Đề án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Ngày 12/8/2020, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 6681 về việc thực hiện Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Trong đó, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, quy định tại Luật Khoáng sản, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP để xem xét, quyết định việc lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực lập, thực hiện Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu; quy định nội dung, thủ tục phê duyệt, nghiệm thu kết quả thực hiện Đề án theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật...

Thực hiện chỉ đạo này, UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công tác đóng cửa mỏ. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, sớm ban hành quyết định phê duyệt Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, lựa chọn đơn vị tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Quảng Nam, do còn nhiều vướng mắc về thủ tục, quy định, đến nay, Đề án vẫn chưa được phê duyệt.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trước tình trạng người dân và các đối tượng lợi dụng địa bàn mỏ vàng Bồng Miêu rộng lớn, địa hình phức tạp để khai thác, chế biến khoáng sản vàng trái phép, gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên và lấn chiếm, sử dụng đất không đúng quy định, cử tri đã nhiều lần kiến nghị và các cơ quan báo, đài thường xuyên phản ánh.

Việc phê duyệt và thực hiện Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu là nhiệm vụ cấp thiết, nhưng còn vướng mắc trong việc chuyển kinh phí từ ngân sách địa phương về Trung ương để thực hiện Đề án và chưa có quy định đầy đủ về cơ chế chi trả tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã giải thể, phá sản.

Tiếp tục “rót” tiền để truy quét “vàng tặc”

Như Báo Đầu tư đã có bài phản ánh, sau ngày 5/3/2016, do “sa lầy” trong nợ nần, cộng với Giấy phép khai thác khoáng sản vàng đã hết hiệu lực, Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu - chủ đầu tư mỏ vàng này - phá sản, rồi tháo chạy khỏi mỏ.

Nhân cơ hội này, các đội khai thác vàng khắp nơi đổ về, “phối hợp” cùng người dân bản địa khoan hầm, dựng lán, tiếp tục khai thác. Không chỉ “vàng tặc”, còn có cả doanh nghiệp “tranh thủ” tuyển quặng đuôi thải.

Điển hình, tháng 10/2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã phải yêu cầu Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666 dừng ngay mọi hoạt động vận chuyển, chế biến, tuyển quặng đuôi thải và các hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản tại khu vực thôn Bồng Miêu.

Trong lúc chờ đợi kết quả phản hồi từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Nam vừa thống nhất chủ trương hỗ trợ kinh phí kiểm tra, truy quét, phát hiện, xử lý các hành vi khai thác vàng trái phép tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu theo đề xuất của Công an tỉnh và giao Sở Tài chính chủ trì kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh mức hỗ trợ và nguồn hỗ trợ. UBND tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận, thời gian qua, tỉnh đã tốn nhiều kinh phí để truy quét, chốt giữ mỏ vàng.

Quay trở lại đề xuất đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, theo 2 phương án đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 5612 (ngày 14/9/2021), UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép thực hiện Phương án 1. Đó là giao UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện Đề án; tổ chức giám sát thi công, quản lý Đề án và nghiệm thu thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề án; Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Đề án để UBND tỉnh thực hiện. Sau khi hoàn thành thi công, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra nghiệm thu và ban hành Quyết định đóng cửa mỏ theo quy định.

Công ty 6666 phải dừng ngay việc khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu
Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666 tuyệt đối không vận chuyển, chế biến quặng đuôi thải tại các đập thải của mỏ vàng Bồng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư