Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 01 năm 2025,
Mỗi ngày, Hà Nội tăng thêm 1.100 phương tiện cá nhân các loại
Minh Thắng - 11/04/2023 11:33
 
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, mỗi năm Thủ đô tăng 390.000 phương tiện; mỗi tháng tăng 32.750 phương tiện; mỗi ngày tăng 1.100 phương tiện các loại…
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, mỗi năm Thủ đô tăng 390.000 phương tiện; mỗi tháng tăng 32.750 phương tiện; mỗi ngày tăng 1.100 phương tiện các loại…

Khảo sát từ dự án của Ngân hàng thế giới hỗ trợ Hà Nội cho thấy, nguồn thải gây ô nhiễm không khí của Hà Nội từ hoạt động công nghiệp chiếm 33% (bao gồm làng nghề); nguồn thải từ giao thông chiếm 25%; từ hoạt động trồng trọt trong nông nghiệp, phát thải khí amoni chiếm 22%. Ngoài ra từ các nguồn như đun nấu, đốt rơm rạ, đốt rác lộ thiên không kiểm soát...

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, số lượng phương tiện cá nhân tại Hà Nội liên tục tăng, kéo theo tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng lượng khí phát thải, tăng ô nhiễm không khí. 

Hiện nay, Hà Nội có trên 7.860 nghìn phương tiện các loại. Trong đó, ô tô là trên 1.073.000; xe máy, mô tô các loại 6.602.000; xe máy điện 184/471 phương tiện.

Qua theo dõi cho thấy, mỗi năm Hà Nội tăng 390.000 phương tiện; mỗi tháng tăng 32.750 phương tiện; mỗi ngày tăng 1.100 phương tiện các loại. Số lượng này rất lớn, là nguồn khí thải lớn gây ô nhiễm không khí, chưa kể việc sử dụng nhiên liệu đốt khác.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, với số lượng phương tiện như vậy và dân cư gần 10 triệu người thì tình hình ùn tắc diễn biến ngày càng phức tạp. 

Khảo sát tình hình ùn tắc giao thông cho thấy, riêng vành đai 3 qua cầu Thanh Trì lưu lượng tăng 8,1 lần so với thiết kế; vành đai 2 qua cầu Vĩnh Tuy tăng 6,3 lần; cầu Chương Dương lưu lượng tăng 8,4 lần so với thiết kế.

Với lưu lượng phương tiện và tình hình ùn tắc giao thông này thì các phương tiện nổ máy chờ cũng đã phát ra lượng khí thải lớn gây ô nhiễm.

Để quản lý phát thải của phương tiện tham gia giao thông nhằm giảm ô nhiễm môi trường nhằm phát triển giao thông bền vững, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đưa ra giải pháp phát triển giao thông vận tải Thủ đô theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính; xây dựng cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng nhằm hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. 

Qua đó, góp phần cải thiện chất lượng không khí, tránh ùn tắc cục bộ nhất là trong khu vực nội đô và quy hoạch các vùng lõi được phép lưu thông các phương tiện để tiến tới hạn chế và cấm phương tiện cá nhân.

Ngành Giao thông Vận tải đã tham mưu UBND Thành phố Hà Nội thực hiện Quyết định 876 về chuyển đổi năng lượng sạch, giảm khí thải cac-bon từ sử dụng dầu diesel chuyển sang sử dụng năng lượng xanh đến hết 2030 là 54,5%; đến hết 2034 là 100%. 

Đồng thời, hệ thống vận tải hành khách công cộng được cải thiện chất lượng phương tiện, có 269 xe sử dụng năng lượng sạch (còn lại trên 1.200 xe đều đạt tiêu chuẩn khí thải EURO 4, thời gian sử dụng vẫn còn trong ngưỡng an toàn).

Để hạn chế phương tiện cá nhân, ngành Giao thông Vận tải nỗ lực phát triển giao thông Thủ đô theo hướng vận tải công cộng là chính và xây dựng cơ chế hỗ trợ người dân sử dụng phương tiện công cộng. 

Mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô không ngừng tăng lên. Tính đến hết năm 2022, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thủ đô gồm 154 tuyến, trong đó 132 tuyến buýt có trợ giá. Tuyến đường sắt 2A Cát Linh – Hà Đông với tổng lượt xe thực hiện ước đạt 69.058 lượt, vận chuyển ước đạt 7,3 triệu lượt hành khách.

Sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách tăng 67,7% so với cùng kỳ 2021 (trong đó buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt hành khách tăng 72% so với cùng kỳ 2021).

Đến nay, mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt 100%); 510/579 số xã, phường thị trấn (đạt 88,4%); 65/75 bệnh viện; tiếp cận 100% khu công nghiệp lớn; 33/37 các khu đô thị đạt 89,2%; 23/24 làng nghề; 23/25 khu di tích lịch sử văn hoá khu du lịch; kết nối với 6 tỉnh - thành lân cận.

Nhằm kết nối giữa các tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách khi tham gia giao thông công cộng, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát điều chỉnh kết nối với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đang điều chỉnh 130 phương tiện; tiếp tục rà soát điều chỉnh tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, trước mắt là tuyến Nhổn - Cầu Giấy; rà soát toàn bộ hệ thống các điểm đỗ, nhà chờ để người đi bộ, xe đạp thuận tiện trong kết nối để sử dụng phương tiện vận tải công cộng.

Tuy nhiên hiện nay, điều kiện hạ tầng rất khó dành đất để phát triển cho người đi bộ và tình hình ngày càng phức tạp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư