Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Mòn mỏi đợi thông tin doanh nghiệp nhà nước
Khánh An - 27/08/2016 08:47
 
Phải nêu danh các doanh nghiệp nhà nước không tuân thủ quy định về công bố thông tin để cảnh báo, nếu không, chủ sở hữu nhà nước không mong tối đa hóa hiệu quả nguồn lực khổng lồ trong tay mình.

Tập đoàn, tổng công ty lờ công bố thông tin

Tổng công ty Sông Đà là một trong những cái tên mới nhất vừa được cập nhật trên mục công bố thông tin của Cổng thông tin doanh nghiệp  http://www.business.gov.vn. 1 tháng trước, dòng báo cáo dành cho tổng công ty này để trắng toàn bộ 8 đầu mục.

Cùng với Sông Đà, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam là những đơn vị chưa thực hiện công bố công khai bất cứ một nội dung nào về công bố thông tin theo quy định của Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước.

Tổng công ty Sông Đà mới xong được một phần việc nhỏ trong yêu cầu công bố thông tin. Ảnh: Đức Thanh
Tổng công ty Sông Đà mới xong được một phần việc nhỏ trong yêu cầu công bố thông tin. Ảnh: Đức Thanh

Và đến giờ, các nội dung cần công bố thông tin của các doanh nghiệp này vẫn để trống. Chỉ riêng Tổng công ty Sông Đà thay đổi trạng thái từ chưa sang có công bố thông tin, dù thông tin mới được cập nhật là Báo cáo thực hiện Kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2015, nghĩa là mới xong được một phần việc nhỏ.

Đáng tiếc, đây lại là tình hình chung. Theo thống kê của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến ngày 15/7, tức khoảng 8 tháng sau khi Nghị định 81/2015/NĐ-CP có hiệu lực, trong số 31 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, duy nhất một cái tên được nêu gương là Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM), với việc công bố 6 trong 7 báo cáo đến thời hạn phải công bố.

Còn lại, chỉ có 11/31 doanh nghiệp công bố kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2016. Trong số yêu cầu công bố báo cáo đánh giá thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất tính đến năm báo cáo, thì mới có 14/31 doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả sắp xếp, đổi mới 2015; 6/31 công bố báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức 2015; 6/31 thực hiện công bố báo cáo tài chính; 14/31 công bố báo cáo tiền lương, tiền thưởng.

Cũng phải nói rõ, theo quy định của Nghị định 81/2015/NĐ-CP, thời hạn công bố kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2016 là không muộn hơn ngày 31/3/2016. Thời hạn cho nội dung còn lại muốn nhất cũng là trước ngày 20/6/2016.

Doanh nghiệp nhà nước cũng phải chịu phạt

Chiếu theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP, đáng ra danh sách doanh nghiệp nhà nước không thực hiện công bố thông tin theo quy định phải được công khai ngay khi hết hạn 20 ngày làm việc. Nếu tính thời hạn xa nhất trong số các nội dung trên, là ngày 31/3/2016, thì nhiều doanh nghiệp đã phải bị nêu danh từ cuối tháng 4/2016 trên Cổng thông tin doanh nghiệp. Nếu tính từ ngày 20/6/2016, thì việc nêu danh các doanh nghiệp vi phạm đã phải được thực hiện từ 1 tháng trước.

Cùng với đó, danh sách này phải được thông báo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước biết để đôn đốc, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, có vẻ như việc công khai vi phạm của các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa phải là công việc dễ làm với các cơ quan quản lý nhà nước, dù đã có quy định của pháp luật. Nhưng đây lại là lý do gây nên những mối lo thường trực về chất lượng và hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã từng gọi đây là việc doanh nghiệp nhà nước không tuân theo kỷ luật thị trường, có nghĩa là vi phạm thì phải chịu phạt.

“Đó là trách nhiệm giải trình của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Lâu nay, khi nói đến huy động vốn cho đầu tư phát triển, chúng ta mới nhìn vào khu vực kinh tế tư nhân trong nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hay vốn ODA. Trong khi đó, tài sản trong khu vực công, trong các doanh nghiệp nhà nước còn rất lớn. Việc công khai, minh bạch và đòi hỏi trách nhiệm giải trình với khối tài sản này sẽ tạo điều kiện để khối tài sản này được sử dụng hiệu quả, để tạo ra sự thịnh vượng cho nền kinh tế”, ông Cung chia sẻ quan điểm.

Tình hình thực hiện công bố thông tin của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước tính đến ngày 15/7/2016

 104/350 doanh nghiệp nhà nước thực hiện công bố thông tin theo quy định. Số liệu chưa tính đến các doanh nghiệp do công ty mẹ (tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước) sở hữu 100% vốn, các doanh nghiệp là công ty nông, lâm nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn, doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Các thông tin phải công bố như sau:

 + Kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2016: 68/350;

+ Báo cáo đánh giá thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh hàng năm và ba năm gần nhất tính đến năm báo cáo: 47/350

+ Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội năm 2015: 17/350

+ Báo cáo kết quả sắp xếp, đổi mới 2015: 75/350

+ Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức 2015: 48/350

+ Báo cáo tài chính 2015: 52/350

+ Báo cáo tiền lương, tiền thưởng 2015: 95/350

Công khai danh tính, báo cáo Thủ tướng các doanh nghiệp nhà nước không công bố thông tin
Những doanh nghiệp nhà nước công bố thông tin không đầy đủ, không đúng quy định thì sẽ được đăng tải công khai trên Cổng thông tin doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư