Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Một lãnh đạo muốn bỏ 270 tỷ đồng để mua vào 1,5 triệu cổ phiếu Sữa Quốc tế
Duy Bắc - 21/09/2023 08:19
 
Sau Daytona Investments, tới lượt một lãnh đạo muốn bỏ ra 270 tỷ đồng để mua vào 1,5 triệu cổ phiếu CTCP Sữa Quốc tế (mã IDP - UPCoM).

Ông Đinh Quang Hoàn, Uỷ viên HĐQT đăng ký mua vào 1,5 triệu cổ phiếu IDP để nâng sở hữu từ 0 cổ phiếu, lên 1,5 triệu cổ phiếu (khoảng 2,44% vốn điều lệ), giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 22/9 đến ngày 20/10.

Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 20/9 là 180.000 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Hoàn sẽ phải bỏ ra số tiền khoảng 270 tỷ đồng để mua vào 1,5 triệu cổ phiếu IDP.

Trước đó, ngày 28/8, Daytona Investments Pte. Ltd (trụ sở ở Singapore) vừa mua thêm 2.405.000 cổ phiếu IDP để nâng sở hữu từ gần 9% lên 12,56% vốn điều lệ.

Ở chiều ngược lại, Công ty Sữa Quốc tế cho biết vừa phát hành thành công 2.405.000 cổ phiếu riêng lẻ với giá 254.044 đồng/cổ phiếu để huy động 610,98 tỷ đồng, thời điểm phát hành ngày 28/8. Trong đó, cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm và mục đích huy động 610,98 tỷ đồng, Công ty dự kiến dùng 230 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh; 140,1 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động; 100 tỷ đồng trả nợ vay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); 100 tỷ đồng trả nợ vay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank); và 40,9 tỷ đồng thanh toán chi phí marketing.

Như vậy, sau phát hành cổ phiếu riêng lẻ, vốn điều lệ tại Công ty Sữa Quốc tế tăng từ 589,45 tỷ đồng lên 613,5 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 12/4/2023, Daytona Investments Pte. Ltd đã mua 5,3 triệu cổ phiếu IDP để nâng sở hữu từ 0% lên 8,99% vốn điều lệ.

Theo tìm hiểu, Daytona Investments Pte. Ltd là cổ đông lớn của Sữa Quốc Tế và bà Trần Thu Trang (thành viên HĐQT tại Sữa Quốc Tế) đang là Giám đốc tại Daytona Investments Pte. Ltd.

Được thành lập năm 2004, Sữa Quốc tế có hai nhà máy đặt tại Chương Mỹ và nhà máy sữa Ba Vì đặt tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì. Dòng sản phẩm chủ đạo của Công ty đưa ra thị trường mang thương hiệu "Ba Vì", bao gồm sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa chua ăn Ba Vì. Sau này, Sữa Quốc tế phát triển mạnh thương hiệu LIF (love in farm), Kun (dòng sản phẩm cho trẻ em).

Giải thể công ty bất động sản sau 9 tháng thành lập 

Một diễn biến đáng lưu ý khác, ngày 18/5/2023, Công ty cổ phần Sữa Quốc tế vừa thông qua việc giải thể công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư Green Light, đơn vị được thành lập với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Được biết, ngày 23/8/2022, Công ty cổ phần Sữa Quốc tế thông qua việc thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Green Light (địa chỉ 217 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) với vốn điều lệ dự kiến là 500 tỷ đồng, Công ty góp 99,98% vốn.

Việc sở hữu quỹ tiền mặt lớn nhờ hoạt động kinh doanh ổn định và dòng tiền đều đặn từ sản xuất có thể là động cơ thúc đẩy Sữa Quốc tế lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. Tại thời điểm 30/6/2022, Công ty sở hữu 1.641 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính, chiếm 48,6% tổng tài sản. Trong đó, tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm 1.547,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã nhanh chóng khép lại khi Sữa Quốc tế giải thể Công ty cổ phần Đầu tư Green Light chỉ sau 9 tháng thành lập.

Sữa Quốc tế “quay xe” với kế hoạch sản xuất đồ uống không cồn và nước khoáng

Ngoài ra, cuối tháng 7/2023, Sữa Quốc tế đã thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Trong đó, đáng chú ý, Công ty thông qua việc điều chỉnh Dự án đầu tư CTCP Sữa Quốc Tế - Chi nhánh Bình Dương theo Giấy chứng nhận đăng ký lần đầu ngày 24/1/2022.

Đầu tiên, Công ty điều chỉnh không còn sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng, Công ty chỉ chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; thứ hai, điều chỉnh quy mô dự án từ hai giai đoạn, giai đoạn 1 chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa 300.000 tấn sản phẩm/năm và giai đoạn 2 là sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng 150 triệu lít/năm. Sau điều chỉnh, Công ty chỉ còn chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa 300.000 tấn sản phẩm/năm; thứ ba, do không còn sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng, công ty không còn giai đoạn 2. Trong đó, giai đoạn 1 về chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa, Công ty kéo dài thời gian đưa vào hoạt động từ quý I/2024 sang quý IV/2024.

Được biết, theo kế hoạch ban đầu, Dự án đầu tư CTCP Sữa Quốc Tế - Chi nhánh Bình Dương dự kiến triển khai tại Lô C-13A-CN Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương với mục đích để chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng. Trong đó, dự án có vốn đầu tư là 2.800 tỷ đồng (vốn góp của công ty là 300 tỷ đồng và vốn vay lên tới 2.500 tỷ đồng).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/9, cổ phiếu IDP giảm 8.000 đồng về 180.000 đồng/cổ phiếu.

Sữa Quốc tế “quay xe” với kế hoạch sản xuất đồ uống không cồn và nước khoáng
CTCP Sữa Quốc tế (mã IDP - sàn UPCoM) thay đổi phương án đầu tư Chi nhánh Bình Dương về việc không sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư