Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Một số nhà đầu tư đang đề xuất tham gia tái cơ cấu SCB
Thùy Liên - 07/01/2024 10:58
 
Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu đề nghị tham gia cơ cấu lại SCB của một số nhà đầu tư để khẩn trương trình Chính phủ phương án cơ cấu lại SCB theo quy định.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp từ các cơ quan chức năng cho biết, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án tồn đọng còn lại gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc phải đánh giá, thẩm định chính xác giá trị tài sản đã qua nhiều năm.

Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ đối với tổ chức tín dụng tham gia xử lý/nhận chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém.

Mặc dù, thời gian qua, Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản liên quan đã được sửa đổi, bổ sung các quy định để kiểm soát, ngăn ngừa các quan hệ sở hữu chéo, sở hữu cổ phần có tính chất thao túng, chi phối hoạt động tổ chức tín dụng nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhưng chưa thể bao quát được hết các tình huống phát sinh trong thực tế; hơn nữa, việc nhận diện chủ sở hữu “thực” của phần vốn góp và nhóm người có liên quan của cổ đông này là rất khó khăn do các đối tượng có thể lách các quy định của pháp luật…

Tỷ lệ nợ xấu cao hơn mục tiêu kiểm soát đề ra. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu (không bao gồm 3 ngân hàng thương mại mua lại bắt buộc (OceanBank, CBBank, GPBank) và 2 ngân hàng thương mại kiểm soát đặc biệt (DAB, SCB) của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 10/2023 là 4,01%.

Hiện việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt; cấp có thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

Đối với SCB, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại SCB của SCB và Ban Kiểm soát đặc biệt SCB, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xử lý SCB và đang nghiên cứu xử lý đề xuất tham gia cơ cấu lại SCB của một số nhà đầu tư.

“Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu đề nghị tham gia cơ cấu lại SCB củ một số nhà đầu tư để khẩn trương trình Chính phủ phương án cơ cấu lại SCB theo quy định”, báo cáo cho biết.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tăng cường công tác thanh gia, giám sát đối với hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Tiếp tục xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với một số lĩnh vực rủi ro, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh; thường xuyên giám sát tiến độ, kết quả xử lý nợ xấu của VAMC.

Tính đến cuối tháng 10/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 5,03%; trong trường hợp không bao gồm 3 ngân hàng thương mại mua lại bắt buộc (OceanBank, CBBank, GPBank) và 2 ngân hàng thương mại kiểm soát đặc biệt (DAB, SCB) thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,97%; toàn hệ thống xử lý được khoảng 184.050 tỷ đồng nợ xấu.

Tái cơ cấu ngân hàng sắp có bước chuyển lớn?
Nhiều ngân hàng yếu kém vẫn chưa thoát khỏi diện yếu kém sau một thập kỷ tái cơ cấu. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư