Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 28 tháng 12 năm 2024,
Một trong những công ty chip hàng đầu thế giới nộp hồ sơ niêm yết trên sàn Nasdaq
Đông Phong - 22/08/2023 08:51
 
Hãng thiết kế chip bán dẫn Arm thuộc sở hữu của tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) đã nộp đơn đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) vào ngày 21/8.
Arm ghi nhận thu nhập ròng 524 triệu USD trên tổng doanh thu 2,68 tỷ USD trong năm tài chính 2023 kết thúc vào tháng 3. Ảnh: Reuters
Arm ghi nhận thu nhập ròng 524 triệu USD trên tổng doanh thu 2,68 tỷ USD trong năm tài chính 2023 kết thúc vào tháng 3. Ảnh: Reuters

Arm xác định tiến hành đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong bối cảnh thị trường IPO công nghệ chững lại, với mã cổ phiếu mong muốn là "ARM".

Trong hồ sơ niêm yết, Arm báo cáo thu nhập ròng 524 triệu USD trên tổng doanh thu 2,68 tỷ USD trong năm tài chính 2023 kết thúc vào tháng 3 vừa qua. Như vậy, doanh thu năm 2023 của Arm đã giảm nhẹ so với mức 2,7 tỷ USD của năm trước.

Hãng thiết kế chip có trụ sở tại Vương quốc Anh đã nộp đơn kín để xin niêm yết tại Mỹ vào đầu năm nay sau khi thông báo rằng họ sẽ tiến hành IPO ở Mỹ thay vì thị trường Anh, một động thái giáng đòn mạnh vào Sở giao dịch chứng khoán London.

Arm là một trong những công ty chip quan trọng hàng đầu thế giới. Hãng này bán giấy phép kiến trúc tập lệnh của hầu hết các thiết kế chip bán dẫn di động và ngày càng nhiều chip máy tính và máy chủ. Trong những năm gần đây, Arm đã nhắm đến việc bán các thiết kế chip hoàn chỉnh hơn, giúp hãng này gia tăng lợi nhuận.

Cũng theo hồ sơ niêm yết, các mẫu chip bán dẫn do Arm thiết kế được sản xuất bởi các "ông lớn" công nghệ như Amazon, Alphabet, AMD, Intel, Nvidia, Qualcomm và Samsung.

Công nghệ của Arm cũng được đưa vào mẫu chip dành cho iPhone của Apple. Arm cho biết công nghệ của họ đã được đưa vào hơn 30 tỷ con chip được xuất xưởng trong năm tài chính 2023. Arm thường thu phí đối với mỗi con chip sử dụng công nghệ của mình.

Năm 2016, SoftBank đã mua lại Arm với giá 32 tỷ USD, nhưng sau đó bán 25% cổ phần của hãng thiết kế chip này cho quỹ đầu tư Vision Fund 1 (VF1) với giá 8 tỷ USD vào năm 2017.

SoftBank ban đầu tìm cách bán Arm cho gã khổng lồ chip Nvidia, nhưng thương vụ này vấp phải sự phản đối lớn từ các cơ quan chức năng do lo ngại về cạnh tranh và an ninh quốc gia.

Arm hiện chưa công bố giá cổ phiếu dự kiến nên vẫn chưa thể ước tính giá trị thương vụ IPO.

Với khoảng 6.000 nhân viên, Arm đóng vai trò then chốt trong ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng. Hãng thiết kế chip này hiện là nhà cung ứng công nghệ chính của Apple, Google và Qualcomm, với các thiết kế chip của họ được dùng trên 99% các sản phẩm điện thoại thông minh.

Arm được thành lập năm 1990 dưới hình thức liên doanh giữa một số công ty và Apple để tạo ra bộ vi xử lý năng lượng thấp cho các thiết bị chạy bằng pin. Arm trở thành công ty đại chúng vào năm 1998, trước khi được SoftBank mua lại vào năm 2016.

Hãng thiết kế chip đang đối mặt với những cơn gió nghịch do nhu cầu các sản phẩm như điện thoại thông minh bị chững lại, ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty sản xuất chip.

Doanh thu thuần của Arm trong quý II vừa qua đã giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước, thậm chí đơn vị này còn rơi vào tình trạng thua lỗ, theo báo cáo lợi nhuận của SoftBank.

Trong hồ sơ niêm yết, Arm lập luận rằng công nghệ của họ sẽ rất cần thiết cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), mặc dù doanh nghiệp này chỉ tập trung vào bộ vi xử lý trung tâm (CPU) chứ không phải bộ vi xử lý đồ họa cần thiết để tạo ra các mô hình AI lớn.

"CPU rất quan trọng trong tất cả các nền tảng AI, cho dù nó đang xử lý toàn bộ khối lượng công việc AI hay kết hợp với bộ vi đồng xử lý, chẳng hạn như GPU hoặc NPU", Arm đánh giá.

Arm xác định kiến trúc tập lệnh x86 đang sử dụng trong bộ vi xử lý Intel và AMD, cùng với RISC-V, một tập lệnh nguồn mở được một số công ty công nghệ lớn hỗ trợ, là lợi thế cạnh tranh của hãng này.

Arm cho biết ba khách hàng lớn nhất đóng góp tới 44% tổng doanh thu của hãng. Arm China, khách hàng lớn nhất của hãng thiết kế chip, chiếm 24% doanh thu, còn Qualcomm, tập đoàn đang bị kiện vì vi phạm giấy phép, chiếm 11% doanh số bán hàng của Arm.

Arm quyết định sẵn sàng niêm yết vào thời điểm các nhà đầu tư đang đổ xô vào chip bán dẫn thế hệ tiếp theo vì nhu cầu được thúc đẩy bởi trí tuệ nhân tạo, nhất là sự phổ biến của các ứng dụng AI tạo sinh (loại trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc tạo ra nội dung/dữ liệu mới dựa trên dữ liệu hiện có). Giữa cơn sốt trí tuệ nhân tạo, cổ phiếu của hãng sản xuất chip Mỹ Nvidia tăng gấp ba lần kể từ đầu năm.

Thị trường IPO công nghệ phần lớn không yên ắng trong 20 tháng qua và không có giao dịch đầu tư mạo hiểm đáng chú ý nào kể từ tháng 12/2021. Tháng 10/2022, Intel đã niêm yết công ty công nghệ xe tự lái Mobileye, nhưng cổ phiếu Mobileye chỉ tăng 17% kể từ ngày đầu chào sàn.

Một số nhà đầu tư công nghệ có thể xem cổ phiếu của Arm như một dấu hiệu về nhu cầu sản phẩm mới. Instacart - một trong những startup giao hàng mới thành lập - cũng được cho là chuẩn bị nộp hồ sơ IPO lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC).

SoftBank thoái bớt vốn tại Alibaba, tập trung niêm yết công ty chip bán dẫn
Tập đoàn SoftBank dự kiến công bố lợi nhuận quý IV/2022 vào ngày 11/5, trong lúc các nhà đầu tư trông đợi thông tin chi tiết về việc niêm yết công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư