Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Mua bán cổ phiếu không công bố thông tin chịu phạt ra sao?
Thanh Thủy - 11/01/2022 13:57
 
Với quy mô trên 10 tỷ đồng, nhà đầu tư sẽ chịu phạt tiền 3%-5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế, thậm chí đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 3-5 tháng.

Quy định giao dịch trên thị trường chứng khoán yêu cầu người nội bộ của công ty phải công bố thông tin trước và sau giao dịch hoặc khi có thay đổi sở hữu đối với cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ, quyền mua chứng chỉ quỹ hoặc chứng quyền có bảo đảm dựa trên chứng khoán của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng. Đây là quy định cơ bản về công bố thông tin được quy định tại Luật Chứng khoán.

Vi phạm công bố thông tin trước giao dịch là một trong các hành vi chịu mức phạt hành chính lớn nhất trong nhóm các vi phạm quy định về giao dịch cổ phiếu.

Theo Nghị định số 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch được nêu rõ trong khoản 5 điều 33.

Cụ thể, hành vi này sẽ chịu xử phạt theo giá trị chứng khoán giao dịch thực tế tính theo mệnh giá (đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) hoặc theo giá phát hành gần nhất (đối với chứng quyền có bảo đảm) hoặc giá trị chuyển nhượng (đối với quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, quyền mua chứng chỉ quỹ) như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 400.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 400.000.000 đồng đến dưới 600.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 600.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu giao dịch có giá trị từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 10.000.000.000 đồng;

h) Phạt tiền 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10.000.000.000 đồng trở lên. Trường hợp mức phạt tiền cao hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định này thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định này. Cụ thể là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân;

Hành vi giao dịch ngoài khoảng thời gian đăng ký hoặc ngoài khoảng thời gian Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam hoặc công ty con công bố thông tin, vượt quá giá trị đăng ký cũng tính mức xử phạt theo giá trị chứng khoán giao dịch thực tế tính theo mệnh giá. Nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên cũng áp dụng hình thức phạt cao nhất là phạt tiền từ 1% đến 2% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế, nhưng sẽ thấp hơn mức phạt tiền cao hơn mức phạt tiền tối đa.

Hai vi phạm này còn có thêm hình thức xử phạt bổ sung. Theo đó, người thực hiện giao dịch mà không báo cáo về việc dự kiến giao dịch với giá trị trên 10 tỷ đồng sẽ bị buộc đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 03-05 tháng. Còn với giao dịch ngoài khoảng thời gian đăng ký hoặc ngoài khoảng thời gian Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam hoặc công ty con công bố thông tin, vượt quá giá trị đăng ký, thời gian đình chỉ là 01-03 tháng.

Hành vi không báo cáo về kết quả thực hiện giao dịch có khung hình phạt tương tự với mức phạt cao nhất là 150 triệu đồng. Trường hợp báo cáo không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch, mức phạt thấp hơn, tối đa 75 triệu đồng. Mức xử phạt hai hành vi này tính theo giá trị chứng khoán giao dịch đăng ký theo mệnh giá.

Mức phạt hành chính quy định tại Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán
Mức phạt hành chính quy định tại Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán



Theo Luật Chứng khoán năm 2019, người nội bộ là người giữ vị trí quan trọng trong bộ máy quản trị, điều hành của doanh nghiệp, quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng. Trong đó, người nội bộ của doanh nghiệp là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng thành viên, người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc), Giám đốc tài chính, Kế toán trưởng và các chức danh quản lý tương đương do Đại hội đồng cổ đông bầu hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm; Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban kiểm soát (Kiểm soát viên), thành viên Ban kiểm toán nội bộ; thư ký công ty, người phụ trách quản trị công ty, người được ủy quyền công bố thông tin.

Ngoài trách nhiệm công bố thông tin của người nội bộ, nhà đầu tư có sự thay đổi tỷ lệ sở hữu tại công ty trong một số trường hợp thuộc diện phải báo cáo kết quả sau khi thực hiện giao dịch. Bao gồm trường hợp có thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết (phạt tiền 25-35 triệu đồng) và khi trở thành hoặc không còn là cổ đông lớn - sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết (phạt tiền 50-70 triệu đồng).

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC bán không báo cáo 74,8 triệu cổ phiếu FLC

Trong phiên giao dịch ngày 10/1, ông giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Đến chiều tối ngày 10/01/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới nhận được Báo cáo số 31/SGDHCM-GS đề ngày 10/01/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM về vi phạm này.

Trước đó, trên website của FLC đã xuất hiện thông báo đăng ký giao dịch của cổ đông nội bộ, đề ngày đăng tải vào 5/1/2022. Theo đó, ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu, thời gian giao dịch dự kiến từ 10/1 đến 17/1. Sau đó, thời gian giao dịch dự kiến đã được lùi sang ngày 14/1. Mục đích được nêu là cơ cấu lại danh mục tài sản. Phương thức giao dịch thoả thuận hoặc khớp lệnh.

Chứng khoán giao dịch thực tế vi phạm có giá trị lên tới 748 tỷ đồng (theo mệnh giá). Dù giá trị rất cao, mức phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết có thể nhận là mức tối đa 1,5 tỷ đồng. 

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết theo quy định.

Trước đó, vào cuối năm 2017, ông Quyết từng nhận án phạt Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính do bán 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo trước. Ước tính, giao dịch trên mang về 400 tỷ đồng. Mức phạt thời điểm đó là 65 triệu đồng.

Xuất hiện tình trạng "đơ" lệnh trên sàn HoSE, VN-Index rơi sâu, cổ phiếu đầu cơ "quay ngoắt"
Chứng khoán Việt Nam rơi sâu nhất trong các thị trường chứng khoán châu Á đầu tuần. Lợi suất trái phiếu Mỹ leo lên cao nhất từ tháng 1/2020...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư