Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Mua dự trữ, mở rộng thị trường để hỗ trợ sản xuất lúa gạo
Thu Phương - 03/03/2019 09:34
 
Giải pháp trước mắt và lâu dài để nâng giá trị ngành hàng lúa gạo và đẩy mạnh xuất khẩu là tiếp tục mở rộng thị trường, tìm các thị trường mới, lớn và dài hơi hơn.
Khoảng 200.000 tấn gạo và 800.000 tấn thóc sẽ được thu mua dự trữ theo kế hoạch Nhà nước giao. Ảnh: Đức Thanh
Khoảng 200.000 tấn gạo và 800.000 tấn thóc sẽ được thu mua dự trữ theo kế hoạch Nhà nước giao. Ảnh: Đức Thanh

Xuất khẩu chững, giá lúa gạo sụt giảm

Mặc dù đạt tăng trưởng tích cực cả về lượng và giá trong năm 2018, nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, xuất khẩu gạo giảm mạnh. Thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất là Trung Quốc chững lại, các thị trường khác chưa khởi sắc, khiến giá lúa sụt giảm.

Ghi nhận thực tế tại Trạm Khuyến nông Bình Tân (Vĩnh Long), giá lúa tươi giống OM 4900, OM 5451... được thương lái thu mua 4.800 - 4.900 đồng/kg. Cùng lúc, giá lúa IR 50404 chỉ được 4.300 - 4.400 đồng/kg, thấp hơn vụ đông xuân 2017 - 2018 từ 800 - 1.000 đồng/kg tuỳ giống lúa.

Vụ đông xuân 2018 - 2019, tại Đồng bằng sông Cửu Long gieo trồng trên 1,597 triệu ha, năng suất đạt 69 tạ/ha, sản lượng toàn vùng ước đạt trên 11 triệu tấn lúa; trong đó, lượng lúa dành cho xuất khẩu khoảng 7,339 triệu tấn, tương đương 3,669 triệu tấn gạo.

Trên thực tế, tình trạng xuất khẩu đình trệ, giá lúa gạo sụt giảm không phải mới xuất hiện lần đầu. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, điểm nghẽn trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hiện nay là chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của ngành chưa cao; xuất khẩu gạo khối lượng lớn nhưng giá trị thấp; sản xuất thiếu bền vững... Hơn nữa, năm nay, việc ký kết hợp đồng xuất khẩu lúa gạo của nước ta gặp khó khăn, trở ngại hơn các năm trước; một số nước nhập khẩu gạo thu mua chậm hơn…

Cùng lý giải nguyên nhân, đại diện Bộ Công thương cho biết, hiện một số nước đã thay đổi phương thức nhập khẩu gạo, đó là cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt đấu thầu để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh, trong khi đó, nhiều nước trong khu vực cũng đang nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu gạo… Các động thái trên đã làm gia tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi quan hệ cung - cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua.

Mở rộng thị trường, khơi thông nguồn vốn

Trước những diễn biến không thuận về xuất khẩu lúa gạo, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cuộc họp quan trọng để bàn giải pháp trước mắt và lâu dài cho vấn đề này. Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp mở rộng thị trường, tìm các thị trường mới, lớn, dài hơi hơn để xuất khẩu gạo.

Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ theo kế hoạch Nhà nước giao, bao gồm 200.000 tấn gạo và 800.000 tấn thóc. Các doanh nghiệp lương thực Nhà nước thực hiện đúng Nghị định 107/2018 của Chính phủ, theo đó, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu 5% số lượng gạo đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện sớm kế hoạch xuất khẩu 200.000 tấn gạo sang Philippines và 100.000 tấn sang Trung Quốc.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thu mua lúa tạm trữ, giá lúa có tăng nhẹ, song vẫn còn thấp so với năm 2018. Vấn đề tiêu thụ lúa đông xuân trở nên nóng, một phần do doanh nghiệp không đủ hạn mức tín dụng mua lúa của nông dân. Để giải quyết vấn đề một cách căn cơ, theo ông Hoan, Chính phủ cần có giải pháp, chính sách để xác lập dài hạn hơn cho chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.

Đại diện các doanh nghiệp ngành lúa gạo, ông Nguyễn Thành Mười, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty CP Tân Đồng Tiến (Long An) kiến nghị, về nguồn vốn, cần có chính sách hỗ trợ nâng hạn mức cho vay vốn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của nông dân, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu. Về thị trường, cần tăng cường xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường tiêu thụ mạnh như Philippines, Malaysia, Indonesia, châu Phi…

Trước những ý kiến trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong thời gian tới, để đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu của thương nhân sản xuất, kinh doanh lúa gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý.

Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc, trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp và người nông dân, các ngân hàng như Agribank, Vietcombank, Sacombank... đã cam kết cân đối đủ nguồn vốn cho sản xuất, thu mua, tiêu thụ lúa gạo với lãi suất và thời hạn cho vay hợp lý (chỉ khoảng 6%/năm).

Đối với bài toán về thị trường, để hạt gạo Việt Nam phát triển ổn định, theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, bộ này đang tiếp tục triển khai xúc tiến thương mại để giữ các thị trường xuất khẩu gạo quan trọng, mở rộng thị trường châu Phi và Mexico.

Triển khai mua lúa vụ đông xuân 2019

Ngày 25/2, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã thông báo kế hoạch mua lúa vụ đông xuân 2019 của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Nam bộ và Cục Dự trữ Nhà nước khu vực TP.HCM.

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Nam bộ sẽ mua 1.500 tấn lúa vụ đông xuân năm 2019, nhập kho dự trữ quốc gia. Phương thức mua trực tiếp của mọi đối tượng tại cửa Kho Dự trữ Nhà nước; nhập kho Trâm Vàng (Chi cục Dự trữ Nhà nước Tây Ninh). Thời hạn mua đến hết ngày 30/4/2019.

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực TP.HCM sẽ mua dự trữ quốc gia 2.000 tấn lúa tại cửa kho dự trữ thuộc Chi cục Dự trữ Nhà nước Long An. Mở kho mua từ ngày 1/3/2019. Thời hạn mua lúa đến hết ngày 30/4/2019.

Ngành sản xuất lúa gạo loay hoay ở vạch xuất phát
Tại hội thảo “tương lai cho ngành lúa gạo” vừa diễn ra tại TP.Cần Thơ, các nhà quản lý, nhà khoa học thẳng thắn nhìn nhận ngành sản xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư