Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 07 tháng 02 năm 2025,
Mục tiêu mới của tăng trưởng
Nguyên An - 07/02/2025 08:06
 
Được cả lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều lần nhắc tới với quyết tâm rất cao, song khi chính thức trình Quốc hội bấm nút, thì mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2025 đạt 8% trở lên được đặt ở tâm thế cao hơn nữa.

Hơn hai tháng trước, tại Kỳ họp thứ tám (tháng 11/2024), Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với tốc độ tăng GDP 6,5-7% và phấn đấu 7-7,5%; tốc độ tăng Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,5%.

Hoàn thành cuối tháng 1 năm nay, tờ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên đã được Chính phủ gửi tới Quốc hội, trước thềm Kỳ họp bất thường lần thứ chín, khai mạc vào ngày 12/2 tới.

Nhìn từ mấy nhiệm kỳ gần đây của Quốc hội, đó là việc chưa từng có tiền lệ trong bối cảnh không chỉ 1 lần GDP không thể về đích, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và nhiều tác động không mong muốn khác.

Nhưng 2024 thì khác. Phục hồi nhanh trước những diễn biến bất lợi từ bên ngoài và trong nước, GDP ước tăng 7,09% (chỉ tiêu Quốc hội giao là 6-6,5%). 

Người dân, doanh nghiệp gia tăng niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế, tăng cường đầu tư mới và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2024 tăng 7,5%, có 233.419 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Bên cạnh những điểm sáng có thể định lượng rõ ràng đó, điểm tựa vững chắc cho mục tiêu tăng trưởng mới là thể chế, pháp luật là trọng tâm cải cách, với các bước đi đồng bộ, mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, tạo môi trường pháp lý minh bạch, thuận lợi cho phát triển.

Trong khi đó, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là năm cuối thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích. 2025 cũng là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Vì thế, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, theo Chính phủ, nhằm góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).

Rất cần nhấn mạnh rằng, ngay sau khi bế mạc Kỳ họp thứ tám của Quốc hội, Chính phủ đã đặt quyết tâm vào con số cần phải đạt đó.

“Với quyết tâm cao của Chính phủ, mục tiêu 8% là bước sẵn sàng để bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nói như thế tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ đầu tháng 12/2024.

Lúc ấy, ông Phương cũng chia sẻ quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo đó, giải pháp đặt ra để chỉ đạo điều hành là trên tâm thế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8%, chứ không phải mục tiêu đã được Quốc hội thông qua.

Tăng trưởng tăng, tức có thể phải “nới” thêm một số chỉ tiêu khác để có dư địa điều hành, là có thể có những ưu tiên mới trong phân bổ nguồn lực, cần được Quốc hội bấm nút.

Tại tờ trình, bên cạnh tăng GDP lên 8%, Chính phủ còn đề xuất nâng chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân từ 4,5% lên 4,5-5%.

Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, thì nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.

Những vấn đề đó đều cần được Quốc hội đặt lên bàn nghị sự, cân nhắc kỹ càng trước khi bấm nút.

Quyết tâm cao vì mục tiêu sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, chắc chắn được Quốc hội đồng tình. Trung ương cũng đã chỉ ra các giải pháp trọng tâm, cấp bách để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và tăng trưởng giai đoạn 2026 - 2030 liên tục đạt 2 con số. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật là nhiệm vụ hàng đầu. Cụ thể, trong năm 2025, hướng dẫn, điều chỉnh một số luật liên quan đến đất đai, đầu tư công, luật doanh nghiệp, tháo gỡ mọi điểm nghẽn, rào cản; thực hiện phương pháp "quản lý theo kết quả", chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

Như thế, sau khi bấm nút cho mục tiêu tăng trưởng mới, Quốc hội vẫn rất cần đổi mới hơn nữa trong cả ba nhiệm vụ lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu các giải pháp để đạt tăng trưởng GDP 8% trở lên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị một dự thảo Nghị quyết riêng của Chính phủ, trong đó giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng địa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư