Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Mỹ công bố dự án 36 triệu USD giúp Việt Nam phát triển năng lượng sạch
Lê Quân - 25/08/2021 20:56
 
Chính phủ Mỹ đã công bố Chương trình Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam II trị giá 36 triệu USD hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi sang hệ thống năng lượng sạch và theo hướng thị trường.
Dự án V-LEEP II sẽ hỗ trợ thực hiện cơ chế Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) cho phép các doanh nghiệp mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo.
Dự án V-LEEP II sẽ hỗ trợ thực hiện cơ chế Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) cho phép các doanh nghiệp mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo.

Thông cáo nhanh từ Nhà Trắng cho biết, Phó tổng thống Kamala D. Harris cùng lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và đại diện các tổ chức đã nhất trí về tầm quan trọng của việc chống khủng hoảng khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu và hợp tác hướng tới một tương lai năng lượng sạch.

Phía Mỹ khuyến khích khu vực tư nhân trong thực hiện các hành động vì Khí hậu. Theo đó, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, mở rộng cơ hội thị trường cho doanh nghiệp Mỹ và củng cố chính sách môi trường của Việt Nam.

Biên bản ghi nhớ trên sẽ hướng trọng tâm của VCCI vào tính bền vững, công nghệ xanh và biến đổi khí hậu. USAID cũng dự định hỗ trợ VCCI xây dựng Chỉ số xanh để giúp các doanh nghiệp Mỹ lựa chọn những địa phương đang đầu tư vào các hoạt động xanh.

Cũng thông qua USAID, chính phủ Mỹ đã công bố Chương trình Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam II (V-LEEP II) trị giá 36 triệu USD và kéo dài trong 5 năm, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang hệ thống năng lượng sạch, an toàn và theo định hướng thị trường.

Dự án sẽ giúp cải thiện quy hoạch năng lượng của Chính phủ, tăng cường cạnh tranh để khuyến khích khu vực tư nhân Mỹ tham gia vào cung cấp dịch vụ năng lượng và tăng cường hệ thống năng lượng sạch. Bên cạnh đó, dự án sẽ giúp Việt Nam mở rộng quy mô sử dụng xe máy điện và thực hiện cơ chế Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) cho phép các doanh nghiệp mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo.

Đối với cam kết hỗ trợ khu vực đồng bằng sông Cửu Long ứng phó biến đổi khí hậu, thông qua USAID, chính phủ Mỹ đã khởi động dự án Bảo tồn môi trường sống ven biển sông Mekong. Đây là một dự án mới kéo dài 3 năm, trị giá 2,9 triệu USD với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Dự án này nhằm bảo vệ các sinh cảnh ven biển quan trọng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm hỗ trợ khai thác thủy sản bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.

Mỹ cũng hoan nghênh Việt Nam tham gia Sứ mệnh đổi mới nông nghiệp vì khí hậu (AIM4C), một sáng kiến được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì vào tháng 4/2021. Sáng kiến này sẽ được đưa ra tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (gọi tắt là COP-26) vào tháng 11 tới.

Các bên tham gia AIM4C sẽ cùng hợp tác để tăng tốc đổi mới nông nghiệp toàn cầu và áp dụng các công nghệ thông minh với khí hậu. Mỹ và Việt Nam cùng với các đối tác toàn cầu có thể giải quyết những thách thức chung về khí hậu và đề ra các giải pháp sáng tạo để cải thiện an ninh lương thực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới.

Nhà đầu tư Mỹ đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Việt Nam
Các công ty Mỹ đặt nhiều hy vọng vào thị trường Việt Nam sau chuyến thăm Việt Nam của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris từ ngày 24 đến 26/8.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư