Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Mỹ: Đảng Cộng hòa lên tiếng phản đối thỏa thuận nâng trần nợ
Đông Phong - 30/05/2023 10:57
 
Một số nhà lập pháp theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ phản đối thỏa thuận nâng mức trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD của Mỹ.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: AFP
Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: AFP

Tín hiệu trên cho thấy "thỏa thuận về nguyên tắc" giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy về việc nâng trần nợ công sẽ gặp khó khăn khi qua cửa của Quốc hội trước khi chính quyền liên bang cạn tiền vào tuần tới.

Phe đối lập - đảng Cộng hòa - đã lên tiếng cảnh báo về những rào cản mà Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy - thượng nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa - sẽ phải đối mặt khi trình Hạ viện và Thượng viện thông qua dự luật về nợ công.

Thống đốc bang Florida, ông Ron DeSantis, người đang chạy đua vào vị trí ứng viên tranh cử tổng thống năm 2024 của đảng Cộng hòa, cho rằng thỏa thuận nâng trần nợ công giữa lưỡng đảng không đủ sức để thay đổi quỹ đạo tài khóa. "Sau thỏa thuận này, đất nước chúng ta vẫn sẽ tiến tới vỡ nợ", ông DeSantis nói trên kênh truyền hình Fox News.

Tuy nhiên, những người ủng hộ vẫn hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua dự luật trước khi nước này cạn tiền để đảm đương các nghĩa vụ tài chính, dẫn tới vỡ nỡ trước ngày 5/6 như lời cảnh báo của Bộ Tài chính - muộn hơn bốn ngày so với dự báo trước đó.

"Chuyện này (dự luật) chắc chắn sẽ được thông qua. Không còn nghi ngờ gì về điều đó", hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Dusty Johnson, người đã nói chuyện với hàng chục nhà lập pháp khác về dự luật, nhận định.

Theo Reuters, dự luật dài 99 trang sắp trình Hạ viện và Thượng viện Mỹ sẽ tạm dừng áp dụng giới hạn nợ công cho đến hết ngày 1/1/2025, cho phép các nhà lập pháp gạt vấn đề rủi ro chính trị sang một bên cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024. Tuy nhiên, dự luật cũng sẽ giới hạn một số chi tiêu của chính phủ liên bang trong hai năm tới.

Ngày 30/5 là phép thử phản ứng đầu tiên khi Ủy ban quy tắc - cơ quan xem xét các dự luật được gửi từ Ủy ban chính sách và Ủy ban tài chính để trình Hạ viện Mỹ - tiến hành xem dự luật về nợ công trước khi đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện.

Mặc dù Ủy ban quy tắc thường có liên kết chặt chẽ với lãnh đạo Hạ viện, nhưng Chủ tịch Hạ viện McCarthy buộc phải đưa vào một số thành viên bảo thủ vào để có được sự ủng hộ.

Trước đó, hạ nghị sĩ Chip Roy, một trong những người bảo thủ đó, cho biết ông sẽ ngăn cản dự luật được thông qua tại Hạ viện.

"Đó không phải là một thỏa thuận tốt. Khoản nợ khoảng 4 nghìn tỷ USD mà điều tốt nhất có thể làm là đóng băng chi tiêu chính phủ trong hai năm và không có cải cách chính sách thực chất nghiêm trọng nào", ông Roy viết trên Twitter.

Một thành viên khác của Ủy ban quy tắc Hạ viện, ông Ralph Norman, cũng đã lên tiếng phản đối dự luật.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện McCarthy trả lời báo chí ngày 29/5 rằng ông không lo lắng về triển vọng dự luật sẽ được Ủy ban quy tắc thông qua.

Tại Thượng viện, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Lee cũng phản đối dự luật, điều này có thể dẫn đến một cuộc bỏ phiếu khó khăn đối với dự luật khi mà bất kỳ thượng nghị sĩ nào cũng có quyền trì hoãn hành động trong nhiều ngày. Hiện đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện với tỷ lệ ghế 51 - 49.

Chủ tịch Hạ viện McCarthy vẫn cho rằng, dự luật sẽ giành được sự ủng hộ của hầu hết các thành viên đảng Cộng hòa, những người đang kiểm soát Hạ viện với tỷ lệ ghế 222 - 213.

Thêm vào đó, Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries cho biết ông kỳ vọng dự luật sẽ giành được sự ủng hộ từ phe của mình - mặc dù nhiều người ở phe cánh tả có thể bỏ phiếu "chống".

Nghị sĩ Raul Grijalva, thành viên cấp tiến của đảng Dân chủ, bình luận trên Twitter rằng, những thay đổi của dự luật đối với các quy tắc môi trường là "đáng lo ngại và vô cùng thất vọng".

Theo ông Grijalva, một yếu tố trong dự luật sẽ đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng. Dự luật cũng sẽ thu hồi các quỹ phòng chống Covid-19 chưa sử dụng và siết chặt quy định đối với các chương trình hỗ trợ lương thực cho người nghèo.

Ngoài ra, dự luật sẽ rút bớt nguồn thu từ Cơ quan thu thuế liên bang (IRS), mặc dù các quan chức Nhà Trắng trước đó nói rằng không nên cắt giảm việc thu thuế trong thời gian tới.

Thị trường tài chính Mỹ ghi nhận phản ứng tích cực ban đầu sau khi Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đạt được "thỏa thuận về nguyên tắc" về nâng trần nợ công trong cuộc điện đàm tối muộn ngày 27/5.

Giới phân tích đã cảnh báo trước đó rằng, thị trường sẽ rơi vào hỗn loạn nếu Mỹ không thể thanh toán các khoản nợ (dưới dạng chứng khoán bán ra cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp và các chính phủ), vốn là nền tảng của hệ thống tài chính toàn cầu.

Một số nhà đầu tư lưu ý, việc cắt giảm chi tiêu theo đề xuất của Chủ tịch Hạ viện McCarthy có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Mỹ, nên họ đang chuẩn bị cho những sóng gió tiềm ẩn trên thị trường trái phiếu.

Trái lại, các đảng viên Cộng hòa lập luận rằng, việc cắt giảm mạnh chi tiêu là cần thiết để hạn chế sự gia tăng của con số nợ quốc gia 31,4 nghìn tỷ USD, tương đương với sản lượng hàng năm của nền kinh tế Mỹ.

Theo dự báo của Chính phủ Mỹ, khoản lãi phải trả cho các khoản nợ được dự đoán sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong chi tiêu ngân sách trong những thập kỷ tới khi dân số già đi khiến chi phí y tế và hưu trí tăng cao.

Trong khi đó, dự luật được cho là sẽ không làm bất cứ điều gì để kiềm chế các khoản chi phí tăng nhanh nêu trên. Hầu hết các khoản tiết kiệm sẽ đến từ việc giới hạn chi tiêu cho các chương trình trong nước, bao gồm: nhà ở, kiểm soát biên giới, nghiên cứu khoa học, và các khoản chi tiêu "tùy ý" khác. Riêng chi tiêu cho quân sự sẽ được phép tăng trong hai năm tới.

Vướng mắc trần nợ công, Mỹ có thể bị hạ bậc tín nhiệm
Fitch Ratings cho biết, Công ty có thể hạ bậc tín nhiệm từ mức AAA hiện tại của Mỹ nhằm phản ánh những lo ngại liên quan tới tình hình chính trị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư