Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Mỹ thanh tra cá da trơn, DN Việt ứng phó thế nào?
Bách Quang - 09/07/2014 08:23
 
Đầu năm nay, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Luật Nông nghiệp 2014 bổ sung Chương trình Thanh tra cá da trơn mới nhằm bảo hộ sản xuất trong nước từ sự cạnh tranh của các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tìm thêm cửa sống
Dự luật của Mỹ lại làm khó cá da trơn Việt Nam
Xuất khẩu tôm gánh nặng thuế trùng thuế

Ông Sesto Vecchi, thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), đồng thời là Luật sư điều hành của Công ty Luật Russin&Vecchi trao đổi về tác động của chương trình này đối với việc xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam.

   
  Ông Sesto Vecchi, thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam  

Được biết, AmCham đã gửi thư đến nhiều vị lãnh đạo của Quốc hội Hoa Kỳ bày tỏ mối quan ngại rằng, Chương trình Thanh tra cá da trơn sẽ gây trở ngại cho việc xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn Việt Nam sẽ gặp những bất lợi gì từ chương trình này, thưa ông?

Trước khi Chương trình Thanh tra cá da trơn mới được thực hiện, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) có trách nhiệm thanh tra các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, Quốc hội Hoa Kỳ đã có một sự chuyển dịch rất bất thường, khi chuyển giao thẩm quyền thanh tra cá da trơn từ FDA sang Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), cơ quan có trách nhiệm thanh tra các sản phẩm thịt của các động vật sống trên cạn như thịt bò, thịt heo, thịt gia cầm và trứng.

Do các động vật trên cạn có khả năng gây bệnh truyền nhiễm cho con người nhiều hơn thủy sản, nên USDA áp dụng thủ tục thanh tra phức tạp và nghiêm ngặt hơn nhiều so với FDA. Vì vậy, các quy định mới của USDA sẽ đặt gánh nặng nhiều hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn so với các quy định trước đây của FDA.

Một vấn đề khác nữa là USDA không có kinh nghiệm và chuyên môn về thanh tra các sản phẩm thủy sản, điều này có thể gây tổn thất nghiêm trọng cho cá da trơn nhập khẩu.

Thưa ông, Quốc hội Hoa Kỳ giải thích thế nào về việc giao thẩm quyền thanh tra các sản phẩm cá da trơn cho USDA?

Lý do chính được đưa ra cho sự thay đổi này là các cơ sở sản xuất cá da trơn nước ngoài lạm dụng thuốc kháng sinh và thuốc chống nấm và rằng, FDA không kiểm tra nghiêm ngặt các thuốc kháng sinh bị cấm sử dụng.

Tuy nhiên, AmCham lưu ý rằng, các nhà nuôi trồng thủy sản có vỏ, cá hồi và những loại thủy sản khác cũng phụ thuộc vào thuốc kháng sinh, nhưng Quốc hội chỉ tách cá da trơn để thay thế cơ quan thanh tra là USDA. AmCham cũng lưu ý rằng, có nhiều cách để giải quyết vấn đề này, ngoài cách thức chuyển đổi cơ quan thanh tra mới một cách quyết liệt và mang tính phá hủy như thế này.

Một số người ủng hộ Quốc hội Hoa Kỳ về Chương trình Thanh tra Cá da trơn mới đã công khai bày tỏ hy vọng rằng, sự thay đổi này sẽ giúp ích cho nền công nghiệp cá da trơn của Hoa Kỳ. Thực tế, việc chuyển dịch trên dường như được thúc đẩy bởi chủ nghĩa bảo hộ nền kinh tế trong nước hơn là sự quan ngại về sức khỏe thực sự, bởi FDA được đánh giá là đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an toàn cá da trơn nhập khẩu trong thời gian qua. FDA đã xử lý tốt hàng ngàn tấn sản phẩm cá da trơn Việt Nam nhập khẩu trong hơn hai thập niên vừa qua, với những ghi nhận về an toàn đáng chú ý. 

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn có thể làm gì tại thời điểm này để bảo vệ việc kinh doanh của họ?

Có nhiều cách để Việt Nam phản đối chương trình thanh tra mới này của USDA, trong đó Việt Nam có thể sử dụng các kênh ngoại giao để làm việc với Hoa Kỳ. Chúng tôi biết rằng, Việt Nam đã đưa ra những quan ngại về chương trình này trong các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Không may là chương trình này đã được quy định trong Luật Nông nghiệp 2014 của Hoa Kỳ, nên bước tiếp theo là cố gắng giảm thiểu thiệt hại gây ra. Có lẽ con đường hứa hẹn nhiều hơn là làm việc các cơ quan lập pháp Hoa Kỳ (những người được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình Thanh tra cá da trơn), đồng thời tham gia một cuộc đối thoại với các cơ quan lập pháp khi họ soạn thảo các quy tắc thực hiện chương trình này.

Sắp tới, các cơ quan lập pháp Hoa Kỳ sẽ công bố Dự thảo Quy tắc sơ bộ liên quan đến Chương trình Thanh tra cá da trơn mới của USDA để lấy ý kiến góp ý của công chúng và sau đó sẽ đưa ra dự thảo cuối cùng. Quá trình này tạo cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn Việt Nam cơ hội bày tỏ quan điểm của họ.

Các cơ quan lập pháp liên bang có thể khá cởi mở với tranh luận của các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn Việt Nam. Mặc dù những người tạo ra chương trình có ý tưởng sử dụng chương trình như một phương tiện để bảo hộ, nhưng các cơ quan lập pháp không nhất thiết phải chia sẻ mục tiêu này.

Các cơ quan lập pháp có thể tiếp nhận các đề xuất từ các doanh nghiệp nhập khẩu việc về làm cách nào để giảm thiểu thiệt hại gây ra do chương trình mới này. Tuy nhiên, nền công nghiệp cá da trơn Việt Nam cần phải tham gia một cách tích cực để tận dụng thời gian lấy ý kiến góp ý pháp luật này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư