Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 12 năm 2024,
Mỹ xem xét đưa thêm 200 công ty chip Trung Quốc vào "danh sách đen" thương mại
T.T - 29/11/2024 13:41
 
Trung Quốc cảnh báo nước này sẽ thực hiện các “hành động cần thiết” để bảo vệ những doanh nghiệp Trung Quốc nếu Mỹ gia tăng các biện pháp kiểm soát chip.
Sản phẩm chip của Công ty Semiconductor Manufacturing International Corp - SMIC. (Ảnh: Reuters)
Sản phẩm chip của Công ty Semiconductor Manufacturing International Corp - SMIC, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Ngày 28/11/2024, Trung Quốc cảnh báo nước này sẽ thực hiện các “hành động cần thiết” để bảo vệ những doanh nghiệp Trung Quốc nếu Mỹ gia tăng các biện pháp kiểm soát chip.

Động thái diễn ra sau thông tin Chính phủ Mỹ có thể công bố các hạn chế xuất khẩu mới ngay trong tuần này.

Tuần trước, Phòng Thương mại Mỹ đã thông báo qua email tới các thành viên rằng chính phủ đang xem xét đưa thêm tới 200 công ty chip của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại. Điều này sẽ ngăn cản hầu hết các nhà cung cấp Mỹ xuất khẩu sản phẩm cho những công ty này.

Khi được hỏi về thông tin trên tại một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc, ông He Yadong, đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc "phản đối mạnh mẽ" việc Mỹ mở rộng khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng các biện pháp kiểm soát nhắm vào những công ty Trung Quốc.

Giữa những lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ tiên tiến để tăng cường sức mạnh quân sự, Mỹ đã siết chặt các biện pháp kiểm soát đối với những linh kiện bán dẫn.

Ông He Yadong cho rằng hành động trên sẽ gây gián đoạn nghiêm trọng đến trật tự kinh tế và thương mại quốc tế, gây bất ổn an ninh công nghiệp toàn cầu và làm tổn hại đến các nỗ lực hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Ông He khẳng định rằng nếu Mỹ tiếp tục leo thang các biện pháp kiểm soát, Trung Quốc sẽ thực hiện những hành động cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Hãng tin Bloomberg đưa tin chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét các biện pháp hạn chế bổ sung đối với việc bán thiết bị bán dẫn và chip nhớ AI cho Trung Quốc.

Theo các nguồn tin thân cận, đề xuất mới nhất sẽ áp dụng lệnh trừng phạt ít hơn đối với các nhà cung cấp của Huawei so với kế hoạch ban đầu, đặc biệt là loại trừ ChangXin Memory Technologies, công ty đang nỗ lực phát triển công nghệ chip nhớ AI.

Đề xuất mới cũng nhắm đến hai nhà máy chip thuộc sở hữu của Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), đối tác của Huawei, và hơn 100 công ty Trung Quốc sản xuất thiết bị chế tạo bán dẫn, thay vì các chip bán dẫn.

Tổng thống Biden dự kiến sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 1/2025 và nhiều người lo ngại khi nhậm chức, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thực hiện cam kết áp thuế bổ sung đối với Trung Quốc và dẫn đến một cuộc chiến thương mại.

Mới đây, ông Trump cam kết sẽ áp thêm 10% thuế đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, ngoài các mức thuế đã có từ trước. Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng phản đối và cho rằng các mức thuế này sẽ không giải quyết được những vấn đề nội bộ của Mỹ.

Trung Quốc đã nỗ lực mở rộng sản xuất bán dẫn trong bối cảnh cạnh tranh với Mỹ. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu TechInsights của Canada, tỷ lệ tự cung tự cấp bán dẫn của Trung Quốc đã tăng từ khoảng 14% năm 2014 lên 23% năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 27% vào năm 2027.

Một nhà phân tích trong ngành cho rằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng của các công ty Trung Quốc về lâu dài. Thị trường bán dẫn của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng thêm 50% vào năm 2027, lên gần 200 tỷ USD.

Mỹ áp đặt "hạn chế nghiêm ngặt" đối với nhà sản xuất chip Trung Quốc
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hôm 15/12 rằng, họ đang "hạn chế nghiêm ngặt" hàng chục tổ chức chủ yếu liên quan đến Trung Quốc,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư