Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Năm 2017, CPI dự kiến chỉ tăng 5%
Mạnh Bôn - 27/09/2016 09:32
 
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2016 tăng 3,14% so với tháng 12/2015. Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) vẫn khẳng định, năm 2016, CPI chỉ tăng 5% và năm 2017, CPI dự kiến cũng chỉ tăng 5%.
TIN LIÊN QUAN

Báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2016, kế hoạch những tháng cuối năm tại Kỳ họp thứ nhất, Chính phủ cho rằng, năm nay khó có thể đạt được mục tiêu CPI tăng 5%. Thưa bà, nhận định này liệu có thay đổi?

CPI tháng 6/2016 (so với tháng 12/2015) tăng 2,35% và cộng thêm nhiều yếu tố bất lợi khác, đặc biệt là tình hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản không thuận, tình trạng ô nhiễm biển tại 4 tỉnh miền Trung… Vì vậy, trong Báo cáo trình Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ cho rằng, lạm phát 6 tháng đầu năm được kiểm soát, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao do có nhiều yếu tố cả đầu vào và tổng cầu sẽ gây áp lực tăng giá trong thời gian tới, nên lạm phát cả năm có thể vượt mục tiêu 5% đề ra.

.
.

Tuy nhiên, CPI 9 tháng đầu năm chỉ tăng 3,14%, nên 3 tháng cuối năm vẫn còn nhiều dư địa (1,86 điểm phần trăm). Bình quân mỗi tháng có thể tăng 0,62 điểm phần trăm, cao hơn mức tăng bình quân của 9 tháng đầu năm.

Nhưng 3 tháng cuối năm vẫn còn rất nhiều yếu tố tác động khiến CPI tăng cao hơn?

Đúng là có một số áp lực lên CPI trong quý IV.

Thứ nhất, dịch vụ y tế vẫn tiếp tục lộ trình tăng giá.

Thứ hai, giá xăng dầu tiếp tục xu hướng tăng kể từ đầu quý II.

Thứ ba, năm nay, Tết Nguyên đán Đinh Dậu khá sát với tháng 12/2016. Mặc dù trong những năm gần đây, người dân không mua dồn dập hàng hóa, tích trữ hàng hóa vào dịp trước và trong Tết Nguyên đán, nhưng nhu cầu những mặt hàng thiết yếu trong dịp trước và trong Tết Nguyên đán vẫn cao hơn rất nhiều so với các tháng khác trong năm, nên tạo sức ép tăng CPI.

Thứ tư, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn theo xu hướng quý sau tăng cao hơn quý trước, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm nay không đạt mục tiêu đặt ra và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015. Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trường GDP năm nay là 6,7%. Để đạt được mục tiêu đó, những tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải tập trung đầu tư, khiến cầu đầu tư tăng, nên cũng làm tăng áp lực đối với CPI.

Tuy nhiên, với những diễn biến trong thời gian vừa qua và dự báo thời gian tới, tôi cho rằng, năm nay CPI vẫn giữ được ở mức tối đa là 5%.

CPI tăng thấp là do yếu tố của thị trường hay do có sự chỉ đạo của các bộ, ngành, thưa bà?

Theo tôi là cả hai, cả do yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Khách quan là giá cả các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định, một số mặt hàng là đầu vào của nền kinh tế giảm mạnh, như nhiên liệu, chất đốt, sắt thép...

Còn về nguyên nhân chủ quan, đúng là có sự chủ động điều hành kiểm soát lạm phát của các bộ, ngành, địa phương. Đó là sự chủ động điều chỉnh giá các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý, đặc biệt là giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục.

Cụ thể, theo Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thì năm nay phải tăng giá dịch vụ y tế 4 đợt, nhưng do nhiều yếu tố đang gây áp lực lên CPI, nên từ đầu năm đến nay, mới chỉ có 16 tỉnh, thành phố có tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 85% mới điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

Đáng ra, trong tháng 9 này, một số địa phương sẽ tăng giá dịch vụ y tế, nhưng do tháng 9 là tháng bước vào năm học mới, nhu cầu tiêu dùng của xã hội tăng, cộng với việc các cơ sở giáo dục điều chỉnh học phí theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, nên các địa phương tạm dừng tăng giá dịch vụ y tế. Nếu cả giá dịch vụ giáo dục và y tế cùng tăng sẽ gây áp lực rất lớn lên CPI.

Chính phủ sẽ trình Quốc hội Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 vào ngày khai mạc Kỳ họp thứ 2 (ngày 20/10). Thưa bà, trong Kế hoạch năm 2017, CPI dự kiến tăng bao nhiêu?

Trong những tháng cuối năm nay và cả năm 2017 sẽ có nhiều yếu tố tác động lên CPI, cả tác động tăng lẫn tác động giảm. Nhưng với sự chủ động điều hành, chủ động kiểm soát, CPI năm tới cũng chỉ tăng khoảng 5%. CPI tăng 5% là phù hợp với thực tế, với nền kinh tế đang phát triển, góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng GDP.

Nhìn vào diễn biến CPI và lạm phát cơ bản, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước đừng can thiệp thì tốt hơn, vì như vậy, CPI phản ánh đúng thị trường?

Lạm phát cơ bản (không tính sự biến động của giá lương thực, thực phẩm, năng lượng và hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý) trong 9 tháng đầu năm tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2015 và từ đầu năm đến nay, lạm phát cơ bản khá ổn định, dao động từ 1,65% đến 1,85% và không có sự chênh lệch nhiều so với CPI.

Hiện tại, mặt hàng năng lượng đã theo sát thị trường. Còn đối với giá dịch vụ y tế và giáo dục, trước đây, Nhà nước bao cấp, nên giá cả không phản ánh giá thị trường. Nhưng kể từ năm 2011 trở lại đây, giá 2 dịch vụ thiết yếu này được điều chỉnh tăng dần dần theo lộ trình và tiến tới (vào năm 2020) bám sát giá thị trường. Cơ sở y tế, giáo dục được tính toàn bộ chi phí, cộng thêm lợi nhuận hợp lý để đầu tư vào giá dịch vụ y tế, giáo dục, nhưng phải thực hiện theo lộ trình. Nếu không, các cơ sở y tế, giáo dục tăng giá ào ạt sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân và tác động rất mạnh tới CPI.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư