Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Năm 2018, lượng kiều hối của người di cư, tị nạn toàn cầu đạt mức cao kỷ lục
Lê Nguyễn (DNSG) - 07/01/2019 21:25
 
Theo Laura Palatini - viên chức thuộc Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM: International Organisation for Migration), trong năm 2018, người di cư, tị nạn trên thế giới đã gửi về nước của họ 466 tỷ USD - con số kỷ lục từ trước đến nay.

Hiện có trên 1 tỷ người đã rời khỏi quê quán của họ, trong đó khoảng 258 triệu người sống ở ngoài nước, 760 triệu người thuộc thành phần di trú nội địa. Theo nhà nghiên cứu Valéry Paternotte thuộc tổ chức Réseau Financité (Bỉ), khoản tiền họ gửi về cho thân nhân, bạn bè trong năm qua lớn gấp 3 lần ngân sách viện trợ phát triển hằng năm trên toàn cầu.

Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn về sự phân bố khoản tiền 466 tỷ USD đó. Chẳng hạn ở Bỉ, 38% số tiền – hàng được gửi về Pháp, chỉ có 4% gửi về Luxembourg và không tới 1% gửi về các nước Senegal, Congo, Rwanda và Bangladesh.

Theo nhận định của các nhà kinh tế, số tiền – hàng gửi về từ nước ngoài là nguồn thu nhập cần thiết cho khoảng 750 triệu người trên thế giới. Một kết quả nghiên cứu tiến hành tại 71 nước đang phát triển cho thấy khi số tiền – hàng gửi về tăng 10% thì số người sống với thu nhập dưới 1 USD/ngày giảm đi 3,5%. 

Có thể khẳng định rằng đó là nguồn thu nhập ổn định ở các nước đang phát triển không bị tác động bởi những cú sốc về kinh tế hay những chu kỳ thăng – trầm của nền kinh tế. Tuy nhiên, khoản tiền khổng lồ hằng năm đó đã không làm thay đổi được cơ cấu của những nền kinh tế vốn nghèo nàn. Bởi các trở ngại chính là:

Thứ nhất, những đồng tiền trên chỉ để tiêu dùng, không để đầu tư nhằm góp phần phát triển nền kinh tế. Điều này không khó hiểu: trong những quốc gia kém phát triển nhất, số người trưởng thành có tài khoản ngân hàng chiếm không quá 1/3, tiền lãnh xong sẵn sàng tiêu pha bất cứ lúc nào. Thêm vào đó, các ngân hàng chỉ thích mở chi nhánh ở những khu vực phát triển trong nước, bỏ rơi khu vực nông thôn là nơi tiếp nhận phần lớn tiền – hàng từ nước ngoài gửi về.

Thứ hai, nhờ vào những khoản tiền gửi về, người dân tự cảm thấy có thể duy trì cuộc sống mà không cần có sự hỗ trợ của chính phủ. Khi một chính phủ bỏ thói quen lắng nghe người dân, tương lai của đất nước đó trở thành bất định.

Kiều hối không “ngại” Fed tăng lãi suất
Kiều hối chuyển về Việt Nam vẫn tiếp tục tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) 2 lần tăng lãi suất USD trong 6 tháng đầu năm nay và lãi suất huy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư