Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Năm 2023, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7,5-8%
Lê Quân - 08/12/2022 18:50
 
Năm 2023, dự báo sức ép lạm phát vẫn rất lớn, tỷ giá và lãi suất tăng, thị trường tài chính, chứng khoán còn tiềm ẩn rủi ro…nên TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7,5-8%.

Phát biểu trước phiên chất vấn tại kỳ họp thứ tám, HĐND TP. HCM khóa X chiều 8/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã khái quát tình hình kinh tế, xã hội năm 2022 và nhiệm vụ năm 2023 của Thành phố.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, điểm sáng kinh tế của Thành phố năm 2022 là tăng trưởng GRDP đạt 9,02%; thu ngân sách vượt trên 18% (đạt hơn 457.000 tỷ đồng).

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp HĐND chiều 8/12
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp HĐND chiều 8/12

Dù vậy, kinh tế TP.HCM vẫn có “điểm xám” khi cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến tồn đọng nhiều năm.

Từ đầu quý IV/2022, tình hình tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp lãi suất có nhiều biến động; nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn về đơn hàng, nguồn vốn; thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt là tâm lý e dè, ngại trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước và cán bộ viên chức làm đình trệ công việc.

Ông Phan Văn Mãi đánh giá, năm 2023 dự báo sức ép lạm phát vẫn rất lớn, tỷ giá và lãi suất tăng, giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh; thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu có xu hướng tăng (khả năng xảy ra khủng hoảng thanh khoản).

Về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023, Thành phố đã đưa ra nhiều kịch bản và chọn kịch bản tăng trưởng từ 7,5-8% là phù hợp với tình hình.

Để đạt được mục tiêu đề ra, chính quyền TP.HCM sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, nâng cao khả năng hấp thụ vốn.

Thành phố sẽ tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoàn thành thủ tục để sớm xây dựng Khu công nghệ cao giai đoạn 2, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân; triển khai có kết quả bước đầu Đề án logistics; Đề án phát triển kinh tế ven sông – kinh tế đêm…

Về hạ tầng, năm 2023 Thành phố tập trung hoàn thành dự án metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên), khởi công đường Vành đai 3; hoàn thành hồ sơ chuẩn bị đầu tư khép kín đường Vành đai 2; cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, cầu Thủ Thiêm 3, 4, cầu Cần Giờ…

Sản xuất chip của Công ty Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: Lê Toàn
Sản xuất chip của Công ty Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: Lê Toàn

Trong phần trả lời chất vấn các đại biểu HĐND liên quan đến vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, Chủ tịch TP.HCM cho biết, hiện nay cơ cấu kinh tế của Thành phố kinh tế dịch vụ chiếm tỷ trọng trên 60%, công nghiệp chiếm tỷ trọng 22%.

Dựa trên các cơ cấu này, Thành phố sẽ tái cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung phát triển các dịch vụ hiện đại, giá trị gia tăng cao, gắn với tri thức; phát triển công nghiệp công nghệ cao đổi mới sáng tạo, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để thực hiện các mục tiêu nói trên, TP.HCM đang xem xét để thông qua Đề án tái cơ cấu các khu công nghiệp nhằm thu hút các ngành công nghệ cao, ít thâm dụng lao động.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư