Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Năm bứt phá 2019: Nỗ lực tối đa, vượt qua thách thức
Kỳ Thành - 22/05/2019 08:37
 
Xác định năm 2019 là năm bứt phá hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Chính phủ đánh giá, nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm là rất nặng nề.
.
.

Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp được củng cố

Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đầu tuần này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, cử tri, nhân dân phấn khởi trước những kết quả toàn diện về kinh tế - xã hội của đất nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, với kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Theo Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, Việt Nam đã đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 3 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu vượt.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,2%; xuất siêu 6,8 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.

Đáng chú ý, tình trạng bội chi ngân sách giảm mạnh, xuống 3,46% GDP, trong khi thu ngân sách nhà nước vượt 8% so với dự toán; nợ công ở mức 58,4% GDP.

Về kết quả đạt được trong những tháng đầu năm, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục. Tăng trưởng GDP quý I đạt 6,79%.

Cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, đến nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội được củng cố.

Còn nhiều thách thức

Xác định năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, nhưng Chính phủ cũng chỉ rõ, trong thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; rủi ro và bất ổn gia tăng, nhất là xung đột thương mại, điều chỉnh chính sách giữa các nước lớn và những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế; cạnh tranh ngày càng gay gắt trên nhiều mặt.

Trong khi đó, nền kinh tế nước ta còn những hạn chế, yếu kém; tính độc lập, tự chủ, khả năng chống chịu, tiềm lực và năng lực cạnh tranh chưa cao...

Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề nội tại, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân cũng là nội dung được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc nêu rõ tại kỳ họp lần này, như vấn đề như an toàn thực phẩm; ô nhiễm môi trường; việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu...

Trao đổi tại hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cho rằng, thách thức lớn nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, việc triển khai các dự án còn chậm so với kế hoạch, nợ xấu ngân hàng, diễn biến giá xăng dầu rất khó lường... Do đó, đòi hỏi phải theo dõi và kiểm soát chặt chẽ.

Cần hết sức lưu tâm, bám sát diễn biến, tình hình, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra.

“Nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2019 và trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là rất nặng nề”, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ.

Để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, Phó thủ tướng thường trực yêu cầu các bộ, ngành cần nỗ lực tối đa, phấn đấu với quyết tâm cao nhất, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng mọi cơ hội trong và ngoài nước để phát triển. Trong đó, cần hết sức lưu tâm, bám sát diễn biến, tình hình, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra.

Đồng thời, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, nhất là 4 trọng tâm và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, các nhiệm vụ cụ thể tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, các nghị quyết khác của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo thông tin về chương trình làm việc, sáng nay (22/5), Quốc hội thảo luận tại tổ để đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Buổi chiều, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Ưu tiên 3 nhóm trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô
Hôm nay (20/5), trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư