Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nam Định là điểm sáng trong việc xây dựng Chính phủ điện tử
Hữu Tuấn - 25/05/2016 22:09
 
Với việc triển khai Chính phủ điện tử có tính đột phá, mang tính thực tiễn và hiệu quả cao, tỉnh Nam Định đang trở thành hình mẫu xây dựng Chính quyền điện tử và được nhiều địa phương tìm đến tham quan, học tập. Nam Định cũng là tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn làm tỉnh thí điểm triển khai Chính phủ điện tử.

Điểm sáng Chính phủ điện tử

Sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT) giai đoạn 2014 - 2020 với UBND tỉnh Nam Định, Tập đoàn VNPT đã nỗ lực, tích cực triển khai toàn diện các hạng mục hợp tác.

Theo đó, VNPT đã triển khai mạng cáp quang rộng khắp toàn tỉnh, kết nối đến 100% UBND các cấp, 100% sở, ngành, huyện, thành phố, đáp ứng nhu cầu sử dụng mạng truyền số liệu, sử dụng Internet, góp phần làm tiền đề để tỉnh Nam Định triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ (hệ thống quản lý văn bản điều hành điện tử, cổng thông tin điện tử, truyền hình hội nghị, hệ thống thông tin ngành giáo dục, hệ thống thông tin ngành y tế…).

Cùng với đó, VNPT đã phối hợp triển khai xây dựng hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định, Văn phòng Đại biểu Quốc hội, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Ngân hàng Nhà nước, để kết nối trực tuyến từ Trung ương đến tỉnh/huyện, giúp việc hội họp của Tỉnh ủy, UBND, các ngành, các cấp triển khai nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí.

Trong việc triển khai Chính phủ điện tử, các hạng mục như email công vụ, Quản lý văn bản và điều hành công việc, Cổng thông tin điện tử (vnPortal), hệ thống Một cửa liên thông (VNPT-iGate) đã được triển khai thử nghiệm từ đầu năm 2015 tới các huyện như Nam Trực, Hải Hậu, Trực Ninh.

Theo đánh giá từ các đơn vị sử dụng và người dân, doanh nghiệp, các phần mềm này đã đáp ứng được yêu cầu giúp tăng cường năng lực quản lý, điều hành và hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, tạo môi trường minh bạch, tăng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và được người dân các đơn vị sử dụng đánh giá cao.

Với những kết quả tích cực, các hoạt động trên đã và đang được triển khai mở rộng ra 14 sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh Nam Định. Tính đến hết ngày 31/3/2016, trên hệ thống của VNPT đã có gần 2.500 tài khoản đăng ký sử dụng hệ thống email, phần mềm Quản lý văn bản với gần 4.000 tài khoản sử dụng, gần 10.000 văn bản phát hành và gần 6.000 tin nhắn, phần mềm Một cửa liên thông với trên 1.400 hồ sơ.

Dự kiến đến hết tháng 6/2016, sẽ triển khai Chính phủ điện tử cho 20 đơn vị thuộc tỉnh Nam Định và đến hết năm 2016 sẽ có 100% đơn vị thuộc tỉnh Nam Định hoàn thành triển khai Chính phủ điện tử theo đúng tiến độ của Chính phủ giao.

Đặc biệt, sau khi có chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ về kết nối, liên thông 4 cấp, Nam Định là một trong những đơn vị đầu tiên kết nối liên thông phần mềm Quản lý văn bản (VNPT-iOffice) trong nội tỉnh và liên thông vào trục của Văn phòng Chính phủ.

Hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực

Không chỉ giúp Nam Định xây dựng thành công Chính quyền điện tử, VNPT đã xây dựng Hệ thống quản lý bệnh viện VNPT-His, đáp ứng các yêu cầu quản lý tổng thể của đơn vị sử dụng, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước. Thông qua hệ thống VNPT-His, các cơ sở khám chữa bệnh có thể kết xuất các báo cáo thanh quyết toán bảo hiểm y tế nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ hiệu quả cho ngành y tế trong công tác quản lý và điều hành.

Đến nay, 140 trạm y tế xã, phường, 4 phòng khám đa khoa, 2 bệnh viện đa khoa huyện đã hoàn thành tập huấn phần mềm liên thông VNPT-His và dự kiến đến hết tháng 6/2016, 100% cơ sở y tế được kết nối liên thông khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế.

Trong lĩnh vực giáo dục, Hệ thống mạng giáo dục Việt Nam (vnEdu) đã được triển khai đến 120 trường học, với số lượng gần 30.000 sổ liên lạc điện tử. Đối với bảo hiểm xã hội, đã có hơn 850 đơn vị, cơ quan trong tỉnh sử dụng cổng I-VAN của VNPT để kê khai bảo hiểm xã hội qua mạng. Còn với hoạt động khai báo thuế qua mạng, đã có hơn 2.000 đơn vị, cơ quan trong tỉnh đã sử dụng dịch vụ chữ ký số VNPT-CA do VNPT cung cấp.

Không những thế, trong 5 năm qua, VNPT đã kết nối và hỗ trợ kỹ thuật cho tỉnh Nam Định trên 350 cuộc họp trực tuyến từ Trung ương đến tỉnh…

Có thể thấy rằng, qua việc hợp tác toàn diện với VNPT, tỉnh Nam Định đã đưa vào ứng dụng trong các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp các phần mềm Chính quyền điện tử tiên tiến, hiện đại, góp phần đẩy nhanh cải cách hành chính, tăng hiệu suất công việc, tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh cao và được người dân đánh giá cao.

Trong thời gian tới, để lộ trình triển khai Chính phủ điện tử tại Nam Định “về đích đúng hẹn”, UBND tỉnh Nam Định đã kiến nghị sớm được bố trí vốn để thực hiện Dự án Phát triển hạ tầng khung Chính phủ điện tử tỉnh Nam Định giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ các nguồn lực cần thiết cho tỉnh xây dựng thành công Chính phủ điện tử.

Về phía VNPT, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, khắc phục những khó khăn, sát cánh đồng hành xây dựng thành công Chính quyền điện tử cho tỉnh Nam Định. VNPT cũng đề xuất Chính phủ sớm ban hành những hướng dẫn về cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể về cơ chế tài chính, giá thuê, thầu…, nhằm tạo thuận lợi cho VNPT và các tỉnh, thành phố triển khai dịch vụ thuê ngoài CNTT theo quy định của Chính phủ.

Được biết, ngoài Nam Định, VNPT đã triển khai giải pháp Chính phủ điện tử do VNPT thực hiện cho nhiều UBND tỉnh, thành phố như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Nghệ An, Lâm Đồng, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre…

“Chiến binh thầm lặng” VNPT-Net
Ở một VNPT-Net mới “thôi nôi” giờ đây không chỉ có sự đổi thay đáng ngạc nhiên từ tư duy, cung cách phục vụ vì khách hàng của nhân viên…
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư