Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Nằm gần thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal, doanh nghiệp Việt vẫn chưa có "phần bánh" ngon
Hoài Sương - 15/09/2022 23:33
 
1,9 tỷ người Hồi giáo trên thế giới đã chi gần 2 nghìn tỷ USD vào các ngành Halal như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, du lịch và giải trí…
Thị trường rộng lớn
Chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy hợp tác thương mại Indonesia – Việt Nam” do ITPC phối hợp với Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Indonesia TP.HCM tổ chức ngày 15/9, ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự nước Cộng hòa Indonesia tại TP. HCM cho biết, Indonesia là quốc gia có số dân theo Hồi giáo lớn nhất thế giới. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm Halal của Indonesia đã đạt 220 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến tăng lên 330,5 tỷ USD vào năm 2025…
"Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt", ông Agustaviano Sofjan nhận định.
Cơ hội này không chỉ ở trong biên giới Indonesia. Với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người (chiếm 66% tổng số người Hồi giáo trên thế giới) khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương hiện đang tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới với khoảng 470 tỷ USD, trong đó Đông Nam Á là 230 tỷ USD, Nam Á – Nam Thái Bình Dương là 238 tỷ USD.
Ngoài ra, nền công nghiệp Halal hiện rất đa dạng với nhiều sản phẩm, dịch vụ như bánh kẹo, thực phẩm, đồ uống, sản phẩm từ sữa, thực phẩm hữu cơ, thảo dược, mỹ phẩm, dược phẩm, nước hoa, ngân hàng, du lịch, logistics và chuỗi cung ứng… .
doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm tại hội thảo
Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm tại Hội thảo

Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thuỷ sản lớn trên thế giới, nằm ở vị trí địa lý gần những thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal tiềm năng. Có thể nói, thị trường Halal hiện tại là “miếng bánh” khổng lồ cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, nâng cao sản lượng xuất khẩu. 
Doanh nghiệp Việt chỉ mới “khai phá”
Ông Trần Phú Lữ, Phó giám đốc phụ trách ITPC chia sẻ: “Thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới được đánh giá lên tới 1.500 tỷ USD, thế nhưng, năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn khá khiêm tốn, mới chỉ đạt khoản 10,5 tỷ USD trong năm 2021”.
Trên thực tế, xuất khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp Việt vào thị trường Halal mới chỉ là bước đầu khai phá, chưa thực sự chiếm được thị phần đáng kể. Mỗi năm, nước ta có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm.
Bà Võ Ngọc Gia Cát, đại diện Công ty TNHH TM & SX Trà Cát Nghi cho biết: “Hiện tại, doanh nghiệp đã xuất khẩu trà khoảng 1 nghìn tấn/năm tại Malaysia và một số lượng nhỏ sang Indonesia, trong đó có thị trường Halal”.

Tuy nhiên, các sản phẩm xuất sang thị trường Halal cũng chỉ là sản phẩm thô như trà xanh, trà đen, trà ô long… những thành phẩm đã được chế biến, đóng gói vẫn chưa đủ điều kiện vì đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư thời gian và chi phí để nghiên cứu nhu cầu, khẩu vị sử dụng của người Hồi giáo, bà Cát cho biết thêm. 
Bà Phạm Thị Diễm Lệ, đại diện Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị cho biết, rất khó khăn khi tìm kiếm đối tác trong thị trường Halal để thâm nhập và đưa sản phẩm đến với người Hồi Giáo.  
Hỗ trợ để đạt chứng nhận Halal
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc Marketing Văn phòng chứng nhận Halal – HCA Việt Nam cho biết, hiện nay có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), 2,2 tỷ người Hồi giáo đang sinh sống tại 112 quốc gia trên thế giới (chiếm 25% dân số thế giới) và có tốc độ phát triển 2,9%/năm. Đây là thị trường có văn hóa kinh doanh đặc biệt và thường yêu cầu phải có chứng nhận Halal đối với ngành hàng thực phẩm.
Việc đăng ký chứng chỉ Halal giúp doanh nghiệp có thể đáp ứng được các yêu cầu khi xuất khẩu vào các quốc gia Hồi giáo, được người Hồi giáo tin tưởng mua, sử dụng mà không do dự. 
Về điều kiện chung để sản phẩm được chứng nhận Halal, doanh nghiệp cần đáp ứng được đồng thời hai điều kiện là nguyên liệu Halal và dây chuyền sản xuất Halal. Cụ thể, ngoài việc nguyên liệu, phụ gia, hóa chất… phải là Halal thì trên cùng một dây chuyền không được sản xuất lẫn lộn sản phẩm Halal và Haram. Việc đạt các yêu cầu vệ sinh và quản lý chất lượng sản phẩm HACCP, ISO 22000… là lợi thế.
Ngoài ra, doanh nhiệp cần tham gia các hội thảo, hội chợ… liên quan đến xúc tiến thương mại thị trường Halal để tìm hiểu nhu cầu của người Hồi giáo, từ đó đăng ký chứng nhận Halal, xuất khẩu sản phẩm trong thời gian sớm nhất. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp Việt tìm kiếm đối tác, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường…
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư