Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Năn nỉ doanh nghiệp vay vốn
Thùy Liên - 07/05/2013 15:12
 
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt khẳng định, trong tình hình hiện nay, ngân hàng phải chấp nhận lãi ít để nuôi doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT
Ngân hàng LienVietPostBank

Thưa ông, ngân hàng Vietcombank vừa hạ sâu lãi suất huy động xuống mức 6%/năm. Theo ông, đây có thể là mặt bằng lãi suất mới cho thị trường?

Lãi suất 7,5-10%/năm là mức chấp nhận được vì thời điểm này khó có thể kinh doanh mặt hàng nào đạt mức lãi như vậy. Nhưng nếu hạ trần lãi suất huy động xuống dưới 7%/năm thì phải cực kỳ cân nhắc. Hiện nay, chúng ta đang thỏa mãn vì hệ thống ngân hàng thừa tiền nhưng thực tế, bẫy thanh khoản vẫn rình rập. Nếu vấn đề thanh khoản xảy ra một lần nữa, rủi ro với hệ thống nguy hiểm hơn cả nợ xấu. Hạ lãi suất xuống quá thấp, sẽ xảy ra nguy cơ tiền sẽ chảy ra khỏi ngân hàng mà đổ vào chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ… Khi đó, khả năng nhiều ngân hàng lại phải lao vào cuộc đua tăng lãi suất huy động, gây bất ổn cho toàn hệ thống.

Nhiều DN vẫn cho rằng, lãi vay hiện nay quá cao. Ông có cho rằng, lãi suất là rào cản vay vốn với DN hiện nay?

Chúng ta đang trên đường chấm dứt lối làm ăn chụp giật. Nhiều DN trước đây là đại gia, nhưng giờ nếu tính số nợ trên tổng tài sản thì đã âm hết vốn. Với các DN này, dù lãi suất cho vay có 0%/năm thì vẫn không có khả năng trả nợ.

Tại LienVietPostBank, chúng tôi đã cho vay với lãi suất 7-8%/năm từ lâu. Tuy nhiên, loại doanh nghiệp nào cho vay với lãi suất 7%/năm, loại nào cho vay lãi suất 12%/năm thì phải cân đối cho phù hợp nguồn vốn. Hiện nay, dư nợ cho vay với lãi suất dưới 11%/năm của ngân hàng chúng tôi chiếm khoảng 30%. Chúng tôi xác định lãi ít để nuôi khách hàng, sau đó khách hàng khỏe sẽ vay ngân hàng nhiều hơn.

Nếu ví ngân hàng là cọc và doanh nghiệp là trâu thì chúng tôi đang trong cảnh “cọc đi tìm trâu”. Tại LienVietPostBank, chúng tôi phải chủ động tìm khách hàng, năn nỉ khách hàng vay vốn. Theo tôi, hiện trên thị trường có ba loại “trâu”. Loại thứ nhất đi tìm cọc nào tốt để gửi tiền, loại 2 xem xét cọc có “chơi” được không (tức lãi suất theo mức DN yêu cầu). Loại thức ba là giá nào cũng vay, vay xong rồi xin hạ lãi suất xuống. Chúng tôi đang đi tìm hai loại DN đầu tiên.

Thời gian qua, các ngân hàng dồn tiền mua trái phiếu Chính phủ trong khi tín dụng tăng trưởng rất èo uột. Đây có phải là lý do đẩy DN vào chỗ khó tiếp cận vốn?

Đúng là hiện nay, các ngân hàng thừa tiền, buộc phải mua trái phiếu Chính phủ để tránh ứ vốn. Như LienVietPostBank, tổng tài sản là 74.000 tỷ đồng trong khi cho vay mới đạt 30.000 tỷ đồng. Chúng tôi tham gia mua Trái phiếu Chính phủ từ khi lãi suất trái phiếu còn ở mức 12%/năm. Tuy nhiên, điểm tích cực là ngân hàng có thể sử dụng Trái phiếu Chính phủ làm tài sản thế chấp vay vốn từ NHNN với lãi suất thấp (2-3%/năm), sau đó cho vay với lãi suất thấp mà vẫn có lãi.

Với LienVietPostBank, ông có cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay là khả thi?

Ngân hàng chúng tôi sinh ra trong khủng hoảng. Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định phương châm là “trong nguy có cơ” nên ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng, tín dụng không hề bế tắc, thậm chí đang xin vượt hạn mức tín dụng 12%/năm.

Hiện nay chúng tôi đang tìm đc nguồn cho vay 5.000-10.000 tỷ đồng và thấy đối tượng này cũng rất quan trọng với nền kinh tế, trong khi các ngân hàng khác đều “dạt” ra hết. Vì vậy, chúng tôi đang đề nghị Chính phủ bảo lãnh. Chúng tôi không thiếu nguồn mà chỉ thiếu dư địa tăng trưởng tín dụng. Hy vọng Chính phủ ưu tiên cho LienVietPostBank tăng trưởng tín dụng 15% và 20% với cho vay ngắn hạn và dài hạn.

Theo ông, việc cần kíp nhất hiện này để khai thông tín dụng là gì?
Thứ nhất, cần nhanh chóng thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC). Công ty này sẽ nhanh chóng gom nợ xấu vào một chỗ, từ đó ngân hàng mới cho vay mới được. Thứ hai, với các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, Chính phủ cần đứng ra bảo lãnh hoặc cam kết VAMC sẽ mua lại hoàn toàn cả gốc và lãi nếu những khoản vay này gặp khó khăn thì ngân hàng mới mạnh dạn giải ngân. Bên cạnh đó, muốn kích cầu, không chỉ ngân hàng và DN cố gắng mà cần phải có cơ chế đi kèm, ví dụ đẩy mạnh đầu tư bê tông hóa hạ tầng giao thông và có cơ chế hấp dẫn nguồn vốn FDI, ví dụ như mở cho người Việt vào casino. Điều này không chỉ thu hút vốn đầu tư FDI mà còn kích thích tiêu dùng trong nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư