Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Nâng đời Cảng hàng không Chu Lai
Anh Minh - 02/04/2019 14:29
 
Cảng hàng không quốc tế Chu Lai sẽ sớm được đầu tư nâng cấp để trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ hàng không và đầu mối trung chuyển hàng hóa lớn trong khu vực.
Với việc điều chỉnh phân kỳ đầu tư, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai có diện tích rộng gấp 3 lần sân bay Nội Bài .
Với việc điều chỉnh phân kỳ đầu tư, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai có diện tích rộng gấp 3 lần sân bay Nội Bài .

Đầu mối giao thông lớn

Sự kỳ vọng là điều có thể nhận thấy trong Tờ trình số 1147/Tr - CH về việc điều chỉnh Quy hoạch chi tiết một số hạng mục công trình Cảng hàng không quốc tế Chu Lai - tỉnh Quảng Nam, giai đoạn đến năm 2030 vừa được Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) trình Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phê duyệt.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ GTVT thay đổi lại phân kỳ đầu tư và điều chỉnh, bổ sung nhiều hạng mục chính so với quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Chu Lai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 543/QĐ - TTg ngày 16/5/2008.

“Đây là một trong những điều cần để có thể nâng đời sân bay Chu Lai trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ hàng không; bảo dưỡng, sửa chữa máy bay; vận chuyển, trung chuyển hàng hóa quốc tế, gắn với phát triển đô thị sân bay lớn trong khu vực”, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.

Cụ thể, đối với điều chỉnh phân kỳ đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình phía Tây của sân bay Chu Lai trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Các công trình quy hoạch mở rộng sân bay Chu Lai về phía Đông sẽ được xem xét, đầu tư xây dựng khi có nhu cầu. Tính tổng cộng cả hai khu Đông và Tây, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai có diện tích lên tới 2.006 ha, rộng gấp 3 lần sân bay Nội Bài (697 ha), 2,5 lần sân bay Tân Sơn Nhất (791 ha) và Đà Nẵng (850 ha).

Đối với các công trình khu phía Tây của Cảng hàng không quốc tế Chu Lai, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất xây dựng mới đường cất hạ cánh dài 3.800 m, rộng 45 m, lề đường rộng 7,5 m, đảm bảo đón được các loại tàu bay lớn nhất hiện nay như Boeing 747-8 và Airbus A380 (hiện Chu Lai chỉ đón được A320/A321 hoặc tương đương). Bên cạnh sân đỗ hiện hữu, Chu Lai sẽ được xây dựng sân đỗ tàu bay đồng bộ khi xây dựng nhà ga hành khách mới, đảm bảo tối thiểu 16 vị trí đỗ, đồng thời có đất dự phòng mở rộng khi có nhu cầu.

Điểm nhấn quan trọng nhất tại đề xuất mới của Cục Hàng không Việt Nam chính là việc xây dựng mới nhà ga hành khách T2, công suất 5 triệu lượt hành khách/năm và có quỹ đất dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu. Với nhà ga hiện hữu, nhà chức trách hàng không đề nghị chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ nhà ga hàng hóa trong thời gian chưa xây nhà ga hàng hóa có công suất theo quy hoạch.

Được biết, mặc dù nhà ga hành khách T2 có công suất 5 triệu lượt, chỉ nhỉnh hơn 1 triệu lượt hành khách so với Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, nhưng Cảng hàng không quốc tế Chu Lai lại có nhà ga hàng hóa được quy hoạch với quy mô 1,5 triệu tấn/năm, vượt 0,3 triệu tấn hàng hóa so với công suất ga hàng hóa của Siêu cảng hàng không quốc tế Long Thành, giai đoạn I.

Tại đề xuất điều chỉnh quy hoạch, sân bay Chu Lai còn được xây dựng một trung tâm đào tạo phi công dân dụng lớn nhất nước, một trung tâm logistics gắn với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường hàng không đến các khu công nghiệp lớn tại tỉnh Quảng Nam.

Hút nhà đầu tư

Ít người biết rằng, năm 2016, Bộ GTVT từng đề xuất với Chính phủ việc nghiên cứu điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải tiến hành điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo hướng đồng bộ, hướng tới phát triển sân bay Chu Lai thành một trung tâm vận chuyển hàng hóa quốc tế lớn.

Theo ông Lê Văn Sinh, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam, sân bay Chu Lai có lợi thế là cảng hàng không có tĩnh không tốt nhất thế giới; quỹ đất rất dồi dào, cơ bản là đất trống, có thể mở rộng tới 5.000 ha.

Ngoài điều kiện tự nhiên, sự phát triển thần tốc của Quảng Nam trong lĩnh vực công nghệ cơ khí chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao và du lịch nghỉ dưỡng trong những năm gần đây sẽ giúp địa phương này trở thành một cực tăng trưởng quan trọng của khu vực duyên hải miền Trung. Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Quảng Nam ước tính, tổng lượng khách du lịch qua đường hàng không đến Quảng Nam vào năm 2020 có thể đạt 5 triệu lượt khách/năm và tăng lên 20 triệu lượt khách/năm vào năm 2030.

Được biết, ngoài Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị chủ sân bay Chu Lai hiện hữu, ngay từ năm 2017, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet đã sớm gửi đề xuất tới Bộ GTVT xin trở thành nhà đầu tư Dự án Nâng cấp mở rộng cảng hàng không Chu Lai - Quảng Nam thành cảng hàng không quốc tế và đầu mối trung chuyển hàng hóa lớn trong khu vực. Vietjet thậm chí đã mạnh tay thuê đơn vị tư vấn hàng không nổi tiếng Parson (Hoa Kỳ) để lập dự án khả thi với kinh phí lên tới 20.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Vietjet sẽ phải cạnh tranh với một nhà đầu tư trong nước có tiềm lực tài chính và uy tín vừa gia nhập cuộc đua vào sân bay Chu Lai. Được biết, nhà đầu tư này đề xuất đầu tư toàn bộ các hạng mục của Cảng hàng không quốc tế Chu Lai theo quy hoạch mới, bao gồm nhà ga hành khách, hạng mục khu bay, ga hàng hóa, đường trục trước nhà ga; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay; các cơ sở nghiên cứu chế tạo công nghiệp hàng không.

Đối với diện tích hơn 1.000 ha đất ngoại vi liền kề với sân bay Chu Lai trong phạm vi địa giới tỉnh Quảng Nam, nhà đầu tư này sẽ nghiên cứu xây dựng Khu đô thị sân bay Chu Lai, với chức năng là một khu đô thị sáng tạo, hiện đại, trực tiếp phục vụ ngành hàng không.

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, Bộ GTVT đang tập hợp ý kiến của các đơn vị chuyên môn trong bộ, đơn vị khai thác cảng (ACV) và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ ý kiến chính thức đối với đề xuất đặc biệt nói trên.

Sân bay Chu Lai được khai thác hàng không dân dụng từ năm 2005

Sân bay Chu Lai thuộc xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai, được khai thác hàng không dân dụng từ năm 2005. Sân bay hiện có 1 nhà ga hành khách công suất 0,75 triệu lượt khách/năm với đường cất hạ cánh có kích thước 3.048 m x 45 m, được xây dựng, nâng cấp trên đường băng bê tông xi măng từ những năm 1960, đón được tàu bay code C như 320/A321 có tính toán giảm tải.

Khẩn trương thẩm định điều chỉnh quy hoạch, đầu tư sân bay Chu Lai
Trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh này đã đề xuất đầu tư, nâng cấp sân bay Chu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư