Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Năng lượng tái tạo chờ chính sách mới
Thanh Hương - 08/12/2022 09:23
 
Các nhà đầu tư điện tái tạo đang có lãi cao, trong khi Nhà nước, người dân Việt Nam phải chịu giá điện cao, do đó phải xem xét lại giá điện.
Thời gian qua, với sự phát triển bùng nổ, công suất lắp đặt dự án điện mặt trời đã vượt xa quy hoạch. Ảnh: Đức Thanh

Chưa hợp lý thì phải điều chỉnh

“Nếu Nhà nước, người dân có lợi mà nhà đầu tư chịu thiệt thì không ai làm. Nếu nhà đầu tư có lãi, Nhà nước bù lỗ, người dân chịu giá cao thì không tồn tại được. Chúng ta nhất quán quan điểm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, giữ môi trường pháp lý ổn định nhất, nhưng cái gì không hợp lý thì phải điều chỉnh, chúng ta làm vì lợi ích quốc gia, dân tộc”. Đó là quan điểm được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc tới khi trao đổi với một số nhà đầu tư năng lượng tái tạo tại Bạc Liêu ngày 4/12.

Tại cuộc gặp này, đại diện các nhà đầu tư cho rằng, giá điện tại Việt Nam cần phải cạnh tranh được với các nước để thu hút các nhà đầu tư.

Đồng tình với quan điểm trên, song Thủ tướng cũng cho rằng, trong những năm qua, Việt Nam có cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời, nhưng giá không hợp lý, dẫn tới tình trạng đua làm điện gió, điện mặt trời, ảnh hưởng tới cân đối cung - cầu; có tình trạng mua giá điện mặt trời, điện gió với giá cao, trong khi giảm mua thủy điện với giá thấp.

“Các nhà đầu tư điện tái tạo đang có lãi lớn, trong khi Nhà nước, người dân Việt Nam phải chịu giá điện cao, do đó phải xem xét lại về giá điện, đàm phán lại về các dự án điện gió đã triển khai, tìm giải pháp phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà nước, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả”, Thủ tướng yêu cầu.

Đồng thời, Bộ Công thương được yêu cầu phải nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện chính sách về điện gió, điện mặt trời. Các bên liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo...

Tại Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, ban hành tháng 3/2016, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo mà Việt Nam đặt ra là đạt 850 MW điện mặt trời và 800 MW điện gió đến năm 2020. Tiếp đó, sẽ tăng lên 4.000 MW điện mặt trời và 2.000 MW điện gió vào năm 2025; còn tới năm 2030 sẽ đạt 12.000 MW điện mặt trời và 6.000 MW điện gió.

Tuy nhiên, với cơ chế ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm, thông qua các Quyết định 11/2017/QĐ-TTg; 13/2020/QĐ-TTg; 39/2018/QĐ-TTg cho năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời đã có sự bùng nổ về đầu tư trong thời gian ngắn với công suất lắp đặt tăng gấp nhiều lần so với quy hoạch đề ra.

Đáng chú ý là, thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, trong số các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn đang phát điện lên lưới trước ngày 1/1/2021, chỉ có 41 nhà máy điện có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền trước thời điểm này. Nếu tính các dự án thuộc diện được hưởng giá FIT là 9,35 UScent/kWh, thì con số còn ít hơn.

Hơn 100 dự án điện mặt trời còn lại hoặc có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu sau ngày 1/1/2021, hoặc chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một quan chức ngành công thương cho hay, đúng thủ tục nghĩa là tại các thời điểm kết thúc hưởng giá FIT vào ngày 30/6/2019, ngày 31/12/2021 và ngày 1/11/2021, các dự án năng lượng tái tạo liên quan phải đầy đủ hồ sơ, từ quyết định đầu tư, hợp đồng mua bán điện được ký, thuê đất, thiết kế kỹ thuật được duyệt, đánh giá tác động môi trường, kiểm tra phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu công trình, biên bản kiểm tra nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền…

Chờ chính sách mới

Bộ Công thương đang tiến hành thẩm định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp do EVN xây dựng, dựa trên báo cáo của 208 nhà máy gửi hồ sơ phản hồi trong số 240 đơn vị được đề nghị cung cấp thông tin.

Các mức khung giá điện mà EVN tính toán cũng thấp hơn nhiều so với các mức giá mua điện theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, Quyết định 39/2018/QĐ-TTg dành cho các dự án năng lượng tái tạo về đích trước mốc thời gian quy định.

Phát triển năng lượng tái tạo không chỉ phụ thuộc vào con số công suất được phê duyệt trong quy hoạch, mà phụ thuộc nhiều hơn vào chính sách.

Nhận xét về khung giá mà EVN tính toán, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận cho hay, với mức giá EVN đề xuất, các dự án trễ mốc thời gian sẽ thiệt thòi quá lớn so với các dự án về kịp, khi giá giảm khoảng 25%. Đó là chưa kể, một năm nay nằm đắp chiếu, không được khai thác.

Theo ông Thịnh, hồ sơ và Báo cáo khả thi do các chủ đầu tư cấp cho EVN có vẻ rất lạc quan. Tuy nhiên, các bên tư vấn lập báo cáo cho các chủ đầu tư cần xem xét lại một số vấn đề.

Trước hết, số giờ hoạt động cao nhất (Tmax) của điện gió trên bờ được lấy là 3.122 giờ, tương đương CF (tỷ lệ giữa số giờ huy động với số giờ trong năm) là 35,6%, nhưng thực tế sau 6 năm vận hành, Dự án Điện gió Phú Lạc 1 chỉ đạt bình quân dưới 30%, mặc dù ở vùng gió tốt nhất của Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc Tmax của điện gió trên biển là 3.064 giờ lại thấp hơn điện gió trên bờ có vẻ không hợp lý, vì gió trên biển đều hơn và cao hơn, nhất là sau một năm vận hành thực tế đã chứng minh.

“Hiện nay, lãi vay ngoại tệ đang cao hơn rất nhiều, với LIBOR tăng từ mức 0,15% (năm 2020) lên gần 4% (cuối năm 2022). Do vậy, nếu cộng tất cả các khoản lãi và phí, vay USD ở nhiều dự án đã lên tầm 9%, tức là gấp 2 lần so với mức 4,62% trong báo cáo của EVN. Còn vay nội tệ cũng không thể có mức dưới 10%. Như vậy, do nghiên cứu khả thi được lập đẹp để dễ được phê duyệt, nên khi chuyển các báo cáo này cho EVN để lấy các thông số đầu vào chính, đưa ra mức giá chuyển tiếp, thì đương nhiên, EVN đề xuất mức giá mua thấp là phù hợp, nhưng lại không đúng thực tế”, ông Thịnh nói.

Nguồn tin của Báo Đầu tư cũng cho hay, dựa trên khung giá được phê duyệt này, các nhà đầu tư của những dự án chuyển tiếp và EVN sẽ đàm phán hợp đồng mua bán điện như các loại hình nguồn điện khác, nhưng đơn giản hơn vì không có suất tiêu hao. Trong quá trình đàm phán hợp đồng, các vấn đề như có bị quá tải không, huy động được bao nhiêu sẽ được đưa vào hợp đồng.

Về nguyên tắc, đơn vị có chức năng giám sát kết quả đàm phán sẽ là Cục Điều tiết điện lực, bởi cũng có ý kiến nhà đầu tư lo ngại sẽ có tình trạng tăng mua các nguồn giá thấp và giảm các nguồn giá cao để tối ưu hóa chi phí hệ thống, giảm áp lực tài chính cho bên mua điện là EVN.

Đối với các dự án năng lượng tái tạo mới cũng sẽ có khung giá phát điện khác và sẽ ban hành hàng năm.

Vẫn theo ông Thịnh, việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ phụ thuộc vào con số công suất được phê duyệt trong quy hoạch, mà phụ thuộc nhiều hơn vào chính sách, trong đó quan trọng nhất là giá bán cho EVN.

Khi chưa rõ ràng giá bán và các chính sách cho giai đoạn tới, thì dòng vốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo sẽ chưa thể nhanh như mong đợi.

Động lực phát triển từ năng lượng tái tạo
Trở thành tâm điểm thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên sẽ được tiếp thêm động lực để thúc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư