Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Quy hoạch Điện VIII: Năng lượng tái tạo sẽ thay thế 6.200 MW điện than?
Thanh Hương - 17/11/2022 08:22
 
Nhiều bên rất kỳ vọng Tờ trình số 7194/TTr-BCT của Bộ Công thương về phê duyệt Đề án Quy hoạch Điện VIII sẽ là lần cuối và sớm được ký, mở đường cho việc triển khai các dự án đầu tư vào ngành điện.
Quy hoạch Điện VIII xác định ưu tiên phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi. Ảnh: Lê Toàn

Tìm phương án thay thế 6.200 MW điện than

Theo rà soát của Bộ Công thương, hiện có 12 dự án nhiệt điện than với tổng công suất 13.792 MW đã được giao chủ đầu tư, đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư/triển khai xây dựng và chia làm 2 nhóm.

Trong nhóm 7 dự án có tổng công suất là 6.992 MW đang xây dựng, thì có 4 dự án đã thu xếp được vốn, đang xây dựng và chắc chắn đi vào vận hành, gồm Thái Bình II, Quảng Trạch I, Vân Phong I và Vũng Áng II. Còn Long Phú I đang đàm phán với tổng thầu để triển khai tiếp; An Khánh Bắc Giang và Na Dương II có phương án vay vốn trong nước.

Với nhóm 5 dự án khác có tổng công suất là 6.800 MW đang chuẩn bị đầu tư, nhưng được đánh giá là có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn đầu tư, gồm Công Thanh (600 MW), Quảng Trị (1.200 MW), Sông Hậu II (2.000 MW), Nam Định I (1.200 MW) và Vĩnh Tân III (1.800 MW).

Ở nhóm 5 dự án này, mới có Dự án Công Thanh đủ điều kiện chính thức loại bỏ trong danh mục nhiệt điện than, cho phép chuyển sang sử dụng LNG. Bốn dự án còn lại với tổng công suất 6.200 MW đều là dự án BOT đã được giao cho các chủ đầu tư nước ngoài hoặc tổ hợp nhà đầu tư trong nước - nước ngoài, mặc dù khó khăn trong vay vốn hoặc tìm cổ đông thay thế, nhưng việc loại bỏ khỏi Quy hoạch Điện VIII được dự báo là có thể dẫn tới rủi ro pháp lý, nguy cơ kiện tụng đòi đền bù như trong một số vụ việc gần đây.

Được biết, Dự án Sông Hậu II đã thanh toán cho UBND tỉnh Hậu Giang 343,25 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhưng còn nợ 365,5 tỷ đồng, đồng thời Công ty BOT chưa hoàn thành thu xếp tài chính đúng thời hạn cam kết là ngày 24/6/2022.

Với Dự án Nam Định I, các thỏa thuận chính với các bên cho vay đã được ký tắt hồi tháng 11/2019, chính sách bảo hiểm khoản vay đã được ban hành tháng 8/2020, nhà đầu tư cũng đã tạm ứng cho UBND tỉnh Nam Định 3 triệu USD để xây dựng khu tái định cư và 3 triệu USD bồi thường hoa màu. Tuy nhiên, hợp đồng BOT, bảo lãnh Chính phủ, hợp đồng mua bán điện chưa đàm phán xong và nhà đầu tư ACWA Power đã rút khỏi Dự án mà chưa có nhà đầu tư mới thay thế.

Với Dự án Vĩnh Tân III, Mitsubishi Corp và CLP Holding thông báo không tiếp tục thực hiện các dự án điện than theo chính sách của Công ty, còn Pacific đã xin rút khỏi Dự án và chưa tìm được nhà đầu tư thay thế.

Vì thế, Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ vẫn để 4 dự án (Quảng Trị, Sông Hậu II, Nam Định I và Vĩnh Tân III) trong Quy hoạch Điện VIII. Tuy nhiên, để chủ động ứng phó với mọi tình huống, Bộ Công thương cũng dự tính sẽ có thêm phương án với trường hợp 6.200 MW điện than này không thể triển khai trên thực tế.

Cơ hội cho năng lượng tái tạo

Phương án được nhắc tới để ứng phó với 6.200 MW điện than nói trên là bù bằng các nguồn điện khác như điện gió và điện sinh khối.

Công suất điện gió đang vận hành là 4.126 MW và Quy hoạch Điện VIII xác định ưu tiên phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi.

Theo dự kiến, năm 2030, công suất điện gió trên bờ lên tới 21.480 MW và điện gió ngoài khơi là 7.000 MW (trong đó, miền Bắc là 4.000 MW).

Theo Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022 của EVN, giá các nguyên liệu sơ cấp tăng đột biến đã đẩy chi phí sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng rất cao. Đó cũng là nguyên nhân khiến EVN lỗ gần 16.600 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Cũng trong Tờ trình 7194/TTr-BCT có đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho tiếp tục triển khai và đưa vào vận hành thương mại trước năm 2030 các dự án điện mặt trời đã hoàn thành và đang chờ giá bán điện mới; các dự án/phần dự án đã có nhà đầu tư, đã đầu tư xây dựng đang thi công; các dự án/phần dự án đã được thẩm định thiết kế cơ sở, đã có quyết định thu hồi đất/hợp đồng cho thuê đất/quyết định giao đất; hợp đồng mua bán thiết bị, hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 726,02 MW.

Tuy nhiên, các dự án này chỉ được triển khai phù hợp với hạ tầng lưới điện khu vực và khả năng hấp thụ chung của hệ thống điện quốc gia (Bộ Công thương sẽ giao EVN tính toán, kiểm tra với từng dự án).

Cũng có 27 dự án/phần dự án điện mặt trời chưa có nhà đầu tư với tổng công suất 4.136,25 MW và 12 dự án/phần dự án có tổng công suất 1.634,4 MW đã có chủ trương đầu tư và chấp thuận chủ đầu tư, nhưng đang trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, đang làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư và chưa có các quyết định giao đất/thuê đất được Bộ đề nghị để sau năm 2030 với điều kiện đảm bảo được hệ thống truyền tải, cơ cấu nguồn điện vùng, miền và phát triển kinh tế.

Giá điện vẫn mờ nhạt

Trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII có nhắc tới giá điện bình quân (quy về USD năm 2020) sẽ tăng dần từ mức 7,9 UScent/kWh vào năm 2020 lên mức 8,1 - 9 UScent/kWh vào năm 2030 và định hướng tới năm 2050, giá điện bình quân là 10,2 - 10,5 UScent/kWh.

Theo Bộ Công thương, so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, giá điện của Việt Nam đang ở mức tương đối thấp (bình quân 7,9 UScent/kWh). Vào năm 2030, giá điện dự kiến như tính toán của Bộ Công thương vẫn được cho là thấp hơn so với Indonesia và Thái Lan.

Ở một khía cạnh khác, giá điện gió và mặt trời đang giảm nhanh và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tới.

Tham khảo các dự báo quốc tế, Quy hoạch Điện VIII dự kiến giá điện gió trên bờ sẽ giảm từ 7,74 UScent/kWh giai đoạn trước năm 2025 xuống mức 6,35 UScent/kWh trước năm 2030 và 5,3 UScent/kWh trước năm 2050.

Với điện mặt trời, giá điện sẽ giảm xuống mức 5,5 UScent/kWh trước năm 2030 và 3,4 UScent/kWh trước năm 2050.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều chuyên gia và đối tác đang làm trong lĩnh vực năng lượng cho hay, họ rất mong chờ Quy hoạch Điện VIII được ban hành sớm, bởi hiện đã cuối năm 2022 và việc đầu tư các công trình điện lớn, dự án điện gió cần nhiều thời gian hơn so với các dự án trước đây. Chưa kể với thực tế thanh kiểm tra như thời gian qua, trình tự đầu tư các dự án điện thời gian tới sẽ được soi kỹ.

“Bản dự thảo ngày 11/11/2022 đã có điều chỉnh lớn so với các bản được đưa ra năm 2021, nhưng cần phải có tính khả thi trong triển khai. Đơn cử, nếu giá điện không tốt, rất khó để các nhà đầu tư đổ vốn vào làm các dự án điện mới như mong muốn. Nhưng ngược lại, nếu giá mua điện hấp dẫn với các nhà đầu tư nguồn điện, trong khi giá bán điện tới các hộ tiêu thụ lại không đủ bù chi phí hoạt động, thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng khó khăn trong đảm bảo điện. Vì vậy, bài toán giá điện cần phải đặt lên hàng đầu trong tính toán, cân đối nhu cầu điện”, ông Việt Anh, một chuyên gia nhận xét sau khi nghiên cứu Tờ trình 7194.

Mới nằm trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, dự án điện khí đã được nhà đầu tư “giành chỗ”
Dự án Nhà máy nhiệt điện sử dụng khí LNG tại Thái Bình có quy mô 1.500 MW dù mới chỉ nằm trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, nhưng đã được nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư