Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
Nắng nóng, EVN kéo PVN và TKV vào cuộc; HBC, MB có tân lãnh đạo; Vua hàng hiệu chịu thua hàng xách tay
Khánh An tổng hợp - 20/05/2023 10:46
 
Ghế nóng HBC có chủ; eDiGi của ông Hạnh Nguyễn đóng cửa; Bamboo Airways sẽ có nhân sự cấp cao mới. Nắng nóng, EVN kêu cả PVN và TKV vào cuộc; H&M bán online tại Việt Nam.

Ghế nóng tại Xây dựng Hòa Bình có chủ

Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải đã ký quyết định bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Tập đoàn.

Tân tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Văn Nam.

Người được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc là ông Lê Văn Nam. Ông Nam sinh năm 1976, làm việc tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từ năm 2001 và giữ chức vụ giám đốc dự án ở nhiều công trình của HBC như Vincom Tower, Sunrise Tower, Era Town và các công trình quản lý thi công tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Cùng với việc bổ nhiệm ông Nam làm Tổng Giám đốc, HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình còn bổ nhiệm ông Nam làm người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại Công ty cổ phần Nhà Hòa Bình, đồng thời miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải tại đây.

Đối với các vị trí còn lại, chức Phó tổng giám đốc, HĐQT thông qua miễn nhiệm ông Trương Quang Nhật, đồng thời bầu thay thế ông Nguyễn Khánh Hoàng vào vị trí này.

Bà Lê Thị Phương Uyên giữ chức Kế toán trưởng thay thế ông Phạm Quốc Thắng. Ông Thắng có trách nhiệm bàn giao toàn bộ công việc trước ngày 31/05/2023.

Ngoài ban điều hành, HĐQT HBC cũng có sự thay đổi nhân sự khi quyết định thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT đối với ông David Martin Ruiz. Bên cạnh là Thành viên HĐQT, ông David còn là Giám đốc xây dựng thị trường nước ngoài của HBC.

MB có Tổng giám đốc mới

Từ ngày 18/05/2023, ông Phạm Như Ánh là Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội.

Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn về việc chấp thuận nhân sự dự kiến bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội đối với ông Phạm Như Ánh, Phó tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành. Theo đó, HĐQT MB đã tiến hành các thủ tục để bổ nhiệm ông Phạm Như Ánh vào chức danh Tổng giám đốc theo quy định của pháp luật và quy định của MB.

Trước đó, ngày 12/04/2023, HĐQT MB giao cho ông Phạm Như Ánh chức danh Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành MB, đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng Giám đốc.

Ông Phạm Như Ánh sinh năm 1980, tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Viện Quản trị kinh doanh UBI - Bỉ, và là cử nhân Kinh tế chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Đà Nẵng.

Ông có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính, ngân hàng. Tại MB, ông Phạm Như Ánh từng đảm nhiệm nhiều vị trí chuyên môn và quản lý của ngân hàng như Giám đốc Chi nhánh, Giám đốc Khối, đến Thành viên Ban điều hành.

Đến hết quý 1/2023, tổng tài sản của MB đạt 760,761 tỷ đồng, tăng 4,4%. Lãi hợp nhất trước thuế đạt 6,512 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng đạt 5,828 tỷ đồng, tăng trưởng 13,5% so với cùng kỳ. Chi phí tiếp tục được kiểm soát ở mức hiệu quả với CIR hợp nhất dưới 30%.

Cựu lãnh đạo Japan Airlines sắp vào HĐQT Bamboo Airways

Hội đồng quản trị (HĐQT) của CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) sắp đón thêm thành viên mới từng là lãnh đạo của hãng hàng không Japan Airlines.

Ông Hideki Oshima, - cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không tại Japan Airlines.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây trên Báo Chính phủ, Chủ tịch Bamboo Airways, ông Nguyễn Ngọc Trọng tiết lộ đang cân nhắc cả các phương án liên doanh, hợp tác với các hãng bay uy tín quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, Bamboo Airways cũng sẽ chiêu mộ những tên tuổi lớn để hỗ trợ cho việc phát triển hãng bay. Ông Trọng cho biết dự kiến ông Hideki Oshima - cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không tại Japan Airlines - sẽ tham gia HĐQT Bamboo Airways và giữ chức vụ lãnh đạo cao cấp. Trong khi đó, ông Masaru Onishi - cựu Chủ tịch Japan Airlines - sẽ đảm nhiệm vị trí cố vấn cao cấp của HĐQT Bamboo Airways.

Thông tin trên được đưa ra sau khi ĐHĐCĐ Bamboo Airways thông qua phát hành 1.15 tỷ cổ phiếu để tăng vốn lên 30.000 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm 72 triệu cổ phiếu dành cho các chủ nợ hoán đổi thành cổ phần; số cổ phiếu còn lại 378 triệu cổ phiếu dành cho các nhà đầu tư chiến lược. Số cổ phần này không bị hạn chế chuyển nhượng, có thời gian thực hiện trong năm 2023.

Trước đó, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch Bamboo Airways cũng cho biết hãng vẫn chưa có lãi vì trải qua rất nhiều khó khăn trong dịch Covid-19 cùng sự cố của cựu Chủ tịch trong thời gian qua.

Tuy nhiên trong 3 năm qua, dù rất nhiều khó khăn, Bamboo Airways vẫn duy trì hoạt động liên tục, mỗi năm tăng thêm 10 tàu bay và đang chiếm 18% thị phần nội địa. Trong quý 1/2023, Bamboo Airways gần như đã đạt điểm hòa vốn.

Cửa hàng Apple của ông Johnathan Hạnh Nguyễn ngừng hoạt động

eDiGi - cửa hàng bán lẻ ủy quyền cao cấp của Apple (APR) thuộc Tập đoàn IPP Group chính thức ngừng hoạt động sau hơn 4 năm gia nhập thị trường. Trên trang web của eDiGi, cửa hàng này thông báo đã chính thức ngừng hoạt động từ ngày 28/04/2023.

eDiGi là cửa hàng bán sản phẩm Apple do IPP Group lập ra từ năm 2018.

Đây cũng là cửa hàng ủy quyền đầu tiên của Apple tại Việt Nam ngừng kinh doanh trong bối cảnh nhu cầu yếu ớt, giá bán giảm mạnh và cạnh tranh về sản phẩm Apple ngày càng gay gắt.

eDiGi là cửa hàng bán sản phẩm Apple do IPP Group lập ra từ năm 2018 và có vị trí đắc địa tại Công Xã Paris (quận 1, TP.HCM). Cửa hàng này đã đạt chuẩn Apple Premium Reseller (APR) và Apple Service Provider (ASP).

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPP Group, công ty mẹ của eDiGi cũng cho biết, doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh do điều kiện thị trường không thuận lợi. Cụ thể, có nhiều yếu tố cạnh tranh, đặc biệt là nguồn hàng xách tay khiến việc kinh doanh sản phẩm Apple không còn hấp dẫn như trước.

 Về IPP Group, đây là tập đoàn do ông Johnathan Hạnh Nguyễn thành lập vào năm 1985 và nổi tiếng với hoạt động phân phối đồ hàng hiệu. “Vua hàng hiệu” cũng là mỹ từ mà người đời dùng để nói về ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

H&M ra mắt cửa hàng trực tuyến tại thị trường Việt Nam sau 6 năm hoạt động

Thông qua việc ra mắt cửa hàng trực tuyến, H&M kỳ vọng khách hàng dễ dàng tiếp cận hơn các sản phẩm đa dạng từ H&M từ những thiết kế đơn giản ứng dụng cao hay những kiểu dáng thời trang nổi bật.

H&M ra mắt cửa hàng trực tuyến tại thị trường Việt Nam.

Cửa hàng trực tuyến H&M ra mắt trên cả giao diện website lẫn ứng dụng di động, với đa dạng các mẫu mã phục vụ mọi đối tượng khách hàng như quần áo trẻ em, thời trang nam nữ, đồ thể thao...

Đặc biệt cửa hàng trực tuyến H&M ra mắt đồng thời cùng chương trình khách hàng thân thiết Hello Member với nhiều ưu đãi hấp dẫn như giảm giá 15% cho đơn hàng đầu tiên khi đăng ký trở thành thành viên Hello Member, quà tặng ưu đãi vào ngày sinh nhật, miễn phí giao hàng cho hóa đơn trên 499.000 đồng với thành viên Hello Member và miễn phí giao hàng với thành viên Member Plus.

Dù vậy, theo nhiều khách hàng và tín đồ mua sắm, động thái ra mắt gian hàng trực tuyến của H&M tại thị trường Việt Nam là chậm trễ. Bởi thương hiệu này đã kinh doanh tại Việt Nam khá lâu, được nhiều khách hàng trẻ yêu thích.

Hiện H&M chỉ có hơn 10 cửa hàng tại Việt Nam, chủ yếu tại TP.HCM, Hà Nội và một số thành phố lớn.

EVN vất vả vì nắng nóng, kêu cả PVN và TKV hỗ trợ

Theo thông tin từ EVN, hệ thống điện đang vận hành hết sức khó khăn bởi các hồ thủy điện thiếu nước do khô hạn; công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành. Do đó, EVN đề nghị PVN, Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện tháng 5, tháng 6 năm 2023.

Cao điểm nắng nóng, hệ thống điện miền Bắc đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, EVN vừa có văn bản số 2480/EVN-KTSX ngày 16/5/2023 gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (Đạm Phú Mỹ), Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau), đề nghị ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện các tháng cao điểm mùa khô - tháng 5, 6 năm 2023.

Theo dự báo, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, tháng 6 và tháng 7) sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600MW đến 4.900MW.

Nếu tình hình vẫn tiếp tục diễn biến bất lợi như thời gian qua, lượng nước về các hồ thủy điện và tình hình cung ứng nhiên liệu than/dầu/khí cho các nhà máy điện không được cải thiện, hệ thống thống điện sẽ rơi vào tình huống nguy cấp, ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Trước đó, EVN vừa có văn bản gửi Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc đề nghị giãn thời gian thanh toán tiền than trong khi năm 2022, nhiều công ty con của EVN vẫn báo lãi lớn.

Theo EVN, từ năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính của EVN và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu, hoạt động sản xuất điện bị lỗ. Điều này đã làm thiếu hụt dòng tiền thanh toán cho các nhà cung cấp nhiên liệu, đơn vị bán điện.

Vì vậy, EVN mong muốn TKV và Tổng công ty Đông Bắc tiếp tục cung cấp đầy đủ và liên tục than cho các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo cho hoạt động sản xuất và cung cấp điện cho năm 2023; trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xem xét cho EVN giãn thời hạn thanh toán tiền than của tập đoàn và các tổng công ty phát điện.

EVN cũng có văn bản tới Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Sông Hậu 1 đề xuất vay 52.000 tấn than mà Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 sắp nhận về cảng, để sử dụng nguồn nhiên liệu này cho nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng.

EVN cho biết, giá than nhập khẩu đã tăng 3 lần so với năm 2022 khiến chi phí sản xuất điện tăng lên 47.000 tỉ đồng trong năm 2022; giá khí ăn theo giá dầu cũng tăng 5.500 tỉ đồng… Từ ngày 4-5, EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, lên 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT); mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3%, EVN ước thu về 8.000 tỉ đồng và chỉ đủ bù phần nào khoản lỗ 31.300 tỉ đồng EVN đang gánh.

Hiện nay, theo EVN, trước diễn biến nắng nóng kéo dài, các hồ thủy điện hiện thiếu nước, còn nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng mạnh, xấp xỉ 895 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 12,34% so với cùng kỳ tháng 5-2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 43.300 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 9,12% so với cùng kỳ tháng 5-2022.

MB bổ nhiệm Tổng giám đốc mới
NHNN đã có công văn số 3689 về việc chấp thuận nhân sự dự kiến bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc MB đối với ông Phạm Như Ánh - Phó Tổng giám...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư