Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 07 tháng 09 năm 2024,
Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt: Chỉ hỗ trợ từ "bên ngoài", dễ sinh ỷ lại
Nguyễn Lê - 05/06/2023 08:21
 
Một trong những nội dung mới của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi so với luật hiện hành là các biện pháp can thiệp trong trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt.
.
Ảnh minh họa.

Đó là lo ngại của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi thẩm tra Dự án Luật Các tổ chức tín dụng sừa đổi.

Một trong những nội dung mới so với luật hiện hành là các biện pháp can thiệp trong trường hợp tổ chức tín dụng (TCTD) bị rút tiền hàng loạt.

Quy định này, theo cơ quan thẩm tra là cần thiết và tạo tính chủ động để bảo đảm an toàn hệ thống, nhất là trong bối cảnh xảy ra một số trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt như thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế thấy rằng, các biện pháp nêu tại Điều 148 của dự thảo Luật chỉ bao gồm các biện pháp hỗ trợ từ “bên ngoài”, chủ yếu từ Ngân hàng Nhà nước mà chưa có những biện pháp “tự thân” của TCTD để nhanh chóng khắc phục tình trạng rút tiền hàng loạt.

Như vấn đề chuẩn bị tiền mặt, xử lý truyền thông, phối hợp cơ quan chức năng, bảo đảm ổn định trật tự, an toàn tại điểm giao dịch... và sau đó là củng cố quản trị, điều hành, năng lực tài chính của TCTD để ổn định lại hoạt động.

Mặt khác, đi kèm với hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước là quy định về việc được phép sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý đối với khoản phải thu không thu hồi được phát sinh từ các biện pháp hỗ trợ TCTD có thể dẫn đến tâm lý ỷ lại của TCTD, làm hạn chế động lực phải khắc phục ngay khó khăn trước mắt cũng như có những giải pháp ổn định trong lâu dài của TCTD.

Ủy ban Kinh tế cho rằng sự cố rút tiền hàng loạt đòi hỏi phải xử lý khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, khác với các trường hợp TCTD yếu kém qua theo dõi phải được can thiệp.

Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát lại các quy định có liên quan đến các biện pháp can thiệp sớm và biện pháp TCTD bị rút tiền hàng loạt; nghiên cứu quy định cụ thể hơn tại dự thảo Luật các biện pháp can thiệp trong trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt. Bao gồm các biện pháp từ chính TCTD và từ phía Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước; bảo đảm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên cũng như các biện pháp hiệu quả, phù hợp.

Cơ quan thẩm tra cũng chưa yên tâm với 4 loại phương án áp dụng đối với TCTD được can thiệp sớm, gồm: Phương án khắc phục; Phương án hỗ trợ trước kiểm soát đặc biệt; Phương án sáp nhập, hợp nhất; Phương án giải thể TCTD.

Đối với mỗi phương án, dự thảo Luật lại đưa ra các hình thức hỗ trợ khác nhau cả với TCTD được can thiệp sớm và TCTD hỗ trợ.

Ủy ban Kinh tế nêu rõ, các phương án nêu trên chủ yếu là các biện pháp xử lý TCTD bị kiểm soát đặc biệt theo Luật hiện hành, chưa phản ánh đúng bản chất của việc “can thiệp sớm” cũng như chưa quy định thời hạn cụ thể để khắc phục sớm tình trạng can thiệp sớm.

Bên cạnh đó, các biện pháp xử lý chưa cho thấy rõ vai trò, trách nhiệm của cổ đông/thành viên góp vốn, dẫn đến dễ gây trục lợi, làm tăng thêm ảnh hưởng hệ lụy đến kinh tế vĩ mô vì theo quy định tại dự thảo Luật đang phải sử dụng thêm nguồn lực của Nhà nước quá lớn không chỉ đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt mà còn đối với các TCTD được can thiệp sớm, TCTD hỗ trợ TCTD được can thiệp sớm.

Mặc khác, theo quy định hiện hành thì một số TCTD yếu kém hiện nay đã đủ điều kiện đặt vào kiểm soát đặc biệt, nếu áp dụng theo quy định tại dự thảo Luật này thì sẽ không được kiểm soát đặc biệt mà chỉ được can thiệp sớm, có thể gây rủi ro lớn hơn cho an toàn của hệ thống TCTD.

Theo nghị trình, ngay sáng làm việc đầu tiên của tuần làm việc thứ ba (sáng 5/6) Quốc hội sẽ nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng sừa đổi, sau đó thảo luận tại tổ vào chiều cùng ngày.

Điều 148. Các biện pháp xử lý trong trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt

1. Tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt quy định tại điểm e khoản 1 Điều 144 của Luật này (bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của Ngân hàng Nhà nước - PV ) được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ sau:

a) Tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt không bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm thiếu dự trữ bắt buộc và không tuân thủ tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định trong giai đoạn bị rút tiền hàng loạt;

b) Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện các biện pháp hỗ trợ thanh khoản riêng đối với tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt:

(i) Mua giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng trên nghiệp vụ thị trường mở;

(ii) Thực hiện các giao dịch ngoại tệ với tổ chức tín dụng;

(iii) Tái cấp vốn với tổ chức tín dụng.

c) Vay đặc biệt Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và tổ chức tín dụng khác theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 146 của Luật này;

d) Ngân hàng Nhà nước quyết định việc ngừng tạm thời giao dịch tại tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt.

2. Ngân hàng Nhà nước được phép sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý đối với các khoản phải thu không thu hồi được phát sinh từ các biện pháp quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều này.

3. Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện chuyển giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt đang lưu ký tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam về Ngân hàng Nhà nước theo đề nghị của tổ chức tín dụng.

Ngân hàng bị rút tiền hàng loạt có thể được vay “đặc biệt” với lãi suất 0%
Dự kiến cuối tháng 4/2023, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tiến hành thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tin dụng sửa đổi, trong đó có đề xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư