Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 12 năm 2024,
Ngân hàng Chính sách Xã hội tri ân các Anh hùng vùng biên giới Tây Giang
Kim Đức - 28/07/2017 14:43
 
Nhân Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), Đoàn công tác của NHCSXH do đồng chí Dương Quyết Thắng, Uỷ viên HĐQT - Tổng giám đốc làm Trưởng đoàn vừa đến thăm và tặng quà cho hai Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (người dân tộc Cơ Tu) là ông Cơ Lâu Nâm ở thôn Pơ’rning, xã Lăng và ông Arất Blư ở thôn Aplố, xã Avương thuộc huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam).

Huyện thoại trong chiến tranh

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Tây Giang là một bộ phận căn cứ miền núi vững chắc của tỉnh Quảng Nam, Quân khu 5, Nam khu 4, và vùng hạ Lào, đường hành lang tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, là tuyến đường tập kết ra Bắc vào Nam, nơi vận chuyển hàng, vũ khí, nơi che giấu bí mật cán bộ, bộ đội. Những người lính trong cuộc chiến gọi tuyến đường Trường Sơn là tuyến lửa, đã thực hiện vận chuyển quân, quân nhu, lương thực vào chiến trường miền Nam, tuyến lửa Trường Sơn thực sự là căn cứ quan trọng của quân đội ta.

Trong kháng chiến, đồng bào dân tộc Cơ Tu nơi đây đã trực tiếp cầm súng tham gia giết giặc và giúp bộ đội vận chuyển vũ khí, nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến. Đất nước thống nhất, vùng cao Tây Giang không ngừng phát triển, tình hình an ninh nông thôn luôn được giữ vững ổn định. Trong đó, có sự đóng góp thiết thực và hiệu quả của các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - những người có uy tín với địa phương.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng và Lãnh đạo UBND huyện Tây Giang thăm hỏi Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Cơ Lâu Nâm và Arất Blư. Ảnh: Đình Hiệp - Tuấn Ngọc
Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng và Lãnh đạo UBND huyện Tây Giang thăm hỏi Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Cơ Lâu Nâm và Arất Blư. Ảnh: Đình Hiệp - Tuấn Ngọc

Tại xã Lăng có thôn Pơ’rning hiện là thôn điểm của huyện và tỉnh về phát triển văn hóa - xã hội. Dân làng ở đây rất tin yêu Già làng Cơ Lâu Nâm. Là người hùng thời chiến, Già làng Cơ Lâu Nâm nay tuổi đã ngoài 80, nhưng còn khỏe mạnh, nhiệt huyết, tiếp tục góp sức dựng xây làng bản văn minh.

Gần 20 năm, ông có mặt trong hơn 100 trận đánh tại các chiến trường Khu 5. Ngày đất nước hòa bình, ông về lại xã Lăng, được bầu làm Xã đội trưởng, rồi Trưởng Công an xã, Phó chủ tịch UBND xã. Sau hơn 15 năm làm Chủ tịch Hội CCB huyện Tây Giang, ông nghỉ hưu. “Bất kỳ việc gì cán bộ, đảng viên cũng phải tiên phong đi trước để người dân làm theo...”, Già làng Cơ Lâu Nâm tâm sự.

Còn rất nhiều Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tiêu biểu ở huyện vùng cao biên giới Tây Giang, như Arất Blư ở thôn Aplố, xã Avương là người gương mẫu đi đầu, thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; tích cực vận động nhân dân xây dựng thôn bản, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ gìn ANTT trên địa bàn.

Thay mặt Đoàn công tác, Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng ân cần thăm hỏi sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt; đồng thời bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp của các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người có công với cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Tổng giám đốc mong muốn các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Già làng tiếp tục phát huy vai trò là hạt nhân điển hình về phát triển kinh tế, là những người lưu giữ, truyền dạy kho tàng văn hóa của người Cơ Tu cho thế hệ sau... Trong dịp này, Đoàn công tác đã tặng quà cho hai Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Cơ Lâu Nâm và Arất Blư, mỗi suất quà trị giá 5 triệu đồng.

.
.

Góp sức xây dựng vùng biên giới Anh hùng

Huyện biên giới Tây Giang được thành lập từ năm 2003, tách ra từ huyện Hiên của tỉnh Quảng Nam, là huyện nằm trong tốp nghèo nhất nước, tất cả từ con số “0”. Sau 15 năm, Tây Giang đã bứt phá đi lên trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 46%, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt hơn 17 triệu đồng/năm...

Tín dụng chính sách của Chính phủ được NHCSXH tổ chức triển khai thực hiện trong suốt 15 năm qua cũng đã được “phủ” đến từng bản làng, đang góp thêm ấm no cho một huyện có tới 92% là đồng bào dân tộc Cơ Tu như Tây Giang. Đích thân Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng trong chuyến thăm, làm việc lần này đã thị sát chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách, trong đó có việc kiểm tra thực tế tại xã A Tiêng và A Nông - là những xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Tây Giang về việc công khai các chương trình tín dụng chính sách, thủ tục cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách của NHCSXH.

“Việc thực hiện công khai chính sách và thực thi tín dụng chính sách trong những năm qua theo chủ trương của Chính phủ chuyển từ cấp cho không sang cho vay ưu đãi là phù hợp với hiệu quả hết sức ấn tượng. Tại huyện Tây Giang, trên 104 tỷ đồng đã đến với 3.714 hộ vay, hỗ trợ bà con chăn nuôi, ổn định cuộc sống, bám đất, bám làng”, Giám đốc NHCSXH huyện Tây Giang, Vũ Định cho biết.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng trao đổi cùng bà con vay vốn tại Điểm giao dịch xã A Nông. Ảnh: Đình Hiệp - Tuấn Ngọc
Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng trao đổi cùng bà con vay vốn tại Điểm giao dịch xã A Nông. Ảnh: Đình Hiệp - Tuấn Ngọc

Riêng tại xã A Tiêng, với dư nợ trên 24 tỷ đồng vốn chính sách đã cho trên 768 hộ vay; đặc biệt không có nợ quá hạn. Nhờ nguồn vốn ưu đãi mà cuối năm 2016 vừa qua đã có 23 hộ trong xã xin rút khỏi danh sách hộ nghèo - con số mà cấp uỷ, chính quyền bao năm mơ ước, nay đã tìm được hướng mở.

Sau khi nghe các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ hội, đoàn thể báo cáo về tình hình vay, trả nợ, lãi của từng hộ gia đình, chứng kiến phiên giao dịch của Tổ giao dịch lưu động NHCSXH huyện tại Điểm giao dịch xã A Tiêng và A Nông, Tổng iám đốc Dương Quyết Thắng đánh giá cao sự cố gắng, vượt khó của từng cán bộ nơi đây trong việc quản lý, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi, động viên đồng bào dân tộc vay, sử dụng hiệu quả đồng vốn đúng mục đích để thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Hỗ trợ giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 3-4%/năm
Đây là một trong các mục tiêu nằm trong Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 -...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư