Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng có trách nhiệm gì trong bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp có sai phạm
Nguyễn Lê - 12/03/2023 14:59
 
Thống đốc cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện một số giải pháp để kiểm soát, hạn chế rủi ro với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.
.
Ảnh minh hoạ.

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri Hà Nội về thanh tra, kiểm tra các ngân hàng trong phát hành, tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, cử tri thành phố Hà Nội đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực ngân  hàng; có quy định chặt chẽ trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp; sớm làm rõ trách nhiệm của các ngân hàng trong tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp có nhiều sai phạm trong thời gian qua, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhân dân.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơ quan thanh tra ngành ngân hàng vừa qua tập trung nguồn lực thanh tra các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, dễ phát sinh sai phạm. Công tác thanh tra giám sát không chỉ dừng ở giám sát tình hình tuân thủ, chấp hành quy định về an toàn trong hoạt động mà chú trọng giám sát, đánh giá rủi ro của các tổ chức tín dụng, nhất là các vấn đề như kinh doanh, đại lý bảo hiểm; chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn.

Năm 2022, thanh tra, giám sát ngân hàng đã thanh, kiểm tra 1.420 cuộc, trong đó 1.034 cuộc theo kế hoạch và 385 cuộc kiểm tra đột xuất.

Với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thanh tra đột xuất và có kết luận thanh tra tại 11 tổ chức tín dụng. Trên cơ sở kết quả thanh tra, cơ quan quản lý tiền tệ đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các ngân hàng có hành vi vi phạm.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, kết quả thanh tra và các biện pháp xử lý liên quan góp phần phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm và các rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động, đảm bảo việc chấp hành các quy định pháp luật trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Về quy định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhiều quy định được nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn để kiểm soát hoạt động này. Chẳng hạn, quy định về trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng (gồm cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp).

Hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp được tính vào dư nợ tín dụng của một khách hàng, và người có liên quan khi xác định giới hạn cấp tín dụng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra quy định tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và chỉ được mua khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn, góp vốn… Ngược lại, ngân hàng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính mình.

Trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán....

Thống đốc cho hay, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện một số giải pháp để kiểm soát, hạn chế rủi ro với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, như rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng nâng cao yêu cầu, chuẩn mực quản trị của các tổ chức tín dụng khi đầu tư, nắm giữ trái phiếu.

Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Tài chính hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu doanh nghiệp để khắc phục bất cập. Trong đó, nhà chức trách sẽ đưa ra quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ theo lộ trình. Đây cũng là giải pháp thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, thành kênh huy động vốn trung, dài hạn chính của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra ngành ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh trong năm nay và hoạt động thanh tra sẽ có trọng tâm, trọng điểm hơn, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại, xử lý nợ xấu và hỗ trợ các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, đúng pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng giám sát, phân tích, cảnh báo sớm và đề xuất biện pháp phòng ngừa rủi ro, khủng khoảng có nguy cơ ảnh hưởng đến mức độ an toàn, ổn định hệ thống tín dụng, đảm bảo dòng vốn hướng vào sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước sẽ cảnh báo kịp thời, xử lý các vi phạm trong cấp tín dụng của các ngân hàng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, hạch toán lãi dự thu; cũng như giám sát các lĩnh vực hiệu quả kinh doanh thấp nhưng tăng trưởng tín dụng cao, Thống đốc hồi âm cử tri.

Gỡ rối cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Sửa nghị định chỉ là điều kiện cần
Về cơ bản, điều kiện cần nhất để giải quyết câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp là dòng tiền thật vào mua trái phiếu và niềm tin.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư