Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ngân hàng Đài Loan đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam
Lê Tuấn - 24/09/2020 09:37
 
Ngân hàng Megabank của Đài Loan sẽ mở chi nhánh tại TP. Hải Phòng, nhằm đón đầu làn sóng doanh nghiệp công nghệ đến đầu tư tại Việt Nam.
.
Nếu được cấp phép, Megabank sẽ trở thành ngân hàng của Đài Loan đầu tiên có chi nhánh tại Hải Phòng.

Megabank vừa công bố đã nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xin cấp phép để mở chi nhánh tại TP. Hải Phòng. Đây chỉ là một trong nhiều ngân hàng của Đài Loan đang trong cuộc chạy đua để mở chi nhánh tại các địa phương phía Bắc của Việt Nam nhằm đón làn sóng doanh nghiệp công nghệ đến đầu tư tại Việt Nam.

Cùng với làn sóng các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Việt Nam, các ngân hàng của Đài Loan đến Việt Nam từ khá sớm, từ những năm 90 của thế kỷ trước và chủ yếu mở chi nhánh tại TP.HCM để phục vụ hàng ngàn nhà máy của Đài Loan đầu tư tại các tỉnh phía Nam. Tính đến nay, với hơn 10 ngân hàng có mặt, các ngân hàng của Đài Loan đã đứng đầu về số lượng chi nhánh, văn phòng đại diện ngân hàng của nước ngoài tại Việt Nam. Hiện Đài Loan có 2.764 dự án FDI tại Việt Nam và hầu như các doanh nghiệp này đều sử dụng dịch vụ tại ngân hàng Đài Loan.

Theo thống kê của Ủy ban Quản lý giám sát tài chính Đài Loan (FSC), ngành ngân hàng Đài Loan mặc dù phải đối mặt với tác động của Covid-19, nhưng hoạt động kinh doanh của chi nhánh tại nước ngoài vẫn tăng trưởng trong nửa đầu năm. Đặc biệt, các khoản vay trong chính sách “hướng Nam mới” (chính sách được chính quyền Đài Loan đưa ra từ năm 2016, với các biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp Đài Loan mở rộng tăng cường hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục với các nước Nam Á và ASEAN) giải ngân được hơn 4 tỷ USD, tăng 14%.

Theo các chuyên gia ngân hàng, việc nhiều ngân hàng Đài Loan tăng tốc mở rộng thêm chi nhánh, tập trung chủ yếu vào 4 nước ASEAN là Việt Nam, Indonesia, Myanmar và Campuchia, là để đáp ứng nhu cầu làn sóng “dịch chuyển” của doanh nghiệp công nghệ, điện tử Đài Loan đến các nước ASEAN, trong đó Việt Nam là trọng tâm. Mặt khác, việc thúc đẩy các ngân hàng đầu tư sang các nước ASEAN cũng nằm trong khuôn khổ chính sách “hướng Nam mới” và được chính quyền Đài Loan tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa.

Theo nhận định của Ngân hàng Megabank, Hải Phòng là trung tâm công nghiệp lớn thứ 2 tại miền Bắc, có cảng biển lớn nhất miền Bắc và sân bay quốc tế. Trong làn sóng đầu tư đang dịch chuyển, Hải Phòng đã có một số “đại bàng” của Đài Loan trong lĩnh vực điện tử, công nghệ đến đầu tư, như Pegatron, USI, Lite-ON... Nơi đây hứa hẹn sẽ sớm trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ hàng đầu của Việt Nam.

Nếu được cấp phép, Megabank sẽ trở thành ngân hàng của Đài Loan đầu tiên có chi nhánh tại Hải Phòng.

Theo thông tin của FSC, không chỉ Megabank, mà nhiều ngân hàng khác của Đài Loan cũng đang trong quá trình xin phép mở chi nhánh tại một số tỉnh phía Bắc, như Taishin, Caythay, CTBC... Tuy nhiên, việc thẩm định, cấp phép từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với việc mở chi nhánh của ngân hàng nước ngoài là tương đối chặt chẽ và cần nhiều thời gian. Lâu nhất là CTBC, đã xin cấp phép mở chi nhánh tại Hà Nội từ năm 2005, song vẫn chưa được sự chấp thuận của cơ quan chức năng Việt Nam.

Thống kê của FSC cho biết, 3 tháng đầu năm 2020, dù bắt đầu chịu tác động của đại dịch Covid-19, các ngân hàng của Đài Loan ở Việt Nam vẫn kinh doanh có lãi, khoảng 24 triệu USD. Con số này tuy thấp hơn khoản lợi nhuận 29 triệu USD của cùng kỳ năm trước, song là mức chấp nhận được trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Thời gian qua, ngoài việc chạy đua mở chi nhánh, các ngân hàng của Đài Loan cũng rất tích cực chăm sóc khách hàng bằng cách phối hợp với các cơ quan của Việt Nam, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và một số địa phương để tổ chức một số hội thảo, diễn đàn xúc tiến đầu tư tại Đài Loan cho khách hàng có nhu cầu hoặc kế hoạch tới Việt Nam đầu tư, nhằm làm rõ hơn các thủ tục, quy định và chính sách về đầu tư của Việt Nam.

Trong bối cảnh hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch giữa Việt Nam và Đài Loan ngày càng chặt chẽ hơn, việc các ngân hàng Đài Loan tăng tốc đến Việt Nam là tín hiệu tích cực, cho thấy môi trường, chính sách về tài chính, ngân hàng của Việt Nam ngày càng hội nhập và nhiều tiềm năng, cơ hội. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức với ngân hàng trong nước trong việc cạnh tranh thu hút khách hàng là doanh nghiệp đến từ Đài Loan.

Các tập đoàn công nghệ Đài Loan: Những quán quân “tàng hình”
Tuy có vai trò và độ ảnh hưởng lớn đến thị trường công nghệ thế giới nhưng các doanh nghiệp công nghệ Đài Loan lại dường như chỉ âm thầm,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư