Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng dồn dập đấu giá: Thị trường nợ xấu sôi động
Hà Tâm - 20/09/2017 07:49
 
Khoảng một tháng gần đây, hàng loạt ngân hàng bắt đầu rầm rộ công bố thông tin đấu giá tài sản đảm bảo. Dự kiến, chỉ trong vòng một tháng nữa, hoạt động mua bán nợ trên thị trường sẽ trở nên sôi động hơn, khi có đầy đủ các hướng dẫn cụ thể.

Ngân hàng tăng thu giữ tài sản đảm bảo

Theo kế hoạch, hôm nay (20/9), VietinBank sẽ thu giữ tài sản đảm bảo của ông Cung Minh Sơn và bà Lê Thị Bích Ngọc (Hà Nội). Đây là tài sản đảm bảo được hai cá nhân trên thế chấp để vay vốn cho Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Trịnh Luận (Hòa Bình). Hiện công ty này đã nợ quá hạn 5 năm với dư nợ gốc hơn 6,3 tỷ đồng, dư nợ lãi và lãi phạt hơn 5,2 tỷ đồng.

Tương tự, gần đây, Agribank cũng liên tiếp thu giữ và tổ chức đấu giá tài sản để thu hồi nợ xấu. Theo kế hoạch, ngày mai (21/9), Agribank Cao Thắng (Quảng Ninh) sẽ thu giữ một tài sản đảm tại khu vực phường Bạch Đằng (TP. Hạ Long). Cùng ngày, Công ty Mua bán nợ Agribank (Agribank AMC) sẽ tổ chức thu giữ tài sản đảm bảo của Công ty Vinalines Đông Đô do công ty này vi phạm nghĩa vụ trả nợ.

VAMC “nổ phát súng” đầu tiên về thu giữ khối tài sản đảm bảo khổng lồ của Saigon One Tower.
VAMC “nổ phát súng” đầu tiên về thu giữ khối tài sản đảm bảo khổng lồ của Saigon One Tower.

Ngoài ra, hàng loạt chi nhánh của Agribank như Agribank Bình Chánh, Agribank Gia Định, Agribank Hòa Bình, Agribank Hà Tây, Agribank, Agribank Đống Đa, Agribank Đông Hà Nội… cũng vừa liên tiếp phát ra thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo hoặc chọn tổ chức đấu giá tài sản. Tương tự, từ đầu tháng 9 tới nay, Vietcombank, Techcombank, NCB… cũng tăng cường thu hồi tài sản đảm bảo, bán đấu giá nợ xấu để thu hồi nợ.

Như vậy, sau khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nổ phát súng đầu tiên về thu giữ khối tài sản đảm bảo khổng lồ của Saigon One Tower theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu, các ngân hàng đã ráo riết thu hồi tài sản đảm bảo. Trong vòng 1 tháng qua - từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực - các ngân hàng đã thu giữ và bán đấu giá hàng trăm tài sản đảm bảo.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng tin tưởng, việc xử lý nợ xấu thông qua thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo thời gian tới sẽ tăng mạnh. Lý do là Nghị quyết 42 đã khẳng định quyền chủ nợ của ngân hàng và VAMC, cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo mà không cần phải qua tòa án và cho phép bán nợ xấu dưới giá sổ sách.

Thực tế, theo thông tin của một số ngân hàng, trước đây, nhiều doanh nghiệp chây ỳ, vin cớ đang tranh chấp nội bộ, người có nghĩa vụ liên quan vắng mặt... để không bàn giao tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực và VAMC thu giữ khoản nợ đầu tiên, một số khách hàng đã tự nguyện bàn giao tài sản đảm bảo cho ngân hàng. 

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC cũng khẳng định, sau khi VAMC thu giữ tài sản đảm bảo đầu tiên, ý thức hợp tác trả nợ của khách hàng đã được cải thiện. Hiện tại, VAMC đang chuẩn bị thu giữ và đấu giá thêm một số khoản nợ lớn. Trong quý IV/2017, VAMC sẽ đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường.

Thị trường mua bán nợ sẽ sôi động

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Nghị quyết 42 cho phép mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền mua nợ xấu qua các phiên đấu giá công khai. Với “làn sóng” thu hồi nợ và bán nợ đang gia tăng mạnh mẽ hiện nay, TS. Hiếu cho rằng, “chợ” mua bán nợ xấu sẽ trở nên sôi động trong thời gian tới. Ông Nguyễn Tiến Đông cũng nhận định, trong vòng một tháng nữa, hoạt động xử lý nợ xấu sẽ rất sôi động, kể cả hoạt động mua bán nợ xấu theo giá thị trường.

Với ‘làn sóng’ thu hồi nợ và bán nợ đang gia tăng mạnh mẽ hiện nay, TS. Hiếu cho rằng, “chợ” mua bán nợ xấu sẽ trở nên sôi động trong thời gian tới.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho hay, sở dĩ một tháng qua, các ngân hàng mới đẩy mạnh công tác thu nợ mà chưa dám mạnh dạn bán nợ là bởi nhiều hướng dẫn chưa thật cụ thể.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã được Thủ tướng giao chủ trì soạn thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19 về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 42. Giới chuyên gia kỳ vọng, sau khi có hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước, việc mua bán nợ xấu sẽ sôi động hơn.

Mặc dù Nghị quyết 42 đã khẳng định quyền chủ nợ, cho phép VAMC và ngân hàng được thu giữ tài sản không cần qua tòa án, song lãnh đạo nhiều ngân hàng khẳng định, các ngân hàng vẫn ưu tiên biện pháp khuyến khích, động viên khách hàng trả nợ, thay vì thu giữ ép buộc, kiện ra tòa.

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho hay, kinh nghiệm của ngân hàng này trong xử lý nợ xấu là sát sao cùng con nợ, động viên khách hàng trả nợ, đồng hành cùng khách hàng tìm nguồn trả nợ, cắt giảm lãi…

Trong khi đó, lãnh đạo Agribank cho hay, Ngân hàng chấp nhận giảm hàng chục ngàn tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ khách hàng trả nợ. Cụ thể, ngay khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, Ngân hàng công bố miễn toàn bộ lãi suất phạt quá hạn, điều chỉnh lãi suất của tất cả các khoản nợ xấu về mức lãi suất cho vay đang áp dụng… để khách hàng có thêm động lực trả nợ cho ngân hàng.

Gỡ nợ xấu, M&A ngân hàng bùng nổ
Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được cho là sẽ gỡ nút thắt trong hoạt động mua bán - sáp nhập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư