Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng hối hả chạy đua với tỷ phú Jack Ma
Thùy Liên - 01/11/2017 09:28
 
Không phải chuyện xa xôi ở Mỹ, Trung Quốc hay Hàn Quốc, ngay từ bây giờ, người bán hàng và mua hàng Việt Nam, kể cả người không có tài khoản ngân hàng, chỉ cần vài cú vuốt tay trên điện thoại là có thể hoàn tất giao dịch thanh toán hay chuyển tiền trong tích tắc. Làn sóng thanh toán bằng mã QR đã bắt đầu.

Alipay sắp “đổ bộ”, ngân hàng hối hả tung tiện ích QRPay

Cuối tuần qua, TPBank trở thành ngân hàng đầu tiên trong hệ thống ngân hàng Việt Nam ra mắt ứng dụng (app) thanh toán và chuyển tiền bằng mã QR (mã phản hồi nhanh) trên điện thoại di động có tên gọi QuickPay. Với ứng dụng này, người dùng khi muốn chuyển tiền hoặc thanh toán chỉ cần đưa điện thoại lên để quét mã, sau đó bấm vân tay hoặc mật mã cá nhân để xác thực là giao dịch thành công. Tất cả chỉ trong vài giây. 

a
Không cần máy cà thẻ, các cửa hàng giờ đây chỉ cần một tờ giấy dán mã QR là khách hàng có thể quẹt điện thoại thanh toán

Trước TPBank, 7 ngân hàng khác là Vietcombank, VPBank, ACB, Sacombank, OCB, HDBank, MaritimeBank cũng bắt tay với fintech Moca triển khai ứng dụng thanh toán tương tự. Nhiều ngân hàng khác, dù chưa có một ứng dụng riêng như TPBank, song cũng đã cung cấp tiện ích thanh toán bằng mã QR cho các khách hàng của mình như VietinBank, Agribank, LienVietPostBank, NCB... 

Rõ ràng, các ngân hàng Việt đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ trong phát triển thanh toán không chạm, đặc biệt là công nghệ thanh toán bằng mã QR. Theo các chuyên gia, động thái này không chỉ nhằm bắt kịp cuộc cách mạng thanh toán không chạm trên thế giới, mà còn là sự chạy đua và phòng thủ trước sự tấn công mạnh mẽ của AliPay thời gian tới.

Được biết, hiện doanh số giao dịch thực hiện qua mã QR tại Trung Quốc (chủ yếu qua AliPay và WechatPay) lên tới 1.650 tỷ USD. Tại quốc gia này, mã QR xuất hiện khắp mọi nơi, từ tấm bảng treo trên cổ người ăn xin, xe đẩy của người bán rong tới các cửa hàng bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại lớn.

Dù Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa xác nhận, song nhiều nguồn tin cho hay, cả AliPay và WechatPay đều đang tìm cách đổ bộ vào Việt Nam. Nếu không chuẩn bị kịp thời, cả ngân hàng và fintech Việt sẽ bị hai “gã khổng lồ” này nắm trọn thị phần ngay từ khi thị trường mới manh nha.

Khó khăn lớn nhất của ngân hàng Việt Nam là vẫn đang phải từng bước nỗ lực thay đổi thói quen tiêu dùng của chủ thẻ và mở rộng mạng lưới mechant (những người bán hàng có sử dụng dịch vụ thanh toán của ngân hàng). Trong khi đó, nếu vào Việt Nam, AliPay có thể nhanh chóng bùng nổ nhờ ăn sẵn mạng lưới người dùng đông đảo của ông lớn thương mại điện tử Lazada - vốn đã được Alibaba mua lại năm 2016.

Được biết, chủ đề thanh toán không chạm, đặc biệt là thanh toán bằng mã QR sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam (VEPF 2017) đầu tuần tới, với sự tham gia của tỷ phú Jack Ma - ông chủ của đế chế thanh toán điện tử AliPay. 

Thẻ ngân hàng, ATM và tiền mặt sắp bị “thất sủng”

Mặc dù tỏ ra lo ngại trước việc AliPay có thể sớm đổ bộ vào Việt Nam, song nhiều ngân hàng vẫn lạc quan cho rằng, việc tham gia cuộc chơi của nhiều ông lớn sẽ làm thay đổi toàn diện thói quen của người tiêu dùng, từ đó mở ra cơ hội cho tất cả ngân hàng, fintech tham gia thị trường.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho rằng, không giống như việc quẹt thẻ qua máy POS, việc thanh toán bằng mã QR rất đơn giản, bất kỳ ai, dù già hay trẻ, rành công nghệ hay không, đều có thể dễ dàng sử dụng. Chính vì vậy, khả năng áp dụng rộng rãi hình thức thanh toán này trong đời sống hàng ngày là rất lớn, giúp tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội. Theo đó, khách hàng giờ đây khi đi chợ, mua sắm, đi nhà hàng, uống cà phê, ngồi trà đá, đi taxi… chỉ cần có điện thoại cài sẵn ứng dụng thanh toán bằng QR là đủ, không cần tiền mặt hay thẻ.

a
Những mã QR hình ô vuông đen trắng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, thay đổi thói quen chi tiêu tiền mặt của người dân

Một cuộc khảo sát thị trường do Visa (công ty chuyên về công nghệ thanh toán toàn cầu) công bố cuối năm 2016 ước tính, có đến hơn 62% người tham gia trả lời cho biết, thích thanh toán điện tử hơn các cách thức truyền thống thông thường.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí tuần qua, ông Arn Vogels, Giám đốc khu vực Đông Dương MasterCard cho hay, kết quả điều tra của MasterCard cho thấy, 60% người dùng trẻ Việt Nam sẵn sàng thanh toán bằng QR. Nhu cầu thanh toán bằng mã QR sẽ tăng lên khi công nghệ này được triển khai rộng rãi, bao gồm cả thanh toán hóa đơn lẫn thanh toán thay tiền mặt khi giao hàng.

Ngân hàng Nhà nước nhất trí thành lập Tiểu ban mã QR
Thực hiện Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, tháng 9/2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch phát triển hệ thống POS tại các điểm bán, trong đó điểm mới nhất là có đề cập đến hình thức thanh toán bằng QR code. Trong tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhất trí thành lập Tiểu ban mã QR.
Thanh toán bằng mã QR có lợi cho tất cả các bên: người bán, người mua và ngân hàng. Khác với máy cà thẻ, hình thức thanh toán này có đặc điểm là dễ dàng triển khai xuống tất cả mechant, không cần đào tạo, đảm bảo vừa nhanh, vừa an toàn, vừa có chi phí hợp lý.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán điện tử (Ngân hàng Nhà nước)
Thanh toán di động sẽ bùng nổ
Với sự xuất hiện của Samsung Pay, thanh toán di động sẽ dần bùng nổ, khiến giấc mơ thanh toán không tiền mặt không còn quá xa vời.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư