Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng khai phá mảng khách hàng y tế
Thùy Liên - 16/06/2015 16:44
 
Là ngân hàng lớn đầu tiên khai phá mảng khách hàng y tế, song Chủ tịch HĐQT BIDV khẳng định, BIDV không nhắm tới mục tiêu lợi nhuận khi cho vay trong lĩnh vực này.
TIN LIÊN QUAN

 BIDV vừa trở thành ngân hàng TMCP đầu tiên tung ra gói tín dụng cho ngành y tế với quy mô 20.000 tỷ đồng, diễn ra từ 15/6/2015 đến hết ngày 31/05/2022. Theo đó, BIDV dành 12.000 tỷ đồng cho vay đầu tư trang thiết bị cho ngành y tế và 8.000 tỷ đồng đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cơ sở hạ tầng bệnh viện và phương án  khác. Điều đáng nói là gói tín dụng này được BIDV cho vay trong thời hạn dài (10-15 năm) và lãi suất rất hấp dẫn.

Cụ thể, theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng giám đốc BIDV, lãi suất cho vay trong hai năm đầu kể từ ngày giải ngân đầu tiên được tính theo lãi suất tiết kiệm 12 tháng (trả sau) cộng biên độ 1%, áp dụng lãi vay tối đa không quá 7,5%/năm từ nay đến hết năm 2016. Từ năm thứ ba trở đi, lãi suất cho vay là lãi suất tiết kiệm 12 tháng (trả sau) cộng biên độ 2%. Mức lãi suất cho vay thậm chí còn thấp hơn mức lãi suất mà Ngân hàng Phát triển áp dụng (7,8%).

 

Vậy với việc ban hành gói tín dụng trên, BIDV có kỳ vọng thu được lợi nhuận từ lĩnh vực còn nhiều mới mẻ là y tế? Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, hiện lãi suất huy động trung và dài hạn của BIDV trung bình đã khoảng 7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn là 11-12%/năm. Vì vậy, với lãi suất cho vay của gói tín dụng y tế (tối đa 7,5%/năm từ nay đến hết năm 2016), BIDV không đưa ra mục tiêu lợi nhuận mà chỉ đặt mục tiêu chung tay với Chính phủ giảm tải ngành y tế.

Theo thông tin của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến,  hiện nay, số giường bệnh trung bình ở nước ta mới đạt 23 giường/vạn dân trong khi Hàn Quốc là 80 giường, Nhật Bản là 140 giường. Còn theo khuyến cáo của WHO thì tối thiểu phải 39 giường. Như vậy, Việt Nam đang thiếu giường bệnh trầm trọng, đây là nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải bệnh viện, nhất là quá tải tại các bệnh viện tuyến trên thời gian qua.

Tuy nhu cầu đầu tư y tế là rất lớn song theo Bộ Y tế, trong giai đoạn 2012 – 2015, Nhà nước mới chỉ cân đối được khoảng 20.000 tỷ đồng, đáp ứng 44% nhu cầu vốn. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại là rất cần thiết để phát triển hạ tầng y tế. Bộ trưởng cũng tin tưởng, sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại trong tài trợ vốn vay cho ngành y tế sẽ tạo tiền đề tạo sự đột phá về cơ sở hạ tầng ngành y, đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân và hợp tác công – tư vào lĩnh vực này. Tất nhiên, một khi đã vay vốn thương mại mà không chỉ còn trông chờ vào vốn ngân sách để đầu tư, giá dịch vụ công cũng phải chuyển dần sang cơ chế tính đúng, tính đủ theo đúng lộ trình, Nhà nước chỉ hỗ trợ về chính sách bảo hiểm.  

Về phía BIDV, ông Trần Bắc Hà tin tưởng, sau bước đi tiên phong của BIDV, nhiều ngân hàng lớn trong nước sẽ hợp lực cho vay y tế để cải thiện giảm tải, hiện đại hóa trang thiết bị, hỗ trợ đào tạo cho y bác sĩ nâng cao tay nghề của mình.

Theo thông tin của báo Đầu tư, ngoài BIDV, hiện VietinBank cũng đang thương thảo với ngành y tế để triển khai một gói tín dụng cho ngành y tế. Trước đó, VietinBank cũng đã triển khai thí điểm mô hình hợp tác với bệnh viện Bạch Mai trong hỗ trợ thanh tóan cho bệnh nhân.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đầu tư vốn vào ngành y tế với lãi suất ưu đãi, trước mắt ngành ngân hàng có thể chưa thu được lợi nhuận. Tuy nhiên, y tế và giáo dục đang là lĩnh vực đang thu hút đầu tư tư nhân, vì vậy, đây là thị trường có nhiều khách hàng tiềm năng trong tương lai.

Chưa kể, khi cho vay các bệnh viện, nhờ mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, ngân hàng cũng có thêm một lượng khách hàng lớn là cán bộ, nhân viên bệnh viện cũng như bệnh nhân của các bệnh viện, được hưởng lợi từ nhiều dịch vụ như thu hộ, thanh tóan trong nước, thanh toán hóa đơn dịch vụ, thanh toán lương tự động…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư