Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng khóa "room" tìm cơ hội hút vốn ngoại
Vân Linh - 12/06/2024 08:11
 
Để tính đường dài, nhiều ngân hàng đang có xu hướng chọn phương án khóa “room” ngoại ở mức thấp hơn mức cho phép tối đa của cơ quan quản lý 30% hiện hành.

Khóa room ngoại

Chia sẻ về kế hoạch nới thêm room ngoại hoặc tìm kiếm cổ đông chiến lược ngoại trong thời gian tới, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank (mã: TCB) cho biết, hiện room ngoại của Techcombank là 22%, tỷ lệ này cho phép Ngân hàng phát hành 10% cho cổ đông chiến lược.

Techcombank cũng đang xem xét việc phát hành cho cổ đông chiến lược. Bởi thông thường phát hành cho cổ đông chiến lược thì giá cổ phiếu cao hơn, điều này mang lại lợi ích chung cho các cổ đông.

Năm vừa rồi VPBank (mã: VPB) đã làm thành công với SMBC, Techcombank cũng đang nghiên cứu cơ hội như vậy. Theo đó, Techcombank đang tìm kiếm cơ hội và kỳ vọng khi thị trường tốt hơn thì sẽ gặp được. 

Ngân hàng khó room ngoại tính chuyện đường dài.

Quả thực, ngành ngân hàng vừa chứng kiến thương vụ bán vốn ngoại, giá trị khủng lên tới cả tỷ USD, mở ra các cơ hội lớn về nguồn vốn, công nghệ và quản trị.

Cụ thể, VPBank vừa hoàn tất giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản. Giao dịch trị giá hơn 35,9 nghìn tỷ đồng (tức gần 1,5 tỷ USD). Dự báo làn sóng bán vốn ngoại còn sôi động.

HDBank (mã: HDB) cũng vừa công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông về việc tạm khóa “room ngoại” xuống 17,5%, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các dự án chiến lược.

Theo tài liệu được công bố, nhằm triển khai có hiệu quả các hạng mục thuộc chiến lược phát triển của HDBank trong thời gian tới, đảm bảo tuân thủ các quy định và phù hợp với nhu cầu đầu tư của các cổ đông nước ngoài, HDBank trình ĐHCĐ thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài còn 17,5%, giảm từ mức 20% hiện được quy định tại Điều lệ.

Tỷ lệ này có thể được điều chỉnh theo quyết định của ĐHĐCĐ trên cơ sở phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan.

HDBank là một trong số ít ngân hàng lớn chưa lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài. Ngân hàng có hoạt động kinh doanh tăng trưởng cao và liên tục trong hành trình 10 năm đổi mới, cùng dư địa phát triển còn nhiều, đặc biệt ở các mảng ngân hàng số, tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, ngân hàng đầu tư, chứng khoán, ngân hàng nông thôn…

Tìm cơ hội

Chia sẻ tại cuộc gặp với các nhà đầu tư vừa qua, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban quan hệ đầu tư của HDBank cho biết, ngân hàng này đã có sẵn sự chuẩn bị cần thiết cho đối tác chiến lược, để dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn.

Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn có thể triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi và HDBank tìm được những đối tác phù hợp. Theo ông Tùng, thời gian qua HDBank đã nhận được sự quan tâm từ một số đối tác nước ngoài đến từ Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.

Việc lựa chọn nhà đầu tư để phát hành tăng vốn, thu hút cổ đông chiến lược luôn nằm trong định hướng của ngân hàng nhằm nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đồng thời bảo đảm chỉ tiêu an toàn vốn và thanh khoản.

Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển từng thông tin với cổ đông, sẽ hoàn tất việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, cổ đông SHB cũng đã thông qua việc tiếp tục triển khai tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu dành cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Hồi tháng 7/2023, Reuters từng dẫn nguồn tin thân cận cho biết, SHB đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này, với định giá ngân hàng có thể đạt mức 2 - 2,2 tỷ USD. Nguồn tin cũng cho biết, thỏa thuận này dự kiến được hoàn tất trong năm 2023 hoặc đầu năm 2024 và cần được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng trong tháng 7/2023, HĐQT SeABank đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu đang lưu hành để chào bán cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là quỹ Norfund (The Norwegian Investment Fund for developing countries - Quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển). Thương vụ này cũng sẽ đem về cho SeABank tối thiểu 1.217 tỷ đồng và tối đa là 3.503 tỷ đồng. 

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đã mang lại những thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Vả lại, việc thu hút thêm vốn ngoại sẽ nâng cao năng lực tài chính cho các nhà băng. Thực tế, dù sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện, nhưng nhìn chung, vốn của ngân hàng Việt vẫn mỏng, hệ số an toàn vốn (CAR) thấp hơn nhiều so với khu vực.

Hở “room ngoại” nhờ phát hành riêng lẻ, khối ngoại chi hơn 400 tỷ đồng gom MBB
Khối ngoại mua thoả thuận gần 428 tỷ đồng cổ phiếu MBB trong đầu phiên giao dịch ngày 10/4. Cổ phiếu nhà băng này thường xuyên kín room ngoại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư