Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng khởi động năm mới 2020: Sôi động lên sàn, bán vốn và số hóa
Hà Tâm - 02/01/2020 10:39
 
Một thương vụ bán vốn giữa ngân hàng nội và đối tác ngoại sẽ diễn ra ngay trong tháng 1/2020, báo hiệu một năm sôi động của ngành ngân hàng. Cũng ngay từ đầu năm 2020, nhiều ngân hàng chuẩn bị sẵn sàng để lao vào cuộc đua sống còn là phát triển ngân hàng số.
ngân hàng BIDV đã khép lại năm cũ bằng một thương vụ M&A với giá trị kỷ lục. Ảnh: Đức Thanh
Ngân hàng BIDV đã khép lại năm cũ bằng một thương vụ M&A với giá trị kỷ lục. Ảnh: Đức Thanh

Những thương vụ M&A mở màn năm 2020

Thương vụ đình đám giữa Ngân hàng BIDV và KEB Hana (Hàn Quốc) với giá trị kỷ lục 875 triệu USD đã khép lại một giai đoạn 10 năm mua bán - sáp nhập (M&A) vô cùng sôi động của ngành ngân hàng. Bước sang năm 2020, sóng M&A dự báo vẫn tiếp diễn, bởi nhiều thương vụ đang trong vòng đàm phán.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, ngay trong tháng 1/2020 sẽ có một thương vụ M&A mở màn. Cụ thể, dự kiến trong khoảng từ ngày 16/1 đến 20/1, Ngân hàng NCB sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu bổ sung một thành viên Hội đồng Quản trị và một thành viên Ban Kiểm soát. Gần như 100% nhà đầu tư chiến lược mới của NCB sẽ lộ diện. Trước đó, hai nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Singapore đã tích cực cho đợt phát hành mới để tăng vốn điều lệ sắp tới.

Sau NCB, hàng loạt thương vụ M&A đình đám khác cũng đang “xếp hàng” đàm phán và chờ Chính phủ phê duyệt, như MB, Vietcombank, Ocean Bank, GPBank… Trong đó, đáng chú ý nhất là thương vụ Vietcombank chào bán riêng lẻ 6,5% cổ phần cho đối tác nước ngoài, nhiều khả năng cũng diễn ra trong năm 2020. Nếu tính theo giá thị trường của cổ phiếu Vietcombank đóng cửa phiên cuối năm 2019, thì 6,5% cổ phần của Vietcombank tương ứng với hơn 22.000 tỷ đồng, tức gần 1 tỷ USD.

Được biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ mong muốn được nắm giữ cổ phiếu VCB của Vietcombank. Trong đó, GIC và Mizuho - hai cổ đông ngoại hiện hữu của Vietcombank - đều muốn mua thêm cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ này.

Ngoài ra, thời gian tới, rất có thể, VietinBank sẽ được Chính phủ thí điểm nới room, đồng thời Agribank tiến hành cổ phần hóa. Điều này đồng nghĩa với thị trường sẽ chứng kiến thêm những thương vụ gọi vốn khủng.

Sự tăng trưởng ổn định của kinh tế Việt Nam đã giúp ngành ngân hàng tăng trưởng tốt. Các ngân hàng Việt vì thế trở thành thỏi nam châm hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đại diện một quỹ đầu tư cho hay, suốt một năm qua, quỹ đầu tư này liên tục nhận được “đặt hàng” của các nhà đầu tư ngoại về cơ hội mua cổ phần ngân hàng trong nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, nhu cầu bán cổ phần để tăng vốn của các ngân hàng, cộng với yếu tố kinh tế Việt Nam vẫn là một điểm sáng của khu vực. Việc Chính phủ tuyên bố không cấp phép lập mới các ngân hàng có vốn nước ngoài đến hết năm 2020, Nhà nước giảm dần tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng quốc doanh… khiến sóng M&A ngân hàng sẽ tiếp diễn trong năm 2020.

Bên cạnh mua bán, sáp nhập, năm 2020, thị trường cũng sẽ chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt tân binh ngân hàng trên sàn chứng khoán.

Hiện nay, mới có 17 trong tổng số 31 ngân hàng thương mại tại Việt Nam niêm yết cổ phiếu trên cả ba sàn giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại sẽ phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức (sàn UPCoM).

Bức tranh ngân hàng số sẽ thay đổi chóng mặt

Kể chuyện thanh toán, giao dịch tại Mỹ, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng kể: “Từ sân bay về nhà tôi khoảng 2 tiếng. Khi hai vợ chồng bắt đầu từ sân bay về nhà, bà xã tôi sử dụng điện thoại để đi chợ, thanh toán các đơn hàng và thực hiện các giao dịch trên sàn chứng khoán. Khi về đến nơi, hàng đã được giao trước cửa nhà, các giao dịch hàng chục ngàn USD cũng đã được chốt, tất cả đều thông qua điện thoại”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng cho hay, cách đây 5 năm, ông đến thăm chi nhánh một ngân hàng bán lẻ lớn nhất Tây Ban Nha, khi đó có gần 100 người. Thế nhưng, đầu năm nay, chi nhánh ngân hàng này chỉ còn 3 nhân viên.

Công nghệ đang thay đổi chóng mặt thói quen người tiêu dùng và cũng thay đổi chóng mặt cách thức vận hành của các nhà băng. Thời gian qua, lĩnh vực ngân hàng trên thế giới đã chứng kiến sự ra đời của nhiều mô hình mới, như ngân hàng di động, ngân hàng online (hoàn toàn không có chi nhánh), ngân hàng chuỗi khối… Việc ứng dụng các công nghệ vào hoạt động ngân hàng cũng gia tăng, bao gồm Internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, in 3D, blockchain…

Tại Việt Nam, các ngân hàng cũng đang nhanh chóng tham gia làn sóng chuyển đổi này. Với Vietcombank, ông Phạm Anh Tuấn, ủy viên HĐQT Vietcombank cho hay, lãnh đạo ngân hàng này đã phát đi một thông điệp trong nội bộ “chuyển đổi số hay là chết” để đảm bảo tinh thần này “thấm” đến toàn bộ nhân viên.

Không chỉ Vietcombank, tại nhiều ngân hàng khác, vấn đề chuyển đổi số được đặt ra với tinh thần “tồn tại hay không tồn tại”. Nhiều ông chủ nhà băng cũng không tiếc tay đầu tư mạnh cho công nghệ và đào tạo nhân lực, đổi mới quy trình để chuyển đổi số.

Nếu như trước đây, để gửi tiền hay rút tiền, chuyển khoản, người dân phải xếp hàng dài để giao dịch, thì hiện nay, sự vắng vẻ của các điểm giao dịch ngân hàng đã trở nên quen thuộc. Những chiếc máy CDM, Live Bank, những chiếc điện thoại kết nối Internet… đã hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng mà không cần đến nhân viên ngân hàng. Chỉ tính riêng trong năm 2019, nhiều ngân hàng đã cắt giảm hàng ngàn nhân viên.

Ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám VPBank khẳng định, lợi ích của ngân hàng số là rất lớn, nhưng đây cũng là thách thức với các nhà băng. Một trong những cơ hội và cũng là rủi ro lớn nhất của các nhà băng thời số hóa là ngôi vị có thể dễ dàng bị hoán đổi. “Có những ngân hàng hiện nay trong Top 10, nhưng với công nghệ, chỉ trong thời gian ngắn, họ có thể nhanh chóng leo lên vị trí dẫn đầu”, ông Khương nói.

Công nghệ phát triển khiến khách hàng ngày càng có những trải nghiệm đa dạng. Nếu như trước đây, quẹt thẻ để thanh toán biểu trưng cho người “sành điệu”, thì nay, quẹt thẻ đã trở thành lạc hậu, thanh toán một chạm, thanh toán không cần thẻ đã trở thành xu thế. Thậm chí, trên thế giới đã có những ngân hàng không hề có chi nhánh, mà hoàn toàn hoạt động online.

Tại Việt Nam, các ngân hàng cũng đang tăng tốc chạy đua công nghệ và đưa ra nhiều sản phẩm sáng tạo. Ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, năm 2020, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh khốc liệt trong cuộc chiến thu hút khách hàng, giảm phí, gia tăng tiện ích.

“Trọng tâm lớn nhất mà các ngân hàng cạnh tranh trong năm 2020 là phát triển thanh toán và dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ thẻ. Với ACB, chúng tôi muốn biến thẻ ngân hàng thành thẻ vạn năng, có thể tích hợp với căn cước công dân để sử dụng không chỉ cho thanh toán, mà còn sử dụng trong mọi lĩnh vực, như bảo hiểm, giao thông…”.

Không chỉ cạnh tranh lẫn nhau, trong bối cảnh công nghệ phát triển, ngân hàng còn phải cạnh tranh với rất nhiều fintech, đặc biệt là các fintech trong lĩnh vực thanh toán. Vì vậy, số hóa ngân hàng, số hóa sản phẩm sẽ là lĩnh vực chuyển động mạnh nhất và cũng sẽ diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt nhất trong thập kỷ mới này.

Các fintech đã và đang nở rộ, như sự xuất hiện của ví điện tử, hình thức thanh toán bằng QR code, cho vay P2P… Các hoạt động này sẽ tiếp tục sôi động hơn nữa trong năm 2020. Nếu không muốn mất thị phần, các ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc, mà phải có những thay đổi để bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Theo đó, ngân hàng một mặt mạnh tay đầu tư có chiến lược chuyển đổi số, mặt khác cần hợp tác với các công ty fintech để nhanh chóng thích nghi với thị trường.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng

Ngành ngân hàng và “nghệ thuật” M&A
Cách đây 20 năm, M&A đã là công cụ quan trọng của ngành ngân hàng khi tái cấu trúc các ngân hàng cổ phần sau khủng hoảng tài chính châu Á...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư