Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Ngân hàng lớn nhất nước Đức "quay xe" với thị trường Nga
Lê Quân - 13/03/2022 18:40
 
Ngân hàng lớn nhất nước Đức Deutsche Bank vừa tuyên bố họ đang lên kế hoạch đóng cửa hoạt động kinh doanh ở Nga.
Deutsche Bank cho biết họ sẽ không có
Deutsche Bank cho biết họ sẽ không có "bất kỳ hoạt động kinh doanh mới nào ở Nga" trong tương lai. Ảnh: AFP

Đài CNN bình luận, tuyên bố rút khỏi thị trường Nga hôm 11/3 của Deutsche Bank là cú đảo chiều mạnh mẽ. Nó diễn ra chỉ 1 ngày sau khi đại diện Deutsche Bank nói trên đài CNBC rằng việc rời khỏi thị trường Nga là phi "thực tế". Cần nhắc lại rằng trong quá khứ Deutsche Bank đã dính vào những rắc rối pháp lý liên quan đến vụ rửa tiền của Nga.

"Tương tự như một số đối tác quốc tế và phù hợp với các nghĩa vụ pháp lý và quy định của chúng tôi, chúng tôi đang trong quá trình thu hẹp các hoạt động kinh doanh còn lại ở Nga, đồng thời hỗ trợ các khách hàng đa quốc gia (không phải người Nga) của mình trong việc cắt giảm hoạt động của họ", Deutsche Bank thông báo vào cuối ngày 11/3.

Trong tương lai, Deutsche Bank cho biết họ sẽ không có "bất kỳ hoạt động kinh doanh mới nào ở Nga". Động thái này của Deutsche Bank diễn ra 1 ngày sau khi Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư đầu tiên Mỹ, và sau đó là một đại diện ngân hàng khác của Mỹ - JPMorgan Chase - công bố kế hoạch ngừng hoạt động ở Nga.

Hiện chưa rõ điều gì khiến Deutsche Bank "quay xe" với thị trường Nga, bởi vào đầu tuần này phía ngân hàng Đức cho biết họ đã "hạn chế" làm ăn với thị trường Nga và tổng mức cho vay đạt khoảng 1,5 tỷ USD. Con số này nhiều hơn gấp đôi mức cho vay của Goldman Sachs tại thị trường Nga.

"Như chúng tôi đã nhiều lần đề cập, chúng tôi lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine bằng những điều khoản mạnh mẽ nhất có thể và ủng hộ chính phủ Đức cùng các đồng minh trong việc bảo vệ nền dân chủ và tự do của chúng tôi", Deutsche Bank khẳng định.

Deutsche Bank đã "giảm đáng kể" việc tiếp cận thị trường Nga kể từ năm 2014. Vào đầu năm 2017, Deutsche Bank dính án phạt hơn 600 triệu USD vì các chi nhánh của họ ở New York, Moscow và London liên quan đến một kế hoạch rửa tiền trị giá 10 tỷ USD của người Nga.

Không riêng gì lĩnh vực ngân hàng, làn sóng doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi thị trường Nga ngày càng dâng cao. Hàng chục công ty Mỹ, châu Âu và Nhật Bản hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã từ bỏ các công ty liên doanh, nhà máy, cửa hàng và văn phòng tại Nga trong 2 tuần qua, nhằm đáp trả cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và hưởng ứng các lệnh trừng phạt lên nền kinh tế này. Trong đó, nhiều "ông lớn" ngành công nghệ và tiêu dùng đã quyết định "chia tay" thị trường Nga, đơn cử như McDonald's, Coca-Cola, Apple, cùng với các "ông lớn" dầu mỏ như BP và Shell.

Về phần mình, Nga đang cân nhắc việc thu giữ tài sản của những doanh nghiệp phương Tây ngừng hoạt động ở nước này. Hãng thông tấn Nga TASS dẫn thông tin từ tờ Izvestiya cho hay, Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga đã lập danh sách các công ty đã quyết định rời thị trường và có thể bị quốc hữu hóa.

Được biết, danh sách trên đã được chuyển tới chính phủ Nga và Văn phòng Viện kiểm sát Liên bang Nga, nó liệt kê 59 công ty, trong đó có các tập đoàn hàng đầu thế giới như Volkswagen, Apple, IKEA, Microsoft, IBM, Shell, McDonald's, Porsche, Toyota, và H&M. Danh sách này có thể sẽ được tiếp tục cập nhật thêm.

Mặt khác, chính phủ Nga đã ban hành danh mục hàng hóa và thiết bị nhập khẩu mà doanh nghiệp bị cấm mang ra khỏi nước này. Theo một tuyên bố được đăng tải trên website chính phủ Nga, danh mục trên gồm hơn 200 mặt hàng, từ mặt hàng công nghệ, viễn thông, thiết bị y tế, xe cộ, máy móc nông nghiệp, thiết bị điện, đến toa xe lửa và đầu máy, container, tua-bin, kim loại và máy xử lý đá, màn hình, máy chiếu… Các lệnh cấm trên sẽ duy trì hiệu lực cho đến cuối năm 2022.

Nga tuyên bố sẽ thu giữ tài sản của doanh nghiệp tháo chạy
Nga cho biết họ có thể sẽ thu giữ tài sản của những doanh nghiệp phương Tây tạm ngừng hoạt động tại nước này.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư