Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Mỹ viện trợ quốc phòng 200 triệu USD cho Ukraine, Đức và Pháp kêu gọi Nga ngừng bắn
Lê Quân - 13/03/2022 12:32
 
Các lực lượng Nga đang cách trung tâm thủ đô Kyiv của Ukraine khoảng 15 km, điều này làm dấy lên lo ngại Nga sẽ sớm tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào Kyiv.
Xe tăng Ukraine di chuyển trên đường tại vùng Luhansk, phía Đông Ukraine. Ảnh: AFP
Xe tăng Ukraine di chuyển trên đường tại vùng Luhansk, phía Đông Ukraine. Ảnh: AFP

Lo ngại Nga sẽ sớm tấn công vào Kyiv

Đài CNBC dẫn lại thông tin trên từ báo cáo tình báo cập nhật của Anh hôm 12/3. Trong khi đó, các nhà chức trách Ukraine cáo buộc Nga ngăn cản việc sơ tán người dân khỏi thành phố cảng Mariupol ở miền Nam nước này. Theo phản ánh của đài CNBC, thành phố Mariupol đang bị bao vây chặt và điều kiện trong thành phố rất tồi tệ, dân thường không thể thoát ra ngoài trong khi thực phẩm, nước và điện đều thiếu thốn.

Chính quyền Ukraine cho biết Nga hôm 12/3 đã tiến hành các cuộc không kích vào nhiều thành phố khác của Ukraine và động thái này cho thấy Moscow đang mở rộng các cuộc tấn công, đặc biệt là ở miền Tây Ukraine.

Các hình ảnh vệ tinh mới được chụp lại cho thấy đoàn xe quân sự của Nga bất động một thời gian ở phía Bắc thủ đô Kyiv, nay đã được tái triển khai tới các thị trấn và khu rừng bên ngoài Kyiv, báo hiệu một đợt di chuyển mới tiến về thành phố này.

Trong một bài phát biểu tối 12/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho rằng, Nga đang cố gắng chia cắt đất nước này bằng cách lập ra "các nền cộng hòa giả tạo" mới, hãng thông tấn AP đưa tin.

Tổng thống Zelenskyy cho biết: "Những kẻ chiếm đóng trên lãnh thổ vùng Kherson đang cố gắng lặp lại điều đáng buồn về sự hình thành các nền cộng hòa giả tạo".

"Họ đang hăm dọa các lãnh đạo địa phương, gây áp lực lên cấp phó, tìm ai đó để hối lộ", ông Zelenskyy nói thêm.

Theo Tổng thống Ukraine, các thành viên Hội đồng thành phố Kherson hôm 12/3 đã bác bỏ kế hoạch về việc thành lập một nền cộng hòa mới. Kherson nằm ở phía Nam Ukraine và hiện chịu dưới sự kiểm soát của các lực lượng Nga.

Nga đã ủng hộ cuộc chiến ly khai ở miền Đông Ukraine kể từ năm 2014. Trước khi chính thức tấn công vào Ukraine vào cuối tháng 2 vừa qua, Nga đã công nhận độc lập đối với hai khu vực Donetsk và Luhansk của Ukraine.

Trong diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga sẽ ngày càng dựa vào lính đánh thuê để tấn công Ukraine. Bộ Quốc phòng Anh nêu trong một thông báo cuối ngày 12/3 rằng, khi tổn thất gia tăng đối với quân đội Nga ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ "buộc phải sử dụng các nguồn thay thế" để tăng cường lực lượng quân chính quy.

Bộ Quốc phòng Anh dẫn lời Tổng thống Putin cho biết, sẽ có "16.000 tình nguyện viên chủ yếu là người Trung Đông" đến hỗ trợ cuộc tấn công Ukraine.

Cũng theo Bộ Quốc phòng Anh, kể từ cuối năm 2020, lính đánh thuê Syria đã triển khai cùng với các lực lượng ủy nhiệm của Nga ở Libya. Nga cũng có kinh nghiệm hợp tác chiến đấu với người Syria để ủng hộ nhà cầm quyền Bashar al-Assad. Vào thời điểm đó, các quan chức Lầu Năm Góc (Mỹ) cho rằng Nga đã tham gia vào cuộc bắn phá bừa bãi vào thành phố Aleppo vào năm 2016.

Trước đó, Moscow thừa nhận đã sử dụng lính Nga nhập ngũ vào cuộc tấn công Ukraine.

Mỹ viện trợ an ninh 1,2 tỷ USD cho Ukraine

Trong một tuyên bố vào cuối ngày 12/3, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết Washington tăng thêm một đợt hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine, bao gồm cả vũ khí để chống lại "các mối đe dọa từ thiết giáp, đường không và các mối đe dọa khác". Khoản viện trợ này nâng tổng số viện trợ an ninh của Mỹ cho Ukraine lên 1,2 tỷ USD.

"Chúng tôi hoan nghênh các lực lượng vũ trang của Ukraine và tất cả người dân Ukraine đang bảo vệ đất nước của họ với kỹ năng tuyệt vời, ý chí sắt đá và lòng dũng cảm sâu sắc", Ngoại trưởng Mỹ nói, đồng thời khẳng định Washington cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho Kyiv.

Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp kêu gọi ông Putin ngừng bắn

Theo thông báo mới nhất của Chính phủ Đức, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cùng kêu gọi Nga ngừng bắn ngay lập tức và cần tiến hành một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến ở Ukraine.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong cuộc điện đàm kéo dài 75 phút của hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc điện đàm này diễn ra sau khi hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp có cuộc trao đổi với Tổng thống Ukraine Zelenskyy trong cùng ngày.

Một nguồn tin của Điện Elysee (Pháp) nói với tờ NBC News rằng cuộc điện đàm diễn ra "rất thẳng thắn" và "ất khó khăn". Nguồn tin này cho biết thêm, ông Putin đã không đưa ra tín hiệu nào cho thấy ông sẽ ngừng chiến tranh.

Nga bị cáo buộc kiểm soát hoàn toàn nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya

Phía Ukraine vừa tố cáo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) rằng Nga đang lên kế hoạch kiểm soát hoàn toàn và vĩnh viễn đối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya  - nơi mà lực lượng Nga đã tấn công hơn 1 tuần trước.

Tuy nhiên, Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc trên, theo IAEA.

Ông Petro Kotin, Chủ tịch Công ty điều hành nhà máy điện hạt nhân Energoatom của Ukraine, đã thông báo đến IAEA rằng khoảng 400 binh sĩ Nga đã có mặt toàn thời gian ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya. Ông Kotin cũng xác nhận với IAEA rằng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya đang nằm dưới sự kiểm soát của chỉ huy lực lượng quân đội Nga. 

Trước đó vào ngày 8/3, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin, Lực lượng vệ binh quốc gia Nga đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và các nhân viên của nhà máy đang làm việc bình thường.

Chiến sự Nga - Ukraine đẩy thế giới đến bờ vực khủng hoảng lương thực
Ông Svein Tore Holsether, Giám đốc điều hành Công ty sản xuất phân bón Yara International (Na Uy) cho rằng, thế giới đang đến bên bờ một cuộc khủng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư