Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Ngân hàng mạnh tay đẩy vốn cho vay sau Tết
Thùy Vinh - 21/02/2024 09:41
 
Room tín dụng được cấp hết ngay từ đầu năm và mặt bằng lãi suất cho vay giảm dần là điều kiện để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Mạnh tay “bơm” vốn ra nền kinh tế

Gói cho vay phục vụ sản xuất - kinh doanh dành cho khách hàng cá nhân của Sacombank đã được bổ sung 10.000 tỷ đồng, nâng hạn mức lên thành 35.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay chỉ từ 6%/năm đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng hoặc chỉ từ 7%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. Trong khi đó, gói vay mới phục vụ đời sống của ngân hàng này có hạn mức 10.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, cố định trong 6 tháng, 12 tháng hoặc 24 tháng. Cả hai gói vay đều được triển khai đến hết ngày 31/3.

Tương tự, từ nay đến hết ngày 31/12/2024, SHB dành 18.000 tỷ đồng ưu đãi cho khách hàng cá nhân vay vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh và nhu cầu đời sống như mua nhà, mua xe ô tô…, với lãi suất từ 6,79%/năm. Khách hàng sử dụng thêm các sản phẩm, dịch vụ khác của SHB được giảm thêm tối đa 0,8%/năm.

Nam A Bank cũng giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà trên dưới 2%/năm so với năm 2022. Tại OCB, lãi suất cho vay ưu đãi còn 7 - 8%/năm. Từ đầu năm 2024, BIDV áp dụng mức lãi suất cho khách hàng cá nhân vay mua nhà từ 6,5%/năm trong 6 tháng đầu hoặc từ 7%/năm trong 12 tháng đầu, thời gian vay tối thiểu là 36 tháng. Vietcombank cho vay mua nhà với lãi suất chỉ từ 7%/năm trong 12 tháng đầu hoặc vay mua, xây sửa nhà, đất ở với lãi suất 7,3%/năm trong 18 tháng đầu…

Ông Nguyễn Văn Hương, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Bán lẻ, OCB nhận định, năm 2024 sẽ có nhiều điểm sáng kích cầu tín dụng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp hết room 15% ngay đầu năm, từ đó tạo lực đẩy tăng trưởng tín dụng nói chung. Tuy nhiên, phải đến quý III/2024, thị trường mới phục hồi rõ nét, sức mua sẽ tăng dần kéo theo nhu cầu vay vốn tăng trở lại, trong đó có cả tín dụng nhà ở.

Thúc đẩy tín dụng ngay từ đầu năm

Lãnh đạo NHNN vừa ký Công văn số 1088/NHNN-CSTT về việc tăng trưởng tín dụng năm 2024 gửi các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Công văn nêu rõ, ngày 31/12/2023, NHNN đã thông báo giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để các tổ chức tín dụng chủ động, quyết liệt thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và triển khai các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây. Do đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm 2024 theo các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thống đốc NHNN đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ tại Chỉ thị 01/CT-NHNN và Nghị quyết số 103/2023/QH15 Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 (Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 và các Nghị quyết có liên quan).

NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm 2024, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối năm 2023 khoảng 13,5 triệu tỷ đồng, mức tín dụng tăng thêm ước khoảng 2 triệu tỷ đồng.

Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, NHNN sẽ điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, muốn nền kinh tế hấp thu được vốn, cần cả hai phía, nền kinh tế sôi động thì tín dụng mới tăng nhanh. Song muốn nền kinh tế sôi động, trước hết, phải kích cầu đầu tư công, tiêu dùng...; ngân hàng có cơ chế mở, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục trong cho vay vốn, nhưng kiểm soát được rủi ro.

Lãi suất cho vay đang về mức thấp nhất, đã đến lúc an cư
Lãi suất cho vay đang về mức thấp nhất trong 20 năm qua cùng hàng loạt chính sách ưu đãi cho vay để kích cầu của ngân hàng, thị trường bất động...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư