Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Ngân hàng mạnh tay tăng lãi suất tiền gửi: Không phải do thanh khoản căng
Thùy Liên - 10/12/2024 08:12
 
Các ngân hàng đang ra sức cạnh tranh thu hút các khoản tiền gửi lớn, với lãi suất có thể tăng tới 1% so với lãi suất niêm yết.
Lãi suất huy động có dấu hiệu tăng nhiệt trong hơn một tháng qua. Ảnh: Đức Thanh

Cạnh tranh thu hút các khoản tiền gửi lớn, ngân hàng khan vốn?

Chị Hoàng Thanh Lê (Hà Nội) cho biết, đầu tháng 12/2024, chị được nhân viên VPBank mời chào gửi tiết kiệm với lãi suất ưu đãi. “Tôi gửi tiết kiệm 500 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng, sẽ được ngân hàng tính lãi suất 5,7%, tăng 0,7% so với lãi suất niêm yết”, chị Phương cho biết.

Không chỉ VPBank, hầu hết các ngân hàng hiện nay đều áp dụng lãi suất “đặc biệt” với các khoản tiền gửi lớn. Tiền gửi càng nhiều thì mức lãi suất đặc biệt càng lớn. Hiện nay, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại một số ngân hàng lên tới 6-6,25%/năm, áp dụng với khoản tiền gửi từ 1-3 tỷ đồng. Với các khoản tiền gửi từ 5-10 tỷ đồng, lãi suất tiền gửi thỏa thuận có thể cao hơn nữa.

Làn sóng tăng lãi suất huy động chưa dừng lại kể từ tháng 4/2024 đến nay và đang có dấu hiệu tăng nhiệt trong hơn một tháng qua, khi số lượng ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi trên 6%/năm ngày càng nhiều.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất là để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng dịp cuối năm. Ngoài ra, tăng lãi suất huy động cũng là giải pháp giúp các ngân hàng cạnh tranh với các kênh đầu tư khác.

Tuy vậy, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, lãi suất huy động tăng không loại trừ nguyên nhân khác. “Có thể do đầu ra (tín dụng) tăng, song cũng có thể do thanh khoản của ngân hàng có vấn đề, hoặc do nợ xấu đang tăng lên, nên ngân hàng buộc phải tăng huy động để bù đắp”, ông Nghĩa nói.

Theo chuyên gia này, lãi suất đầu vào tăng sẽ khiến lãi suất cho vay nhích lên. Trong khi đó, sức cầu của nền kinh tế đang suy yếu. Tín dụng toàn hệ thống tính tới ngày 22/11 chỉ tăng hơn 11%, còn xa mục tiêu 15% cả năm.

Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước vừa nới room tín dụng lần thứ hai kể từ đầu năm, cho thấy sự tăng trưởng tín dụng không đồng đều giữa các ngân hàng. Theo báo cáo tài chính quý III/2024, 9 tháng đầu năm nay, có ngân hàng tăng trưởng tín dụng hai con số, song cũng có nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm.

Tiền gửi vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng

Chỉ trong tuần đầu tháng 12, thị trường ghi nhận thêm 5 ngân hàng tăng lãi suất. Lãi suất tiền gửi tăng trong khi các kênh đầu tư khác còn bấp bênh khiến dòng tiền gửi tiếp tục đổ vào ngân hàng.

Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi (NTU) nhận định: “Trong bối cảnh kinh tế biến động, gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn an toàn cho nhà đầu tư ưu tiên bảo toàn vốn. Với lãi suất huy động quanh mức 6%/năm, gửi tiết kiệm không chỉ đảm bảo lãi suất thực dương, mà còn giữ được tính thanh khoản cao”.

Áp lực điều hành và lãi suất

- TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

Nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục lộ trình giảm lãi suất trong tháng 12/2024 và năm 2025. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donal Trump, dù lãi suất giảm, giá trị USD vẫn duy trì ở mức cao. USD không giảm giá, thì Việt Nam vẫn chịu sức ép về tỷ giá, ngay cả khi Fed giảm lãi suất. Do đó, câu chuyện điều hành và lãi suất sẽ tiếp tục gây áp lực cho ngân hàng Nhà nước trong năm tới.

Tiền gửi ngân hàng đang giữ mức kỷ lục hơn 14 triệu tỷ đồng. Ông Huy cho rằng, có 3 nguyên nhân chính khiến người dân ồ ạt gửi tiền vào ngân hàng: lãi suất đang ấm lên; nhà đầu tư đang thiếu kênh đầu tư phù hợp do thị trường chứng khoán, bất động sản khó khăn, trong khi vàng đang chững lại và tiềm ẩn nhiều rủi ro; thị trường nhiều bất ổn khiến nhà đầu tư có tâm lý gửi tiền vào ngân hàng để chờ đợi, sẵn sàng nắm bắt cơ hội trong tương lai. 

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ hội giảm lãi suất cho vay hầu như không còn. “Năm 2024, nhờ tiết giảm chi phí, hệ thống ngân hàng đã giảm được khoảng 0,7% lãi suất cho vay. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cơ hội giảm thêm lãi suất trong thời gian tới là rất khó, năm nay là ‘vùng đáy’ của lãi suất cho vay”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Mặc dù mặt bằng lãi suất có thể nhích lên, song chuyên gia này cho rằng, năm nay tín dụng có thể tăng 15% và sang năm có thể tăng 13-17% tùy thuộc vào sự phục hồi của thị trường bất động sản, trái phiếu… Nông nghiệp, xuất khẩu và bất động sản vẫn được dự báo là những lĩnh vực hấp thụ vốn tốt của nền kinh tế.

Trong bối cảnh lãi suất huy động nóng lên từng ngày, cuối tháng 11/2024, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay..., phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Tín dụng tăng nhanh hơn huy động, ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi
Nhà đầu tư “chán” chứng khoán, chưa quay lại với bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp khiến tiền gửi ngân hàng tăng kỷ lục. Dẫu vậy,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư