Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng Nhà nước cứng rắn với tất toán vàng
Thùy Liên - 20/06/2013 12:55
 
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là các ngân hàng thương mại phải hoàn thành đóng trạng thái vàng, nhưng một số ngân hàng vẫn chần chừ chưa muốn thực hiện. Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ không có chuyện “du di” cho các ngân hàng về thời hạn tất toán vàng (ngày 30/6).

Hơn 2 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã tung gần 800.000 tấn vàng ra thị trường để phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng tất toán trạng thái, song nhiều ngân hàng vẫn chưa tất toán xong. Với thông điệp cứng rắn vừa được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra, hẳn không ngân hàng nào còn dám chây ỳ.

Tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm vừa diễn ra tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã bày tỏ sự không hài lòng với các ngân hàng về sự chậm trễ tất toán vàng và đưa ra thông điệp cứng rắn, tổ chức nào không tất toán được sẽ bị xử lý nghiêm.

Sau 30/6, ngân hàng chưa tất toán trạng thái vàng trong tài khoản có thể chịu án phạt nhất định từ Ngân hàng Nhà nước

Hiện còn khoảng 6-7 ngân hàng chưa đóng trạng thái vàng. Trong đó, trường hợp lớn nhất là Ngân hàng SCB với khoảng 4 tấn vàng chưa kịp tất toán. Tuy nhiên, đây là ngân hàng tái cơ cấu, nên sẽ được đóng trạng thái vàng theo cơ chế riêng.

Tuy nhiên, với số ngân hàng còn lại, để tất toán vàng kịp thời hạn trước ngày 30/6, Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ phải bơm vàng ra thị trường.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Sau ngày 30/6, có thể sẽ có một số trường hợp chưa thể tất toán đúng hạn, song số lượng không nhiều. Tôi cho rằng, nếu trường hợp này xảy ra, các ngân hàng sẽ chịu một án phạt nhất định từ Ngân hàng Nhà nước, chứ Ngân hàng Nhà nước sẽ không trì hoãn thời hạn tất toán trạng thái nữa”.

Về diễn biến thị trường vàng sau ngày 30/6, TS. Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhận định, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ thu hẹp do sức cầu vàng sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, sức cầu sẽ giảm một cách từ từ, chứ không thể giảm ngay.

“Lạm phát chưa ổn định, nên tâm lý của người dân vẫn sẽ tìm đến vàng. Vì vậy, chênh lệch giá vàng thời gian tới sẽ giảm dần, nhưng đòi hỏi giảm nhanh và giảm ngay là rất khó”, TS. Kiêm nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị, một khi các ngân hàng đã tất toán xong trạng thái vàng, Ngân hàng Nhà nước nên giảm bơm vàng ra thị trường để tránh bất ổn vĩ mô.

Về phía doanh nghiệp kinh doanh vàng, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI đánh giá cao cách thức can thiệp thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước. Song đại diện này cũng hy vọng, về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước sẽ trả lại thị trường cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

“Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước nên trao cho doanh nghiệp kinh doanh vàng các công cụ để phòng ngừa rủi ro chứ không thể yêu cầu họ bán ra rồi bị động ngồi chờ nguồn cung từ doanh nghiệp”, ông Phú nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư