Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ngân hàng nhỏ lo nợ xấu sẽ ngày càng xấu
Thùy Vinh - 03/11/2013 20:56
 
Các ngân hàng hiện khó kiểm soát được nợ xấu phát sinh từ khoản vay cũ, do sức khỏe doanh nghiệp rất yếu và mất khả năng trả nợ, đặc biệt là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Nhà băng mới "chuyển chỗ ở" cho nợ xấu

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, chỉ riêng trên địa bàn TP.HCM, tính đến cuối tháng 9/2013, nợ xấu vẫn chiếm 5,99% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, nợ nhóm 5 chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng nợ xấu, với gần 70% và chủ yếu tập trung ở lĩnh vực bất động sản, vay tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM

Các ngân hàng đã sử dụng nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, trong đó có 3 giải pháp chủ yếu là sử dụng quỹ dự phòng rủi ro, thu nợ bằng tiền và xử lý tài sản đảm bảo vay.

Thu nợ bằng tiền được xem là giải pháp tốt nhất, song không dễ vì doanh nghiệp gặp khó, chưa có nguồn thu trả nợ.

Còn xử lý nợ qua khởi kiện ra tòa, thi hành án vướng nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian.

Việc xử lý bán tài sản của khách hàng cũng khó khăn trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bất động sản đóng băng.

Nợ xấu gia tăng và có diễn biến khá phức tạp. Ông Trần Ngọc Thành, Phó giám đốc Ngân hàng MHB Chi nhánh Sài Gòn cho biết, nợ nhóm 2, nhóm 3 đang rất dễ chuyển xuống nhóm 4, nhóm 5, nên ngân hàng phải rất thận trọng trong đẩy vốn cho vay.

Nợ xấu đang trở nên xấu hơn ở các ngân hàng nhỏ. Chẳng hạn, tại PG Bank, tín dụng tăng trưởng âm 5,6% trong 9 tháng đầu năm nay, nhưng tỷ lệ nợ xấu chiếm đến 9,5% tổng dư nợ (tương đương 1.240 tỷ đồng).

Đáng chú ý, trong cơ cấu nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn của PG Bank đến cuối tháng 9/2013 đã tăng gần gấp 3 lần so với quý trước đó (tương đương mức tăng tới 188,7%), với 685 tỷ đồng. PG Bank cũng chính là một trong số các ngân hàng buộc phải bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo quy định.

Trường hợp khác, nợ xấu của Navibank tiếp tục tăng và đến cuối tháng 6/2013, tổng nợ xấu của nhà băng này là 854 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cuối năm 2012, chiếm đến 6,1% tổng dư nợ, cao gấp đôi so với quy định của NHNN là 3%. Nợ nhóm 5 của Navibank cũng tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.

Nợ nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn, xem như khách hàng không thể trả nợ và ngân hàng buộc phải bỏ vốn ra xóa nợ bằng cách trích lập dự phòng 100%. Chính vì thế, dự phòng của các ngân hàng đã gia tăng mạnh trong 3 quý đầu năm, khiến lợi nhuận giảm mạnh.

Đơn cử, tỷ lệ nợ xấu này của Eximbank tính đến cuối quý III/2013 ước chiếm tới 1,56% tổng dư nợ, cao hơn so với mức 1,32% vào cuối năm 2012. Vì chi phí dự phòng rủi ro mà Eximbank phải trích lập khoảng 171 tỷ đồng, tăng 108% so với cùng kỳ năm ngoái, nên ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận cả năm.

Dự kiến, VAMC sẽ xử lý được từ 40.000 đến 70.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay. NHNN đặt mục tiêu đến cuối năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu, đồng thời, kiểm soát có hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng để góp phần thực hiện thành công mục tiêu của đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định rằng, nợ khó đòi của cả hệ thống ngân hàng hiện chưa rõ con số chính xác bao nhiêu, vì mỗi nơi công bố một kiểu.

Nếu tính nợ xấu chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ, thì con số tuyệt đối sẽ là hàng trăm ngàn tỷ đồng. VAMC chỉ có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, nên khó sớm giải quyết hết số nợ xấu.

Nếu không quyết liệt, nợ xấu đã tăng thêm 10%
Trả lời trước Quốc hội sáng nay (1/11), Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, các giải pháp của NHNN đã giúp nợ xấu giảm 10%. Năm 2014,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư