Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 09 năm 2024,
Ngân hàng tính chuyện "buôn" nợ xấu
Hà Tâm - 12/05/2017 08:47
 
Khó kỳ vọng vào Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nhiều ngân hàng đang tìm cách mua lại số nợ đã bán để tự xử lý. Thậm chí, một số ngân hàng bắt đầu tính chuyện “buôn” nợ xấu.

Vì sao ngân hàng đua mua nợ đã bán cho VAMC?

Tại mùa họp đại hội đồng cổ đông năm nay, lãnh đạo nhiều ngân hàng như VIB, OCB,

VietinBank, Techcombank, MB, SCB,  ACB, VPBank... đã trình cổ đông kế hoạch mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC.

Giao dịch tại VietinBank. Ảnh: Đức Thanh
Giao dịch tại VietinBank. Ảnh: Đức Thanh

Trước đó, cuối năm 2016, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên mua toàn bộ 4.300 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC.

Vậy đâu là lý do khiến các ngân hàng muốn mua lại nợ đã bán cho VAMC?

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, sớm hay muộn, Chính phủ và Quốc hội cũng sẽ bắt buộc các ngân hàng phải đưa nợ xấu về một sổ, thay vì nợ nội bảng và ngoại bảng (gửi tại VAMC) như hiện nay. Do đó, việc mua lại nợ xấu từ VAMC sẽ giúp ngân hàng giảm áp lực sau này.

Bên cạnh đó, hoàn thành xử lý nợ xấu tại VAMC cũng làm ngân hàng giảm bớt gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng thương mại khác cho hay: “VAMC đã cứu các ngân hàng lúc khó khăn nhất, song thời hạn 5 năm gửi nợ cho VAMC đã sắp hết mà nợ vẫn chưa xử lý được, nên chúng tôi muốn mua lại để tự xử lý cho chủ động và cũng để giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro”.

Theo vị lãnh đạo này, trước đây, khi bán nợ cho VAMC, các ngân hàng kỳ vọng, một công ty mua bán nợ cấp quốc gia có thể xử lý dứt điểm nợ xấu. Tuy nhiên, trên thực tế, VAMC cũng gặp những vướng mắc không khác gì ngân hàng.

Việc một số ngân hàng tiên phong mua lại nợ từ VAMC là dấu hiệu đáng mừng. Điều này cho thấy, nhiều ngân hàng đã tận dụng tốt thời gian “gửi nợ” tại VAMC để phục hồi và hiện nay đã có thể tự xử lý được toàn bộ khối nợ xấu đã bán đó.

Đương nhiên, không phải ngân hàng nào cũng đủ khả năng mua lại nợ xấu. Hầu hết các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp (dưới 1,5%) và có nguồn lợi nhuận khá dồi dào mới đủ sức thực hiện giải pháp này.

Lên kế hoạch “buôn” nợ xấu

Không chỉ mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC, ngày càng nhiều ngân hàng có kế hoạch tham gia thị trường mua bán nợ. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vừa qua, Vietcombank đã trình cổ đông thông qua đề xuất thành lập Công ty mua bán nợ. Đầu tuần này, Vietcombank đã được Ngân hàng Nhà nước bổ sung hoạt động mua nợ vào giấy phép hoạt động.

Cũng tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2017 vừa diễn ra, Ngân hàng VIB được cổ đông thông qua kế hoạch mua nợ của các tổ chức tín dụng khác về khai thác với số nợ tối đa 6.000 tỷ đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia, các ngân hàng đang có dấu hiệu đón đầu thị trường mua bán nợ, khi Nghị quyết về xử lý nợ xấu sắp được đưa ra Quốc hội xem xét, thông qua.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, hiện các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa từ bỏ mối quan tâm mua lại nợ xấu của Việt Nam. Tuy vậy, để bán được cho nhà đầu tư nước ngoài, các ngân hàng thương mại lẫn VAMC phải phân loại nhóm nợ “sạch” về thủ tục, không vướng tranh chấp để bán cho nhà đầu tư.

Trước đó, ông Daniel Wu, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành CTBC Financial Holding Co. (Đài Loan) cũng khuyến cáo các ngân hàng Việt Nam cần tách riêng tài sản tốt, tài sản xấu để dễ quản lý và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, hơn 70% tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu là bất động sản. Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi, cộng thêm sự tham gia ngày càng nhiều của các chủ thể mua bán nợ là điều kiện thuận lợi để thị trường mua bán nợ có thể khởi động thành công. Vấn đề còn lại chỉ còn là cơ chế.

Trong khi chờ đợi Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu, VAMC và các ngân hàng vẫn đang tích cực xử lý và phân loại nợ.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC cho hay, năm 2017, VAMC sẽ tập trung tái cơ cấu nợ, xử lý phân loại để phát mại tài sản và thu hồi khoảng 33.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy vậy, để xử lý nợ xấu nhiều hơn, VAMC vẫn phải chờ sự thay đổi của hành lang pháp lý.

Nhịn cổ tức để tăng vốn, xử lý nợ xấu
Với áp lực dự phòng rủi ro chưa giảm, cổ đông ngân hàng khó trông chờ cổ tức ở mức cao. Thậm chí, các nhà băng đang trong quá trình tái cấu trúc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư