Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nhịn cổ tức để tăng vốn, xử lý nợ xấu
Thùy Vinh - 11/04/2017 15:36
 
Với áp lực dự phòng rủi ro chưa giảm, cổ đông ngân hàng khó trông chờ cổ tức ở mức cao. Thậm chí, các nhà băng đang trong quá trình tái cấu trúc tiếp tục nói “không” với cổ tức.

Cổ tức chủ yếu dành để tăng vốn

Mở màn mùa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, LienVietPostBank trình cổ đông việc lên sàn UPCoM trong năm nay. Cùng với đó là kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng.

Cũng tại đại hội lần này, Hội đồng Quản trị LienVietPostBank đã điều chỉnh tăng cổ tức năm 2016 từ 8% lên 10%, vì năm 2016, LienVietPostBank đạt lợi nhuận trước thuế 1.348 tỷ đồng, hoàn thành 147% so với kế hoạch và tăng 3,2 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, trong 10% cổ tức chi trả của LienVietPostBank, chỉ 4% được chi trả bằng tiền mặt và 6% còn lại được chi trả bằng cổ phiếu.

.
LienVietPostBank đạt lợi nhuận trước thuế 1.348 tỷ đồng.

Trong khi đó, Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB trình Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hôm nay (ngày 10/4) với cổ tức năm 2016 ở mức 10%, nhưng bằng cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ, nâng cao tiềm lực tài chính để đáp ứng chuẩn Basel II. ACB cũng lên kế hoạch tăng vốn thêm gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2017, từ mức hơn 10.200 tỷ đồng hiện nay.

Kết thúc năm 2016, Ngân hàng OCB đạt 484 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,51%. Thế nhưng, trao đổi về cổ tức năm 2016, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị OCB cho hay, mức cổ tức năm 2016 dự kiến chia cho cổ đông khoảng 5%, phần còn lại dành cho việc tăng vốn.

Thực tế trong những năm gần đây, tăng vốn là một bài toán hết sức khó khăn đối với các ngân hàng và không ngân hàng nhỏ và vừa nào tăng được vốn điều lệ. OCB cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Hiện vốn của ngân hàng này ở mức 4.000 tỷ đồng, cho dù đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận cho tăng lên 4.500 tỷ đồng.

Hay trường hợp của Ngân hàng Eximbank, tuy đạt 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm qua, song nhà băng này không thể chia cổ tức, do phải tập trung nguồn lực cho xử lý nợ xấu.

Thậm chí, Ngân hàng Techcombank cũng không chia cổ tức năm 2016 và chưa nhắc đến kế hoạch cổ tức năm 2017, dù mục tiêu lợi nhuận nhà băng đặt ra là 5.000 tỷ đồng trước thuế.

Cần sự chia sẻ từ cổ đông

Theo đánh giá của TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối nghiên cứu kinh tế (Tập đoàn Dragon Capital), hệ thống ngân hàng hiện nay có thể được chia ra làm 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất là các ngân hàng lớn, đã qua giai đoạn khó khăn của xử lý nợ xấu, kể cả các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Chẳng hạn Vietcombank đã mua lại các khoản nợ xấu bán cho VAMC trước đây để xử lý, thu hồi và trích lập đầy đủ dự phòng trong năm qua. Các ngân hàng cổ phần lớn hiện sức khỏe đã được cải thiện nhiều và khá tốt so với trước.

Nhóm thứ hai là các ngân hàng cổ phần đứng sau top đứng đầu và dự kiến phải mất 2 - 3 năm nữa mới xử lý xong các khoản nợ xấu, trong đó có nợ xấu lớn đã bán cho VAMC.

Nhóm còn lại là những ngân hàng nhỏ, yếu kém, khó tránh nguy cơ “chết lâm sàng”, nên cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý để lành mạnh hóa hệ thống. Với các ngân hàng trong nhóm này, cổ đông không thể kỳ vọng cổ tức.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng SCB cho biết, trong quá trình tái cấu trúc và xử lý nợ xấu, đòi hỏi ngân hàng phải hy sinh rất lớn, nên cần sự đồng lòng và chia sẻ từ các cổ đông. Trong năm qua, con số dự phòng mà SCB đã phải trích đã tăng đáng kể, hơn 1.000 tỷ đồng, tổng quỹ dự phòng của SCB đã trích đến thời điểm này lên đến gần 5.000 tỷ đồng. Lợi nhuận làm ra chủ yếu dành cho dự phòng rủi ro.

“SCB chưa thể chia cổ tức trong những năm tái cơ cấu, mà phải dành mọi nguồn lực để trích dự phòng, củng cố hoạt động… Nếu cổ đông không chia sẻ với HĐQT, Ban điều hành sẽ rất khó để thực hiện mục tiêu”, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết.

Dự phòng rủi ro để đối phó với nợ xấu
Hoạt động kinh doanh tuy đã có phần khởi sắc, nhiều nhà băng xây dựng kế hoạch lãi ngàn tỷ đồng cho năm nay, nhưng áp lực dự phòng vẫn là gánh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư