Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Ngân hàng ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu
Thùy Liên - 25/03/2020 11:00
 
Lãnh đạo của nhiều ngân hàng như MBBank, TPBank, SHB, ACB… cho biết, số lượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 khá lớn. Tại nhiều ngân hàng, dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Các ngân hàng đang khẩn trương xem xét hồ sơ hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định.

Nhiều khách vay sụt giảm 80% doanh thu

Làm thế nào để được ngân hàng hỗ trợ là câu hỏi của nhiều doanh nghiệp hiện nay, sau khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN  về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 có hiệu lực ngày 13/3 vừa qua.

Sau khi NHNN ban hành Thông tư 01 nói trên, hiện nhiều ngân hàng thương mại đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai trong nội bộ.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) chia sẻ, vướng mắc chủ yếu hiện nay là về tiêu chí đánh giá, do khách hàng không chỉ bị ảnh hưởng bởi yếu tố Covid 19 mà còn có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác.

“Bây giờ nếu tập trung đánh giá lại toàn bộ khách hàng sẽ mất nhiều thời gian nên chúng tôi thống nhất trong toàn hệ thống, chỉ đánh giá tiêu chí liên quan đến ảnh hưởng thu nhập, doanh thu sau COVID-19. Nguồn thu cũng là  yếu tố trọng yếu nhất của khách hàng. MBBank đã triển khai đánh giá mức độ ảnh hưởng của khách hàng từ đầu tháng 3/2020.  Theo đánh giá, khu vực miền Trung xác định khách hàng giảm sút 70-80% doanh thu, chúng tôi đã xây dựng danh sách bước đầu, khoảng 1000 tỷ đồng được giảm lãi suất khoảng 1% so với lãi suất hiện nay họ đang được áp dụng. Về cho vay mới, ngày 14/2/2020, ngân hàng đã đưa ra gói cho khách hàng vừa và nhỏ 10.000 tỷ đồng và hiện nay chúng tôi đang giải ngân dần”, bà Hà cho biết.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc TPBank, ông Nguyễn Hưng cũng cho biết, trước khi có TT01, TPBank đã chủ động xem xét danh mục khách hàng. Trong danh mục khách hàng phân tích của TPBank, có khoảng 20% khách hàng bị ảnh hưởng nặng, 40% khách hàng còn lại ảnh hưởng tương đối, 40% khách hàng khác ít bị ảnh hưởng, 13% ko bị ảnh hưởng như hàng tiêu dùng, thiết yếu…

“Việc thực hiện Thông tư 01 sẽ tạo điều kiện khách hàng giảm bớt áp lực tài chính khi không có doanh thu trong thời gian này như: Hàng không, du lịch, khách sạn… TPBank dự kiến trong tháng 3 xem xét giãn nợ khoảng 200 khách hàng với dư nợ 1500 tỷ đồng. Tổng số khách hàng bị ảnh hưởng khoảng 20-30 nghìn tỷ đồng/tổng dư nợ”, ông Hưng cho biết.

Lãnh đạo TPBank cũng cho hay, ngân hàng không thấy vướng mắc trong quá trình triển khai Thông tư 01, chỉ “vất vả” là lượng hồ sơ từ các đơn vị đưa lên xem xét, đánh giá cơ cấu nợ vẫn phải làm đầy đủ các bước theo quy trình. Vấn đề còn lại chỉ là nguồn lực để triển khai.

Tại SHB, Bà Ninh Thị Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc SHB cho biết, ngay sau khi Thông tư của NHNN ban hành, SHB đã ban hành nhiều giải pháp. Đối với nội bộ, SHB cũng có những giải pháp để có thể vận hành liên tục như dự phòng các điểm để tránh phong tỏa, đối với nhân viên thì cho làm việc tại nhà, các cuộc họp thì thường họp online.

Đối với khách hàng, có một số giải pháp và chính sách như: Phát dung dịch diệt khuẩn, khẩu trang, đối với những dịch vụ chuyển tiền thì giảm 30-50%, đối với khách gửi tiền online thì cộng thêm lãi suất 0,4-0,5%, đối với khách hàng gửi tiền tiết kiệm và cho vay cá nhân thì sẽ tặng gói bảo hiểm COVID-19.

SHB cũng rà soát các hoạt động kinh doanh của các DN ảnh hưởng bởi COVID-19 để đưa ra các gói hỗ trợ phù hợp…

Quán triệt tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp

Tại buổi làm việc trực tuyến với các ngân hàng thương mại ngày hôm qua (24/3), Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, tình hình dịch bệnh chưa biết thời điểm nào kết thúc, mức độ tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế tăng lên theo cấp số nhân, khiến nhiều DN phải tạm dừng hoạt động.  Mục tiêu của NHNN là kiểm soát tốt lạm phát, về điều hành tỷ giá tránh tâm lý yếu tố thị trường, tác động của dịch, thể hiện rõ quan điểm điều hành chủ động, đặc biệt trong việc đưa ra quyết sách.

Theo Phó Thống đốc, phía trước còn rất nhiều việc phải bàn và nghiên cứu, từng bước định hình xem sự hỗ trợ của Nhà nước, ngân sách đối với nền kinh tế cũng như sự hỗ trợ ngành ngân hàng với DN, người dân mức độ thể nào để đảm bảo mục tiêu hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Điều này cũng chính là giải quyết khó khăn cho ngành ngân hàng.

Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã tập trung hoãn, giãn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, giảm phí cho các DN, tiếp tục cho vay mới tạo điều kiện cho DN vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành để phát tín hiệu rõ ràng, mạnh mẽ sẵn sàng hỗ trợ TCTD trong trường hợp cần tiếp cận vốn.  

Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại  quán triệt tinh thần chia sẻ, đồng hành với ngân hàng. Năm nay, các NHTM trên tinh thần giảm lãi, sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp; tập trung đánh giá thiệt hại, khó khăn của DN, khách hàng vay vốn, đánh giá khó khăn của mình trong hiện tại, ngắn hạn và trung hạn. Chú trọng lĩnh vực nóng, lĩnh vực ưu tiên đến xuất khẩu, sản xuất, lưu thông đặc biệt là những đối tượng liên quan đến hàng hoá thiết yếu hiện nay.

 Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh đến sự đồng thuận trong ứng xử, mong muốn Hiệp hội NH, các NH nhìn nhau trong bối cảnh dịch bệnh bệnh này cùng xử lý đồng thuận trong hệ thống cả về lãi suất, đối tượng được hưởng cơ chế ưu đãi…;

Ngành ngân hàng họp bàn cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Hôm nay (2/3), NHNN họp với các tổ chức tín dụng về tăng cường triển khai các giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư