Thứ Hai, Ngày 07 tháng 04 năm 2025,
Ngân hàng vừa và nhỏ tham vọng lợi nhuận tăng cao
Vân Linh - 07/04/2025 08:31
 
Hầu hết các nhà băng nhỏ và vừa đều đặt mục tiêu lợi nhuận tăng cao trong năm 2025, với kỳ vọng tín dụng tích cực.

Saigonbank (mã: SGB) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ năm 2025 được tổ chức vào ngày 24/4 tại TP.HCM, với lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với mức thực hiện năm 2024.

Tổng tài sản dự kiến đạt 34.900 tỷ đồng, tăng 5%; Tổng dư nợ cho vay mục tiêu 24.700 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2024; Vốn huy động đạt 30.100 tỷ đồng, tăng 5%; thanh toán đối ngoại 300 triệu USD.

Để đạt được mục tiêu, Saigonbank tiếp tục duy trì cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn trên nguyên tắc đảm bảo thanh khoản và tối ưu hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, áp dụng nhiều kênh huy động vốn đa dạng phát triển trên nền tảng số, thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất.

Mục tiêu lãi của ngân hàng vừa và nhỏ tăng trong 2025

Vietbank (mã: VBB) sẽ tiến hành ĐHĐCĐ vào ngày 26/4 tới để trình cổ đông thông qua các chỉ tiêu kinh doanh năm nay. Theo đó, Vietbank dự kiến tổng tài sản đến cuối năm 2025 đạt 180.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối 2024. Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 112.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm rồi; tổng huy động vốn đạt 132.000 tỷ đồng, tăng 17%.

Số lượng khách hàng tăng 85% so năm rồi. Lợi nhuận trước thuế năm 2025 dự kiến đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 55% so với mức đạt được của năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2,5%; ROE đạt 13,5%... Theo Vietbank, tỷ giá và lãi suất khả năng ít biến động trong năm nay cũng là kỳ vọng của ngân hàng trong tăng trưởng tín dụng, hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 diễn ra ngày 28/3 vừa qua, Nam A Bank đã trình cổ đông thông qua chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra năm nay ở mức 5.000 tỷ đồng trước thuế, tăng 10% so với năm 2024, cổ tức dự chia 25% bằng cổ phiếu để tăng thêm vốn điều lệ.

Đồng thời, tổng tài sản dự kiến ở mức 270.000 tỷ đồng, tăng 10% với dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế ở mức 194.000 tỷ đồng, tăng 16%. Huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và giấy tờ có giá ở mức 209.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu được kỳ vọng không vượt quá 2,5%, trong khi các tỷ lệ an toàn theo đúng quy định.

Trong khi đó, Bac A Bank (mã: BAB) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 11%; lợi nhuận tăng 4,4% năm 2025, đồng thời, triển khai kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ thêm gần 38% cao nhất trong lịch sử, nâng vốn điều lệ lên trên 12.350 tỷ đồng, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 4,4% so với năm trước, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.

Ngân hàng này đặt mục tiêu tổng tài sản tăng hơn 10%, đạt 182.264 tỷ đồng. Huy động vốn từ khách hàng tăng gần 7%, đạt 135.941 tỷ đồng, trong khi tín dụng dự kiến tăng 11%, lên 124.598 tỷ đồng. Bac A Bank cũng dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ hơn 7%.

PGBank (mã: PGB) vừa thông qua việc tạm giao kế hoạch kinh doanh năm 2025. Theo kế hoạch, tổng tài sản của ngân hàng này dự kiến tăng trưởng từ 15-20%. Dư nợ tín dụng sẽ được thực hiện theo hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và định hướng chính sách điều hành tín dụng của cơ quan này trong từng thời kỳ.

Nguồn vốn huy động dự kiến tăng trưởng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng được kiểm soát dưới 2%.

Đáng chú ý, PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 716 tỷ đồng. Trước đó, năm 2024, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 421 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023 và đạt 76% kế hoạch. Như vậy, mức tăng trưởng lợi nhuận mà PGBank hướng tới trong năm 2025 lên tới 70%.

Thậm chí, ABBank (mã: ABB) tham vọng lợi nhuận trước thuế tăng 131% trong năm 2025. ABBank sẽ tiến hành đại hội cổ dông thường niên năm 2025 vào ngày 18/4 tới tại Hà Nội, trình cổ đông thông qua chỉ tiêu kinh doanh năm 2025, với lợi nhuận trước thuế đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 131% so với thực hiện năm 2024.

Tổng tài sản đạt 200.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2024; Huy động từ khách hàng tăng 5% lên 115.458 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng tăng 16% lên 127.810 tỷ đồng (điều chỉnh theo cơ chế điều hành tăng trưởng tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước); Tiếp tục kiểm soát tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 3% theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Hiện tại, đây là mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong khối ngân hàng. Trong khi đó, nhiều nhà băng khác đưa ra kế hoạch thấp hơn như OCB dự kiến tăng 33%, VIB tăng 22%, NamABank tăng 10%, ACB tăng 9,5%…

nếu vẫn giữ vững được tăng trưởng xuất khẩu 8-10%, củng cố được niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng tăng trưởng kinh tế, tín dụng sẽ tăng mạnh, song NIM (biên lãi ròng) khó kỳ vọng tăng.

Giới phân tích tài chính đưa ra nhận định, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ là động lực chính cho lợi nhuận của ngân hàng năm 2025 chứ không phải là biên lãi thuần. Hiện tại, thu nhập từ hoạt động ngoài lãi của các ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ so với thu nhập từ hoạt động tín dụng (năm 2024 chiếm trên 78% tổng lợi nhuận các ngân hàng niêm yết).

Vì thế, động lực tăng trưởng thu nhập từ hoạt động tín dụng chủ yếu đến từ hai yếu tố: biên lãi thuần (NIM) và tăng trưởng tín dụng. Nhưng trong bối cảnh lãi suất ít biến động và chủ trương đưa ra không tăng lãi suất cho vay, NIM sẽ khó có khả năng tăng mạnh. 

Lợi nhuận ngân hàng quý I/2025 tăng mạnh so với cùng kỳ
Mặc dù giảm tốc so với quý IV/2024 song nếu so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận của đa phần ngân hàng vẫn tăng mạnh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư