Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Ngành chăn nuôi trước tác động của TPP và AEC: Nguy cơ thu hẹp sản xuất
Thanh Tùng - 10/10/2015 08:28
 
Ngành sản xuất chăn nuôi của Việt Nam được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi các hiệp định tự do mà Việt Nam tham gia chính thức có hiệu lực trong thời gian tới.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố Báo cáo “Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến nền kinh tế Việt Nam”. Theo báo cáo này, ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ bị thu hẹp sản xuất do cạnh tranh gay gắt từ các đối tác thuộc TPP và AEC.

“Người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu sẽ được lợi, trong khi đó, các nhà sản xuất và xuất khẩu sẽ chịu thua thiệt khi phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ các nước thành viên TPP và AEC”, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhấn mạnh và cho biết, theo tính toán các kịch bản xảy ra tại TPP, thì lượng thịt nhập khẩu từ Australia, New Zealand và Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ làm quy mô sản xuất chăn nuôi của Việt Nam giảm sút.

Tuy mở ra cơ hội rất lớn, song TPP cũng đặt ngành chăn nuôi trước nhiều thách thức        ảnh: đức thanh
Tuy mở ra cơ hội rất lớn, song TPP cũng đặt ngành chăn nuôi trước nhiều thách thức. Ảnh: Đức Thanh

Việc Việt Nam cắt giảm thuế quan đối với sản phẩm của ngành chăn nuôi dự kiến sẽ có tác động tiêu cực đến tổng sản lượng của ngành, chủ yếu là do chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn của các sản phẩm nhập khẩu.

Ngoài ra, các sản phẩm động vật, các sản phẩm thịt và các sản phẩm sữa sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi cắt giảm thuế quan ngoài ngành chăn nuôi, so với các phân ngành chăn nuôi còn lại. Một khi thuế quan được dỡ bỏ bởi TPP và AEC, sự thay thế bởi các sản phẩm thịt nhập khẩu giá rẻ hơn sẽ làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm thịt sản xuất trong nước, với mức tác động được dự báo là khoảng 107 triệu USD/năm.

Cũng theo các chuyên gia, sau khi TPP có hiệu lực, các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó có thể cạnh tranh được với các nước trong TPP vốn có ngành chăn nuôi rất phát triển như Canada và Hoa Kỳ (có lợi thế về các sản phẩm thịt), hay Australia (có lợi thế về thịt gia súc, cừu, dê, ngựa) và thậm chí là New Zealand (có lợi thế về các sản phẩm sữa). Theo tính toán, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ giảm 52 triệu USD/năm.

Với trường hợp của AEC, các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ASEAN sẽ giảm, nhưng chủ yếu đối với các sản phẩm thịt lợn và gia cầm, với mức giảm/năm là 7% ở Philippines và 82% ở Thái Lan và 3% ở Indonesia.

Trong các phân ngành chăn nuôi, các sản phẩm thịt hiện là nhóm hàng Việt Nam đang áp mức thuế cao nhất với mức trung bình 17,3% (với các nước TPP) và 7,7% (với các nước AEC). Trong khi đó, các sản phẩm sữa lại là mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ các nước TPP và AEC.

 Do vậy, khi cả TPP và AEC có hiệu lực đồng thời với việc dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan cho các nước TPP và AEC, thì doanh thu thuế hai phân ngành này sẽ sụt giảm 46,6 triệu USD, tương ứng khoảng 0,03% GDP và chiếm chủ yếu trong doanh thu thuế của ngành chăn nuôi.

Ngoài việc chịu tác động tiêu cực khi TPP và AEC có hiệu lực, ngành sản xuất chăn nuôi của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng xấu bởi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU kỳ vọng sẽ được ký kết vào cuối năm nay.

Theo Ủy ban châu Âu, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường cho hầu hết các sản phẩm thực phẩm của EU theo cam kết của hiệp định này, gồm cả sản phẩm thô và đã qua chế biến. Tuy nhiên, điều này sẽ có lợi cho người tiêu dùng trong nước vì sẽ được tiếp cận các sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao của EU.

Cụ thể, thuế nhập khẩu của thịt lợn đông lạnh sẽ được bãi bỏ sau khi hiệp định này có hiệu lực 7 năm, thịt bò (sau 3 năm), các sản phẩm sữa (sau tối đa là 5 năm) và một số sản phẩm thực phẩm khác (sau tối đa là 7 năm). Thuế nhập khẩu của thịt gà cũng sẽ được bãi bỏ sau 10 năm.

Ngoài ra, các chuyên gia cảnh báo rằng, ngành sản xuất chăn nuôi của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, khó thay đổi trong một sớm một chiều, như sản xuất nhỏ lẻ, lệ thuộc nhập khẩu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và liên kết lỏng lẻo.

“Điều này đã dẫn đến năng suất thấp, sức cạnh tranh yếu và bất lợi thế thương mại đối với ngành chăn nuôi Việt Nam”, ông Okiura Fumihiko, Phó trưởng đại diện của Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đơn vị đã hỗ trợ VERP soạn thảo báo cáo trên, bình luận.

Đánh giá tác động cụ thể của TPP đối với một số nền kinh tế
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử thế giới, mở ra một khu vực hợp tác kinh tế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư