Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Ngành công nghiệp phụ trợ phát triển chưa tương xứng với quy mô và mục tiêu của VinFast
Minh Hải - 13/06/2019 18:33
 
Đó là nội dung được ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup nêu ra trong tham luận với chủ đề “Công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô và xe máy điện - Tầm nhìn và tốc độ VinFast”.
.
Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô và xe máy điện - Tầm nhìn và tốc độ VinFast”

Sáng 13/6 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về Phương tiện giao thông, vận tải và Công nghiệp hỗ trợ - Vietnam AutoExpo 2019 đã diễn ra Hội thảo với chủ đề: “Tiềm năng, nhu cầu phát triển ngành công nghiệp ô tô, xe máy tại Việt Nam và Cơ hội cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ”.

Hội thảo với các tham luận của Cục Công nghiệp, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương, Vụ Chính sách Thuế, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Hội Kỹ sư Ô tô Việt Nam và các doanh nghiệp tham gia triển lãm.

Ông Đỗ Hữu Hào, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Hội Kỹ sư Ô tô Việt Nam mở đầu hội thảo với phát biểu: “Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ phát triển vững chắc trong tương lại và Việt Nam dần dần sẽ hình thành tổ hợp những nhà máy sản xuất ô tô đáp ứng nhu cầu nội địa”.

Trong hội thảo, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương phát biểu tham luận với chủ đề “Những chính sách và giải pháp ưu đãi thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ”.

Theo đó, Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành (Quyết định 1168 và 1211) nhằm xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.

Tiếp theo là tham luận “Chính sách thuế đối với phát triển ngành công nghiệp ô tô và Công nghiệp hỗ trợ” của bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính.

Theo đó, trong giai đoạn tới, chính sách thuế sẽ tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp với xu thế phát triển của thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp tục phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và tiến tới xuất khẩu.

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đem đến hội thảo bài tham luận “Tiềm năng, nhu cầu phát triển ngành công nghiệp ô tô, xe máy và Cơ hội nào cho ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam”.

Qua bài tham luận, đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã cung cấp những thông tin hữu ích dành cho các đại biểu tham dự hội thảo về thực trạng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô hiện nay, cũng như những giải pháp hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp này.

Hội thảo không thể thiếu phần tham luận từ chính các doanh nghiệp tham gia trưng bày tại Triển lãm Vietnam AutoExpo 2019.

Đầu tiên là bài phát biểu của ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup với chủ đề “Công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô và xe máy điện - Tầm nhìn và tốc độ VinFast”.

Ông Võ Quang Huệ nhận định, ngành công nghiệp phụ trợ phát triển chưa tương xứng với quy mô và mục tiêu của VinFast đặt ra trong dài hạn là tỷ lệ nội địa hóa đạt hơn 60% với ô tô và 100% với xe máy điện và đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đó.

Theo đó VinFast đã dành riêng khoảng 30% cho Khu công nghiệp hỗ trợ ngay trong diện tích 335 ha của tổ hợp VinFast tại Hải Phòng nhằm thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam. Các hình thức đầu tư VinFast hướng đến bao gồm: Liên doanh với tỷ lệ góp vốn linh động; Nhà đầu tư có thể đầu tư 100% vốn, VinFast cung cấp mặt bằng nhà xưởng; VinFast đầu tư 100% vốn.

Với các mô hình hợp tác đầu tư như đã kể trên, hiện tại đã có 8 đối tác đồng hành cùng VinFast xây dựng 9 nhà xưởng sản xuất linh kiện ô tô tại đây, điển hình là những công ty danh tiếng trong ngành công nghệ phụ trợ châu Âu như ZF, Lear, Faurecia… để sản xuất ra các sản phẩm động cơ, thân vỏ cùng những cụm linh kiện khác được nội địa hóa đa dạng và đạt chất lượng cao như hộp số, khung gầm và các chi tiết vỏ xe, các chi tiết nội thất và ngoại thất nhựa, ghế, tấm trần, trụ lái...

Đối với xe máy điện, ngoài 3 linh kiện nhập khẩu như động cơ, pin và hệ điều hành thì toàn bộ các linh kiện còn lại đã được VinFast nội địa hóa thông qua việc hợp tác với 34 nhà cung cấp tại Việt Nam ngay thời điểm bắt đầu sản xuất vào tháng 11/2018. Và sắp tới đây, một chi tiết quan trọng của dòng xe máy và ô tô điện đó là Pin cũng sẽ được nội địa hóa tại nhà máy sản xuất đóng gói Pin, thông qua liên doanh với LG Chem, một công ty công nghệ Pin hàng đầu thế giới.

Ông Võ Quang Huệ tin tưởng, trong tương lai, chuỗi cung ứng linh kiện và và cụm linh kiện nhằm phục vụ cho sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ phát triển. Ngoài ra, với năng lực sản xuất gia tăng, VinFast hy vọng sẽ hỗ trợ các đối tác trong mạng lưới sản xuất đạt được các tiêu chuẩn xuất khẩu các linh kiện từ Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Từ góc độ nhà đầu tư nước ngoài, ông Trương Thiết Quân, Phó Chủ tịch Hội Xúc tiến Thương mại thành phố Tế Nam - tỉnh lớn thứ hai của Trung Quốc và là tỉnh lớn thứ ba trong nền kinh tế Trung Quốc qua bài phát biểu của mình bày tỏ mong muốn hợp tác lâu dài giữa các doanh nghiệp Tế Nam và Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô.

Hội thảo đã đem lại những lợi ích tích cực đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, xe máy, xe điện và công nghiệp hỗ trợ.

Toàn cảnh triển lãm Vietnam AutoExpo 2019
Hôm nay (12/6), Triển lãm quốc tế lần thứ 16 về Phương tiện giao thông, vận tải và công nghiệp hỗ trợ - Vietnam AutoExpo 2019- sẽ chính thức khai màn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư